Trình bày Tờ trình về dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội năm 2020, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, tính đến ngày 23/3/2019, Tổng Thư ký Quốc hội đã nhận được văn bản trả lời của 77 cơ quan với 183 nội dung kiến nghị, đề xuất.
Trên cơ sở dự kiến số lượng, tiêu chí lựa chọn và nghiên cứu kiến nghị, đề xuất của các cơ quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định 1 trong 2 chuyên đề, đó là việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em (dự kiến giao Ủy ban Tư pháp chủ trì về nội dung) và chuyên đề việc thực hiện các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên (dự kiến giao Ủy ban Đối ngoại chủ trì về nội dung).
Thảo luận tại Hội trường, đa số các đại biểu đồng tình với việc chọn
chuyên đề giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.
Đại biểu Triệu Thị Thu Phương (Bắc Kạn) cho rằng, hành vi bạo lực trẻ em vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực đạo đức, nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em báo động sự suy đồi về đạo đức gây bức xúc cho dư luận trong thời gian qua. Theo đại biểu, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do công tác bảo vệ trẻ em ở nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức, kịp thời. Không ít trẻ em chưa nhận được sự quan tâm, chăm sóc, giáo dục, bảo vệ cần thiết nên bị xâm hại cả về thể xác lẫn tinh thần. Nhiều vụ việc, hành vi xâm hại trẻ em chưa được phát hiện, ngăn chặn kịp thời, có vụ việc xử lý chưa nghiêm. Văn bản quy phạm pháp luật còn có những khoảng trống nhất định; thiếu đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em và còn thiếu sự quan tâm, giám sát của cơ quan dân cử.
Đại biểu đề nghị, Quốc hội ưu tiên chương trình giám sát 2020 đối với chuyên đề này nhằm rà soát, đánh giá lại tất cả quy định của pháp luật để kịp thời sửa đổi bổ sung, tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật liên quan đến bảo vệ trẻ em nói chung, phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em nói riêng.
Theo đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum), trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức mà không bị bóc lột sức lao động, không phải lao động trước tuổi, lao động quá thời gian, hoặc công việc nặng nhọc, độc hại nhưng trên thực tế còn nhiều bức xúc.
Liên quan đến phương thức hoạt động giám sát của Quốc hội, đại biểu Lê Thanh Vân cũng cho hay, gần đây đã chọn đúng chủ đề tiến hành giám sát tối cao trong và giữa 2 kỳ họp Quốc hội, đáp ứng nhu cầu của Nhân dân. Phương pháp dù đã được cải tiến nhưng vẫn còn bất cập, việc xâm nhập hiện trường, xâm nhập đối tượng chịu tác động của chính sách pháp luật vẫn còn hạn chế. Về cơ bản vẫn lắng nghe báo cáo của cơ quan chịu giám sát thay vì đi hiện trường kiểm tra trên thực tiễn để so sánh báo cáo với thực tiễn thế nào, độ vênh ra sao.
Sau thảo luận, Quốc hội tiến hành lấy ý kiến đại biểu Quốc hội bằng hệ thống điện tử về chuyên đề giám sát tại kỳ họp thứ 9 năm 2020. Kết quả, có 383 đại biểu (chiếm 79,13% tổng số đại biểu) biểu quyết tán thành chọn giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.
Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức thực hiện Nghị quyết về chương trình giám sát của Quốc hội năm 2020, nâng cao tính chuyên nghiệp trong tổ chức thực hiện và tăng cường các điều kiện bảo đảm để hoạt động giám sát được tiến hành một cách thuận lợi, đạt chất lượng, hiệu quả cao.
Cũng trong ngày 3/6, Quốc hội đã nghe Tờ trình và thảo luận tại Hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019.
THANH HUYỀN