Tờ trình số 338/TTr-UBTVQH14 ngày 24/10/2018 về Danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV nêu rõ: tại kỳ họp này, Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ sau: Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước.
Tuy nhiên, trong số những người giữ chức vụ thuộc diện Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm lần này có hai chức danh vừa được Quốc hội bầu và phê chuẩn là Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng không lấy phiếu tín nhiệm. Theo quy định tại khoản 6 Điều 1 Nghị quyết số 85/2014/QH13, Quốc hội không lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn có thời gian đảm nhiệm chức vụ liên tục chưa đủ 9 tháng, vì vậy, hai chức danh này không phải lấy phiếu tín nhiệm. Do đó, danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp này là 48 người.
Theo kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đạt tỷ lệ số phiếu tín nhiệm cao cao nhất với 437 phiếu (chiếm 90,1% tổng số đại biểu Quốc hội); số phiếu tín nhiệm: 34 phiếu (chiếm 7,01% tổng số đại biểu Quốc hội); số phiếu tín nhiệm thấp: 04 phiếu (chiếm 0,82% tổng số đại biểu Quốc hội). Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đạt số phiếu tín nhiệm cao: 393 phiếu (chiếm 81,03% tổng số đại biểu Quốc hội); số phiếu tín nhiệm: 68 phiếu (chiếm 14,02% tổng số đại biểu Quốc hội); số phiếu tín nhiệm thấp: 14 phiếu (chiếm 2,89% tổng số đại biểu Quốc hội)…
Kết quả kiểm phiếu cho thấy, những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn đều đạt tỷ lệ cao về tổng số phiếu tín nhiệm cao và tín nhiệm (gần 69%) trở lên. Số phiếu tín nhiệm thấp chiếm tỷ lệ cao nhất là 28,25%.
Theo Điều 18 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức. Người được lấy phiếu tín nhiệm có từ hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp” thì Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm. Như vậy, theo kết quả công bố, 48 người được lấy phiếu tín nhiệm, không có trường hợp nào có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội đánh giá “tín nhiệm thấp”.
Sau khi Ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày dự thảo Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Quốc hội đã thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn với 100% số đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, việc lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn là nội dung giám sát đặc biệt quan trọng, thể hiện sự ghi nhận, đánh giá của Quốc hội đối với những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay của những người được lấy phiếu tín nhiệm. Trên cơ sở lắng nghe ý kiến của cử tri, từ thực tiễn theo dõi, giám sát của mình, mỗi đại biểu Quốc hội sẽ thực hiện việc đánh giá với tinh thần trách nhiệm, bảo đảm dân chủ, khách quan, công tâm.
THANH HUYỀN