Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV: Khắc phục tình trạng cán bộ "xơ cứng", không dám hành động

PV - 07:44, 27/05/2024

Tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ dẫn đến giải quyết công việc chưa hiệu quả.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Đây là vấn đề được nhiều đại biểu nêu ra trong phiên thảo luận về Báo cáo của Đoàn Giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”, ngày 25/5.

Nạn dịch đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm

Đề cập đến nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, hạn chế trong thực hiện Nghị quyết 43, đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) quan tâm đến 2 nguyên nhân chủ quan là tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức; một số doanh nghiệp thuộc đối tượng hỗ trợ nhưng có tâm lý e ngại công tác thanh tra, kiểm tra tăng chi phí phát sinh thủ tục và việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật còn chậm, văn bản hướng dẫn cụ thể một số chính sách có quy định chưa rõ, chưa thống nhất dẫn đến chậm tiến độ, tỷ lệ giải ngân thấp, có chính sách chưa đạt mục tiêu đề ra, ảnh hưởng đến kết quả chung của tình hình thực hiện nghị quyết. Đây là hai nguyên nhân chính, là rào cản lớn nhất hiện nay, dẫn đến tình trạng làm trì trệ, giảm hiệu lực, hiệu quả của Nghị quyết 43 nói riêng và của cả nền kinh tế nói chung.

Một hiện tượng đáng lo ngại là từ kỳ họp thứ 5 đến kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, cả hai nguyên nhân hạn chế này đều xuất hiện trong hầu hết các báo cáo trình tại kỳ họp Quốc hội. Thực trạng này rất đáng quan tâm và cần phải có giải pháp căn cơ để khắc phục, không thể kéo dài sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế của đất nước.

Theo đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận), trong bối cảnh hết sức khó khăn, Chính phủ, Quốc hội đã cân đối, dành nguồn lực phân bổ cho các chương trình, dự án nhằm phục hồi kinh tế; nhưng thực tế là chúng ta chưa sử dụng hết, sử dụng chưa hiệu quả - đây cũng được xem là một sự lãng phí.

Chỉ ra nguyên nhân chính vẫn là yếu tố con người, con người đề xuất, ban hành chính sách, con người thực thi và triển khai chính sách trong thực tế, là yếu tố quyết định cho chính sách đó thành công hay không, đại biểu tỉnh Bình Thuận thống nhất với đánh giá của Đoàn Giám sát, đó là hiện nay tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ dẫn đến giải quyết công việc chưa hiệu quả. Tình trạng đùn đẩy, né tránh của cán bộ, công chức không chỉ là nguyên nhân mà còn là hiện tượng.

Phân tích hiện tượng này xuất phát từ 2 nguyên nhân khác, đại biểu chỉ ra rằng, văn bản quy phạm pháp luật chồng chéo; nhiều quy định không khả thi và lạc hậu, tạo rủi ro cho người thực thi, cho doanh nghiệp; thủ tục thực hiện dự án phức tạp, chồng chéo dẫn đến kéo dài thời gian chuẩn bị. Bên cạnh đó là năng lực thực thi nhiệm vụ của cán bộ, công chức còn hạn chế. 

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hữu Thông phát biểu ý kiến, sáng 25/5. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hữu Thông phát biểu ý kiến, sáng 25/5. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông nêu rõ, thời gian qua, việc khắc phục tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo của các quy định pháp luật, việc hủy bỏ những quy định không khả thi tuy có được triển khai nhưng vẫn còn chậm, nhất là những văn bản dưới luật và việc bồi dưỡng cho đội ngũ thực thi chính sách (công chức, viên chức) chưa chú trọng nhiều vào học chuyên môn, nghiệp vụ. Tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức đã được nhắc đến nhiều lần nhưng vẫn chưa có chuyển biến.

“Có phải chúng ta chưa có cơ chế xử lý, đánh giá cán bộ, công chức, hay chưa có cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung”, đặt vấn đề như vậy, nhưng ông trả lời rằng “không phải”. Bởi, chúng ta đã có nhiều văn bản của Đảng và của Chính phủ về đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, đã có Kết luận 14 của Trung ương, Nghị định 73 của Chính phủ về khuyến khích cán bộ dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Vậy từ nguyên nhân nào? Ông kiến nghị Quốc hội, Chính phủ có đánh giá một cách căn cơ, tìm đúng nguyên nhân và có giải pháp thật sự hiệu quả, trong đó có việc khảo sát, đánh giá lại việc thực hiện Nghị định 73 từ khi ban hành cho đến nay có cơ quan, đơn vị, địa phương nào đã áp dụng thực hiện và đem lại hiệu quả, để từ đó nhân rộng. Còn nếu qua khảo sát, đánh giá vẫn còn vướng mắc, các địa phương, đơn vị chưa áp dụng thì cần có giải pháp hữu hiệu khắc phục tình trạng trên.

