Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Krông Pa chú trọng giảm nghèo trong đồng bào DTTS

PV - 11:30, 14/02/2022

Là huyện nghèo, trình độ dân trí hạn chế, nên Krông Pa (Gia Lai) gặp không ít khó khăn trong công tác giảm nghèo. Tuy nhiên, với quyết tâm kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo, đặc biệt là trong đồng bào DTTS, đến cuối năm 2021, toàn huyện giảm còn 3.630 hộ nghèo (chiếm 17,94%), trong đó có 3.318 hộ DTTS.

Tư vấn việc làm cho lao động xã Chư Gu
Tư vấn việc làm cho lao động xã Chư Gu

Trước đây, gia đình anh Ksor Tương (buôn Ma Rôk, xã Chư Gu) rất khó khăn. Năm 2017, được hỗ trợ vay 20 triệu đồng từ nguồn vốn dành cho hộ nghèo, anh có điều kiện cải tạo đất, đầu tư sản xuất 5 sào lúa nước. “Vụ đầu tiên thu được 1,7 tấn lúa, vợ chồng mình mừng lắm. Có lúa ăn không sợ thiếu đói, mình còn tranh thủ làm thêm, dành dụm tích lũy nên cuộc sống dần cải thiện. Cuối năm 2020, gia đình có tiền sửa sang lại nhà cửa và thoát nghèo”, anh Tương cho hay.

Tương tự, gia đình ông Ksor Krăh (buôn Nông Siu, xã Ia Rmok) trước đây thuộc diện hộ nghèo, không có đất sản xuất, khó khăn về nhà ở. Năm 2017, gia đình ông được địa phương tạo điều kiện cho vay 25 triệu đồng để sửa chữa nhà ở, làm chuồng nuôi dê. Xây chuồng xong, gia đình ông được địa phương cấp cho 3 con dê giống để nuôi. Gia đình lại chăn nuôi thêm heo, đi làm thuê nên trả hết nợ ngân hàng và thoát nghèo vào cuối năm 2019.

Thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 12/4/2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về giảm nhanh và bền vững tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS giai đoạn 2017 - 2020 và định hướng đến năm 2025, huyện Krông Pa đặt ra mục tiêu giai đoạn 2022 - 2025 giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều mới xuống dưới 6% và tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS xuống dưới 8% (bình quân mỗi năm giảm 3 - 4%); đến cuối năm 2025, toàn huyện có 50% số xã đặc biệt khó khăn thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.

Theo ông Nguyễn Tiến Đãng - Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pa, thời gian qua, huyện đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đồng bào DTTS và cộng đồng về giảm nghèo bền vững. Cùng với đó, các ngành, địa phương triển khai thực hiện kế hoạch giảm nghèo với quyết tâm cao nhất, tích cực huy động toàn xã hội vào cuộc với tinh thần “Tương thân tương ái”, “Lá lành đùm lá rách” và triển khai sâu rộng cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào DTTS để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”.

Chư Gu là một trong những xã triển khai khá tốt công tác hỗ trợ hộ đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo. Ông Ksor Nhối - Chủ tịch UBND xã cho biết: Xã có 6 thôn, buôn với 1.875 hộ, trong đó, hộ DTTS chiếm trên 75%. Để giảm nghèo bền vững, xã đã đề ra nhiều giải pháp cụ thể như đưa việc thực hiện công tác giảm nghèo vào tiêu chí đánh giá xếp loại thôn buôn, đoàn thể, cán bộ, đảng viên hàng năm. Bên cạnh đó, xã phân công các ban, ngành, đoàn thể trực tiếp phối hợp hỗ trợ các thôn, buôn theo địa chỉ cụ thể với cách thức, mô hình phù hợp. Nhờ đó, từ 55,6% hộ nghèo năm 2016, đến cuối năm 2021 tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 15,25%.

“Để thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo trong đồng bào DTTS, xã tiếp tục huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia về Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Bên cạnh đó, xã tiếp tục vận động doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đóng góp xây dựng Quỹ “Vì người nghèo”; kết nối giải quyết việc làm cho người lao động, góp phần thay đổi nhận thức và nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững”, ông Ksor Nhối cho biết thêm./.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.