Tờ trình về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2019 do Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày cho thấy, căn cứ kết quả hoạt động giám sát những năm vừa qua và tình hình thực tế, trong năm 2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội giám sát 2 chuyên đề tại 2 kỳ họp trong năm.
Trên cơ sở dự kiến số lượng, tiêu chí lựa chọn và nghiên cứu ý kiến kiến nghị của các cơ quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định 2 trong 4 nội dung giám sát năm 2019, đó là: Thứ nhất là việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2011-2018 (dự kiến giao Uỷ ban Quốc phòng và An ninh chủ trì về nội dung). Thứ hai là thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị giai đoạn 2014-2018 (dự kiến giao Ủy ban Kinh tế chủ trì về nội dung). Thứ ba là việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2011-2018 (dự kiến giao Hội đồng Dân tộc chủ trì về nội dung). Và nội dung cuối cùng là việc thực hiện chính sách, pháp luật về lập, quản lý, sử dụng các loại quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách Nhà nước giai đoạn 2011-2018 (dự kiến giao Uỷ ban Tài chính, Ngân sách chủ trì về nội dung).
Có thể thấy, tiêu chí để lựa chọn chuyên đề giám sát trong năm 2019 là những vấn đề bức xúc, nổi lên ở tầm vĩ mô, hoặc ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế-xã hội, được đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân quan tâm, gắn với việc xây dựng, thi hành pháp luật.
Thảo luận tại Hội trường về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2019, có nhiều ý kiến khác nhau. Có đại biểu đề nghị Quốc hội cần giám sát tối cao liên quan bạo hành và xâm hại trẻ em, bởi tình trạng này đang diễn biến phức tạp và để lại hậu quả rất đáng lo ngại. Có đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét bổ sung Chương trình giám sát các vấn đề liên quan đến lĩnh vực giao thông…Có đại biểu cho rằng, Quốc hội cần tập trung giám sát hai chuyên đề lớn, nóng và bức xúc là quản lý sử dụng đất đai đô thị và chính sách, pháp luật về vùng dân tộc thiểu số, miền núi.
Về chính sách dân tộc, nhấn mạnh một số Chương trình giám sát của Hội đồng Dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội mới chỉ giải quyết vấn đề lẻ tẻ và chưa thực sự mang lại kết quả lớn, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho biết, cử tri mong chờ một chính sách lâu dài cả về thể chế, nhận thức và hành động vì đây là khu vực khó khăn, thiên tai rình rập gây thiệt hại vô cùng to lớn về người và của nhưng chưa có chính sách căn cơ. Cho biết Hiến pháp quy định rõ Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để vùng dân tộc phát huy nội lực phát triển cùng đất nước, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đề nghị Quốc hội đưa vấn đề về chính sách dân tộc vào Chương trình giám sát năm 2019 cho rằng cần thực hiện càng sớm càng tốt.
Cũng trong ngày làm việc 7/5, Quốc hội đã nghe Tờ trình và báo cáo Thẩm tra Luật Công an nhân dân sửa đổi.
THANH HUYỀN