Đây là thông tin được Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu tại buổi họp báo về dự kiến Chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV được tổ chức chiều ngày 18/10. Theo đó, dự kiến Kỳ họp thứ 6 sẽ khai mạc ngày 22/10. Tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ cho ý kiến về nhiều dự án luật cũng như xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước.
Theo Tổng Thư ký Quốc hội, tại Kỳ họp thứ 6, ngoài việc xem xét các báo cáo đánh giá tình hình kinh tế-xã hội năm 2018; xem xét, quyết định dự toán ngân sách 2019… thì Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo đánh giá 3 năm (2016-2018) thực hiện phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; xem xét, quyết định kế hoạch đầu tư trung hạn… Trong các thành viên được Thủ tướng phân công báo cáo đánh giá tình hình phát triển kinh tế-xã hội tại kỳ họp thứ 6, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến sẽ báo cáo đánh giá 3 năm thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi.
“Tiếp tục đổi mới hoạt động của Quốc hội, tại Kỳ họp thứ 6 sẽ có 3 ngày tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn. Trong kỳ họp này, Quốc hội không thảo luận nội dung đã được các thành viên Chính phủ báo cáo mà sẽ tập trung “hỏi nhanh đáp gọn? Cái gì được, chưa được, nguyên nhân, giải pháp là gì”, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết.
Tổng Thư ký Quốc hội thông tin, trong những ngày làm việc đầu của Kỳ họp, Quốc hội sẽ tiến hành bầu Chủ tịch nước (dự kiến trong ngày 23/10). Đồng thời, Quốc hội sẽ tiến hành miễn nhiệm chức danh Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đối với ông Trương Minh Tuấn; xem xét phê chuẩn chức danh Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đối với ông Nguyễn Mạnh Hùng…
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị các cơ quan báo chí tăng cường thời lượng thông tin về Kỳ họp thứ 6 một cách kịp thời, khách quan; phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Quốc hội tuyên truyền sâu rộng tới các tầng lớp nhân dân về Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV.
SỸ HÀO