Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Kỳ tích của Phan Hoàng Anh

PV - 17:42, 10/09/2020

Đối với những học sinh lành lặn, việc thi đỗ đại học đã không phải là điều dễ dàng chứ đừng nói đến những học sinh khuyết tật. Vậy mà, Phan Hoàng Anh, lớp 12 Tin, trường THPT Chuyên tỉnh Tuyên Quang, cậu học sinh bị mắc chứng bại não lại được tuyển thẳng vào trường Đại học FPT và nhận 100% học bổng vào ngành Công nghệ thông tin, khoa Trí tuệ nhân tạo. Đây có thể nói là cả một “kỳ tích” về hành trình nỗ lực và cố gắng không ngừng nghỉ của Hoàng Anh cùng gia đình.

Phan Hoàng Anh cùng bố mẹ.
Phan Hoàng Anh cùng bố mẹ.

Hành trình gian khó

Anh Phan Thế Ngọc, tổ 2 phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang), bố của Phan Hoàng Anh vẫn nhớ như in những ngày tháng 9 - 2001. Năm ấy, vợ chồng anh lại háo hức chào đón đứa con thứ hai ra đời - Một bé trai kháu khỉnh. Nhưng niềm hạnh phúc chưa được bao lâu thì ngàn nỗi lo âu cùng những tháng ngày vất vả lại bắt đầu ụp xuống. Chỉ 4 ngày sau khi rời bệnh viện về nhà, bé Hoàng Anh có dấu hiệu vàng da, sốt cao và bỏ bú. Đang trong ca trực ở Nhà máy Xi măng Tuyên Quang, nhận được điện thoại từ gia đình, anh Ngọc vội vã xin phép lãnh đạo công ty về để vào viện thăm con. Mắt anh trùng xuống: “Tình hình cháu ngày càng xấu đi. Toàn thân vàng khè, thoi thóp. Tôi rối bời muốn chuyển con về viện tuyến trung ương mà chẳng dám. Nghĩ chẳng may trên đường đi lỡ có chuyện gì… Đành “Trăm sự nhờ bác sỹ” ở tỉnh. Rồi cháu cũng qua được cái đận ấy và dần khỏe lại. Nhưng chúng tôi chẳng thể biết rằng não của con trai đã bị ảnh hưởng từ đấy”.

Khi Hoàng Anh được 6 tháng tuổi, vợ chồng anh lại bàng hoàng trước kết luận của Bác sĩ: Hoàng Anh bị bại não thể múa vờn - Một tổn thương ở não khiến trẻ có sự thay đổi về trương lực cơ, gây nên những cử động lộn xộn không thể chữa khỏi và chỉ có thể tập luyện để hỗ trợ phục hồi các chức năng. Thương con, vợ chồng chị động viên nhau phải thật mạnh mẽ để cùng con bước tiếp hành trình đầy gian nan này. Đều đặn suốt 5 năm, vợ chồng anh chị thay nhau đưa con đi điều trị ở Bệnh viện Phục hồi chức năng Hương Sen. Ngoài thời gian điều trị ở trung tâm, về nhà Hoàng Anh lại được mẹ tập luyện cho mỗi tối 1 giờ trước khi đi ngủ. Không phụ công sức bố mẹ, 3 tuổi, Hoàng Anh bắt đầu tập đứng trên 5 đầu ngón chân và chập chững những bước đi đầu tiên “liêu xiêu” trên đôi chân yếu ớt. Cậu bé cũng bắt đầu với từng tiếng gọi “ẹ ợ, ồ ôi” (mẹ ơi, bố ơi). Những tiếng gọi mà cho tới giờ khi đã 19 tuổi, Hoàng Anh vẫn không thể gọi được tròn câu, rõ tiếng.

Nỗ lực vượt lên

7 tuổi, Hoàng Anh được gửi vào học ở lớp học đặc biệt dành cho trẻ khuyết tật ở trường Tiểu học Bình Thuận. Vẫn có những đặc trưng của một đứa trẻ bị bại não, đó là bị rối loạn vận động không tự chủ nên Hoàng Anh đi lại khó khăn. Đôi tay khòng khèo khiến những con chữ chẳng theo hàng theo lối. Mỗi câu nói phát ra khiến mặt em giật giật, méo xệch sang một bên. Thế nhưng, Hoàng Anh lại nhận thức nhanh hơn các bạn cùng lớp. Em được chuyển vào học lớp 2 để hòa nhập với các bạn bình thường. Và kết quả là Hoàng Anh vượt qua từng lớp học, tốt nghiệp tiểu học và THCS một cách thật bất ngờ. Anh Ngọc rưng rưng kể lại: “Càng lớn, cơ thể Hoàng Anh càng thay đổi, tâm sinh lý cũng thay đổi. Do vậy, hàng ngày nửa buổi cháu phải đến trường, nửa buổi cháu phải đến Bệnh viện Phục hồi chức năng Hương Sen tập luyện. Năm lớp 8, cháu may mắn được Tổ chức Chữ thập xanh Quốc tế tặng 1 chiếc laptop khi tổ chức này đến thăm bệnh viện. Cháu thích thú lắm. Những ngón tay co cứng, khó khăn mãi vừa mới cầm chắc bút giờ lại phải tỉ mẩn làm quen với bàn phím, con chuột nên mãi chẳng nghe theo khiến cháu nổi khùng lên, đập phá hỏng cả máy tính. Thương con, vợ chồng tôi chỉ biết động viên cháu bằng cách mua lại chiếc máy tính mới để con tiếp tục học. Đồng thời, chúng tôi làm một chiếc ròng rọc trên mái nhà, làm xà đơn trước sân nhà cho con tập luyện để không bị cứng cơ". Biết bố mẹ vất vả vì mình nên cháu rất chăm chỉ tập luyện. Dần dần, cháu sử dụng được máy tính. Học chủ yếu trên máy tính và tự mình đi bộ đến trường. Cháu cũng dùng máy tính lên mạng tìm hiểu các bài tập để tự rèn luyện khả năng vận động của mình. Giờ cháu đã có thể đi được xe đạp, cơ bản đã tự sinh hoạt được như mọi người.

