Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Ký ức văn hóa của người Dao Tiền

PV - 08:19, 16/04/2021

Cho tới bây giờ, phụ nữ Dao Tiền vẫn giữ thói quen tự may quần áo cho bản thân và người thân trong gia đình. Phục trang của họ không chỉ đơn giản là đồ để mặc mà nó còn ẩn chứa những trầm tích văn hóa của người Dao, phản ánh quá trình hình thành, tập tục, thậm chí lịch sử tộc người của cộng đồng người Dao ở Việt Nam.

Phụ nữ Dao Tiền tự may trang phục truyền thống cho bản thân và gia đình. Ảnh: Bích Nguyên
Phụ nữ Dao Tiền tự may trang phục truyền thống cho bản thân và gia đình. Ảnh: Bích Nguyên

Trải qua nhiều thăng trầm, người Dao Tiền ở tỉnh Cao Bằng vẫn giữ được phong tục tập quán, những nét văn hóa đặc trưng như một sợi dây liên kết cộng đồng sâu sắc. Có thể nói, đời sống văn hóa tinh thần của người Dao nói chung, Dao Tiền nói riêng rất phong phú với nhiều phong tục, nghi lễ đặc sắc. Điều đặc biệt là hầu hết tập tục, nghi lễ, kể cả trang phục truyền thống của họ đều nhắc nhở con cháu nhớ về cội nguồn dân tộc. Trong đó, mỗi biểu tượng hoa văn, họa tiết trang trí nhà cửa hay trên váy áo, vật dụng hàng ngày của người Dao Tiền đều ẩn chứa trong nó những ý nghĩa nhất định về nhân sinh quan, lịch sử cội nguồn của dân tộc.

Trang phục truyền thống của phụ nữ Dao Tiền gồm áo dài, dây lưng, váy, khăn đội đầu, phụ kiện đi kèm là chiếc túi đựng trầu, trang sức bằng bạc. Cổ áo phía sau của phụ nữ được sâu 6 đồng bạc trắng, đây là đặc trưng riêng của nhóm người Dao Tiền so với các nhóm người Dao khác. Dây lưng của người Dao Tiền được dệt bằng chỉ màu, trong khi đó, khăn đội đầu được làm bằng vải trắng, thêu viền xung quanh và khâu đắp 2 miếng vải thêu ở hai đầu khăn.

Không rực rỡ như các dân tộc khác, màu sắc chủ đạo trên trang phục của người Dao Tiền là sắc chàm và màu trắng. Sự kết hợp 2 màu cơ bản này cùng với các hình trang trí đa dạng tạo nên một bộ trang phục độc đáo và khác biệt so với các dân tộc khác. Trang phục của người Dao Tiền được làm rất tỉ mẩn và cầu kỳ, đòi hỏi sự khéo léo trong từng đường kim mũi chỉ do phải thêu tay rất nhiều họa tiết hoa văn.

Điều tạo nên nét đặc sắc cho váy áo của người Dao là họa tiết hoa văn trang trí dựa trên sự kết hợp nghệ thuật in sáp ong với cắt may, thêu và nhuộm chàm. Cùng với thêu trực tiếp váy áo, phụ nữ Dao Tiền thường thêu từng mảnh vải nhỏ, sau đó, khâu đắp nổi vào váy áo. Độc đáo nhất là nghệ thuật in sáp ong. Sau khi nấu chảy sáp ong, họ sẽ dùng bút vẽ, nhúng vào sáp ong rồi trực tiếp vẽ lên vải hoặc dùng khuôn in. Khi hoàn thành bức vẽ họ mới mang vải đi nhuộm chàm. Có thể ví mỗi bộ trang phục của người Dao Tiền là một tác phẩm nghệ thuật giàu giá trị thẩm mỹ. Các hình thêu đều có ý nghĩa riêng, kể về lịch sử hình thành của người Dao.