Bày tỏ “rất quan ngại” với tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) ví “điều này đã trở thành một loại dịch lan rất nhanh trong đội ngũ người thực thi công vụ trong mọi cấp, mọi ngành trong xã hội suốt từ năm 2022 đến hết năm 2023. Nhân dân thấy rõ điều đó. Có người còn cho đó là đặc điểm nổi bật của cán bộ, công chức trong thời gian qua, thực sự đau, và thực sự buồn”.

Để ngăn chặn “nạn dịch” né tránh, sợ trách nhiệm tiếp tục tồn tại đến năm 2024, đại biểu mong các cấp Đảng, chính quyền cần coi đó là tình trạng tiêu cực. Cần chỉ ra và thực thi kỷ luật ai né tránh, sợ trách nhiệm. Cạnh đó, cũng cần khen thưởng kịp thời những ai có tinh thần 7 dám, đặc biệt cán bộ, công chức viên chức nào dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Chờ đợi xin cơ chế đặc thù

Nêu ý kiến hiện nay có nhiều quy định không phù hợp với thực tế, mọi người đều thấy cần phải làm khác đi mới có hiệu quả, nhưng trên thực tế khi thi hành công vụ, người thi hành vẫn phải tuân thủ theo quy định và thực thi những việc làm không phù hợp, thậm chí, nhiều người không dám làm, phải đùn đẩy trách nhiệm lên, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng điều này cũng có thể dẫn đến việc các địa phương chờ đợi xin các cơ chế đặc thù để giải quyết.

“Thời gian qua, hầu như kỳ họp nào Quốc hội cũng xem xét thông qua Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù. Ngay trong kỳ họp này, chúng ta biết đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây cũng đề xuất cơ chế đặc thù; hai địa phương như Nghệ An, Đà Nẵng cũng xin cơ chế đặc thù. Tôi tin tưởng rằng, các địa phương, các ngành, lĩnh vực sẽ tiếp tục xin cơ chế đặc thù trong các kỳ họp tới”, ông nói.

Theo đại biểu, các nghị quyết về cơ chế đặc thù chính là cho phép cơ quan thực thi được phép hành động khác so với quy định pháp luật hiện hành, nên việc này được coi như “cởi trói” và đã mang lại tác động tích cực cho cuộc sống. Các quy định của pháp luật luôn luôn có sự giao thoa, phù hợp với lĩnh vực này, địa phương này, thời điểm này, nhưng có thể không phù hợp với lĩnh vực, các địa phương khác, vào thời điểm khác.

Cùng một quy định của pháp luật, nhưng nếu hoàn cảnh khác nhau, đối tượng khác nhau, người thực thi pháp luật phải biết vận dụng, xử lý khác nhau cho phù hợp với đối tượng, hoàn cảnh để mang lại hiệu quả tốt nhất.

Do vậy, để khắc phục tình trạng cán bộ “xơ cứng”, không dám hành động vì sợ sai như hiện nay, đồng thời khuyến khích cán bộ thực thi công vụ năng động, sáng tạo, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị Quốc hội cần có một nghị quyết cho phép khi thực thi công vụ được phép vận dụng các quy định của pháp luật, hoặc lựa chọn các quy định của pháp luật phù hợp nhất một cách linh hoạt, sáng tạo cho phù hợp với đối tượng, điều kiện, hoàn cảnh thực tế.

Quang cảnh phiên họp sáng 25/5. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Quang cảnh phiên họp sáng 25/5. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Để thực hiện cơ chế này, trước khi thực hiện, phải lập kế hoạch hành động, trong đó chỉ rõ lý do sự cần thiết phải vận dụng sáng tạo là gì, khác gì so với hiện hành. Phải báo cáo kế hoạch với cơ quan có thẩm quyền về cách làm để xem xét, phê duyệt cho phép cán bộ được thực hiện, nhưng việc phê duyệt này phải dựa trên cơ sở tính khả thi và phù hợp với thực tế, không trái với quy định cấm của pháp luật.

Ông lưu ý rằng, đây là “không trái với các quy định cấm của với pháp luật”, chứ không phải là “phải tuân thủ pháp luật” như hiện nay. “Vì nếu cứ yêu cầu phải tuân thủ quy định pháp luật hiện nay thì tất cả các năng động, sáng tạo sẽ không bao giờ được phép chấp nhận”.

Đồng thời, các cơ quan đã phê duyệt thì phải kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch của người đề xuất để phát hiện và điều chỉnh kịp thời. Với quy định như vậy, chúng ta sẽ xóa bỏ được tình trạng của cán bộ không dám hành động như hiện nay; đồng thời sẽ thúc đẩy, khơi dậy được tinh thần đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của cán bộ quản lý, lãnh đạo các cấp. 

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.