Kết quả của tình yêu thương

“Tôi đã bật khóc khi chứng kiến, lần đầu tiên trong đời con trai tôi được nhận phần thưởng của cô giáo chủ nhiệm lớp 8, trường THCS Hồng Thái dành cho học sinh giỏi. Số tiền không lớn nhưng là sự động viên, khích lệ to lớn với cháu, khiến cháu thấy mình được yêu thương, quan tâm mà không phải là sự kỳ thị, xa lánh”, anh Ngọc nghẹn ngào. Từ lần ấy, cháu càng cố gắng kiên trì, nỗ lực học tập hơn. Năm học 2017-2018, cháu trúng tuyển vào lớp 10 Toán Tin, trường THPT Chuyên Tuyên Quang.

Phan Hoàng Anh học tập cùng máy tính.
Phan Hoàng Anh học tập cùng máy tính.

Chị Lê Thị Thanh Hải, mẹ của Hoàng Anh, nữ công nhân của Công ty Cổ phần Dịch vụ môi trường và Quản lý đô thị Tuyên Quang rớm nước mắt, lập cập cầm sấp giấy khen, giấy chứng nhận và học bạ của con để khoe với chúng tôi. Nhìn vào học bạ của Hoàng Anh, chúng tôi không tin đây là học bạ của một học sinh khuyết tật. Năm học nào Hoàng Anh cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi với điểm trung bình các năm học là 8,6. Em học đều các môn và đặc biệt có niềm đam mê và học xuất sắc ở môn công nghệ thông tin và tin học. Liên tiếp trong hai năm lớp 10 và 11, Hoàng Anh đều giành giải Nhất kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Tin học. Năm học 2019 – 2020, em đã đoạt giải Nhì cấp tỉnh bộ môn này. Em cũng đoạt 4 Huy chương Đồng từ các cuộc thi Học sinh giỏi khối các trường THPT Chuyên khu vực Duyên hải và đồng bằng Bắc bộ, Trại hè Hùng Vương được tổ chức hằng năm. Với kết quả này, Hoàng Anh được miễn thi tốt nghiệp và đủ điều kiện được tuyển thẳng vào trường Đại học FPT.

Chị Hải bảo với chúng tôi, chị chưa bao giờ kỳ vọng vào con nhiều đến thế. Chị chỉ mong con có thể sinh hoạt, vận động được bình thường như chúng bạn là chị đã hạnh phúc lắm. Cháu có nghị lực như vậy, có được kết quả như vậy chắc hẳn là do cháu nhận được nhiều tình yêu thương của gia đình, của bác sỹ, thầy cô và bè bạn. Sự noi gương trong học tập giống như chị cả Phan Thị Lan Anh, cựu sinh viên xuất sắc của trường Đại học Ngoại thương, hiện đã bảo vệ xuất sắc luận văn thạc sỹ tại trường Đại học của Đức và đang công tác tại Đức. Và hơn cả, là sự tự nỗ lực, không ngừng học hỏi và những tấm gương, câu chuyện sáng ngời của những người khuyết tật khác mà cháu đọc được trên báo chí. Chị tin “Ông trời không cho ai tất cả, cũng không lấy hết tất cả của ai” và chị mong con trai sẽ có một tương lai xán lạn.

Chia sẻ với chúng tôi, thầy giáo Lê Thái Hòa, phụ trách đội tuyển học sinh giỏi tin trường THPT Chuyên tỉnh cho biết: “Hoàng Anh là một học trò ngoan, thông minh và chăm chỉ. Em không ngừng nỗ lực vươn lên trong học tập. Khi biết tin được tuyển thẳng vào đại học, Hoàng Anh và các bạn trong đội tuyển tin đã mua bánh đến cảm ơn thầy giáo khiến tôi vô cùng xúc động. Đây có lẽ là học trò mà tôi khó có thể nào quên”.

Chia tay Hoàng Anh, trong những câu trả lời ngắt quãng, còn ngượng ngịu của em: “Được đi học đại học em vui lắm. Em sẽ cố gắng học thật tốt để không phụ lòng bố mẹ và thầy cô”, chúng tôi càng thêm cảm phục ý chí và nghị lực phi thường của chàng trai này.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.