Ngồi thư thái trước hiên nhà, bà Chu Thị Sai, 60 tuổi, ở xã Hoa Thám, huyện Nguyên Bình vừa trò chuyện với tôi, vừa khâu những đường chỉ trang trí cuối cùng trên chiếc dây lưng. Hôm nay là ngày đại lễ của dòng họ, bà Sai mặc bộ đồ đẹp nhất, lấp lánh ánh bạc. Bà Sai bảo, phụ nữ Dao Tiền nhất thiết phải đeo trang sức bằng bạc - đó là sự thể hiện mức độ giàu sang của mỗi người. Bản thân bà bà mặc chiếc áo có 10 chiếc cúc bằng bạc, đeo 7 vòng cổ, 2 vòng tay, khuyên tai đều được chế tác từ bạc, chưa kể chiếc túi đựng trầu cũng đính 22 bông hoa bạc. Bà bảo, tất cả đồ bạc đều là của hồi môn khi bà đi lấy chồng.

Bà Sai cho hay: “Phụ nữ Dao Tiền đều biết làm trang phục truyền thống. Chúng tôi tự dệt vải, nhuộm chàm, cắt may, khâu thêu trang phục cho mình. Làm trong vài tháng đến 1 năm mới xong một chiếc áo. Mỗi cô gái đến tuổi thiếu nữ đều phải tự làm cho mình một vài bộ quần áo để mang về nhà chồng. Như tôi, trước khi lấy chồng tự chuẩn bị cho mình ba bộ. Đến bây giờ, tôi vẫn tự thêu may quần áo cho mình”.

Cùng ngồi nói chuyện, bà Bàn Thị Thanh, người có quan hệ họ hàng với bà Sai cho biết thêm: “Con gái Dao Tiền từ khi 8-10 tuổi đã được truyền dạy cho cách may mặc, thêu thùa trang phục. Việc tự làm trang phục không hề đơn giản. Chúng tôi tự tay dệt vải, nhuộm chàm, vẽ sáp ong, cắt, khâu... Khó nhất là công đoạn thêu hoa văn bởi chúng tôi dựa trên trí nhớ, thêu trên mặt trái của vải để hoa văn hiện lên mặt phải. Người phụ nữ phải khéo tay và cẩn thận mới làm đẹp được”.

Phụ nữ Dao Tiền tự may trang phục truyền thống cho bản thân và gia đình. Ảnh: Bích Nguyên
Phụ nữ Dao Tiền tự may trang phục truyền thống cho bản thân và gia đình. Ảnh: Bích Nguyên

Bà Thanh chia sẻ, họa tiết trang trí trên váy áo và đồ trang sức của người Dao Tiền chủ yếu là hình sóng nước, cây thông, đường zích zắc, hình con chó, con dê, chim... Mỗi họa tiết đều chứa đựng câu chuyện về cuộc sống, có ý nghĩa sâu xa. Hình ảnh hoa văn sóng nước trên chân váy của người Dao chính là hóa thạch văn hóa chứ không đơn giản mang ý nghĩa trang trí. Nó nhắc nhớ cội nguồn của người Dao vốn sinh sống ở vùng sông nước phía Nam Trung Quốc.

Trong khi đó, “hoa văn cây thông biểu tượng cho giai đoạn văn hóa chuyển từ vùng sông nước lên vùng núi non, mát mẻ của người Dao. Hình con cá trên chiếc túi đựng trầu của người Dao Tiền nhắc tới khởi thủy gắn liền với sông nước của người Dao. Theo nghiên cứu của nhiều học giả người Dao, trong lịch sử tộc người, buổi đầu sơ khai là gắn với vùng sông nước sau do loạn lạc, thiên tai, người Dao di cư tới Việt Nam”, Tiến sĩ Bàn Tuấn Năng, Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết.

Theo Tiến sĩ Bàn Tuấn Năng, các họa tiết trang trí của người Dao đều là những ký ức văn hóa, thể hiện nhân sinh quan của dân tộc này. Theo quan niệm của người Dao, cá chính là con vật có nhiệm vụ đưa linh hồn người chết về với tổ tiên. Còn chim Phượng Hoàng có trách nhiệm đưa thư cho 2 cõi, từ trần gian lên thượng giới. Trong khi đó, cúc áo bằng bạc của người Dao cách điệu bông hoa, trên đó có hình ngôi sao tám cánh là tượng trưng cho 4 phương tám hướng của trời đất.

Trang phục của người Dao Tiền với những hình thêu cầu kỳ, tinh tế rõ ràng ngoài giá trị sử dụng, tính thẩm mỹ cao còn là những câu chuyện dài về lịch sử cội nguồn dân tộc Dao.

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.