Sau đào tạo nghề ông Đặng Văn Hải (bên phải) ở thôn Nam Ninh, xã Nâm N’đir đã tự sửa chữa được các loại máy nông nghiệpTừ nguồn lực Tiểu dự án 3, Dự án 5, Chương trình MTQG 1719, trong 3 từ năm 2022-2024, xã Nâm N’đir có 274 học viên lao động được tham gia đào tạo nghề và vận dụng kiến thức được học vào thực tế một cách hiệu quả.
Tham gia khóa đào tạo nghề do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Krông Nô tổ chức, ông Đặng Văn Hải ở thôn Nam Ninh, xã Nâm N’đir đã tự sửa chữa được các loại máy nông nghiệp phục vụ sản xuất trong gia đình và người dân quanh khu vực.
Ông Hải chia sẻ: Bà con ở đây chủ yếu sống dựa nông nghiệp, sử dụng các loại máy phục vụ sản xuất. Gia đình tôi có chiếc máy cày để đào xới đất trồng lúa, trồng khoai. Sử dụng lâu năm, chiếc máy liên tục bị hỏng và nhiều lần tôi phải thuê xe tải cỡ lớn chở máy ra trung tâm huyện để sửa.
Di chuyển xa, chi phí rất tốn kém, khi biết có lớp học sửa chữa, tôi xin tham gia ngay. Sau 3 tháng, bản thân tôi đã nắm bắt được nguyên lý hoạt động của máy, có thể sửa chữa một số lỗi trong quá trình làm việc. Vừa làm vừa học hỏi, rút kinh nghiệm, bây giờ tôi có thể sửa máy cho gia đình và người dân xung quanh. Có máy móc nên hiệu quả sản xuất nông nghiệp cũng cao hơn so với trước đây.
Tương tự, xã Nam Xuân có 9 thôn, với hơn 1.800 hộ, hơn 8.000 nhâu khẩu, trong đó đồng bào DTTS chiếm 95% dân số toàn xã, chủ yếu đồng bào dân tộc Thái, Tày, Nùng. Đặt mục tiêu nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt từ 70% trở lên, xã Nam Xuân đã quan tâm nâng cao chất lượng nguồn lao động nông thôn, đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương và sử dụng lao động của doanh nghiệp, thị trường lao động. Xã Nam Xuân phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức nhiều lớp đào tạo nghề, nhiều người thu nhập ổn định từ nghề học.
Huyện Krông Nô chú trọng đào tạo đa dạng các nghề phù hợp với nhu cầu lao động địa phươngHọc kỹ thuật nấu ăn, cầm chứng chỉ nghề trong tay, chị Lan Thị Việt ở xã Nam Xuân xin làm tại cơ sở kinh doanh dịch vụ nấu ăn phục vụ tiệc trên địa bàn xã. Chị Việt chia sẻ: Tham gia lớp học nấu ăn, không chỉ nấu những bữa cơm tươm tất cho gia đình, mà còn có nhiều cơ hội tìm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Sau 3 tháng học lý thuyết và thực hành trên lớp, tôi đã có kỹ năng chế biến, trình bày món ăn và may mắn xin được việc tại cơ sở kinh doanh dịch vụ tiệc tại xã. Từ công việc này, gia đình chị có thêm khoản thu nhập tương đối ổn định, cải thiện cuộc sống.
Ông Vi Quốc Nhất, Chủ tịch UBND xã Nam Xuân nhận định: Các lớp đào tạo nghề đã bổ sung nhiều kiến thức cho người lao động, mở ra nhiều cơ hội cho người dân có việc làm, thu nhập ổn. Đối với nghề nấu ăn hay sửa chữa máy móc, có chứng chỉ trong tay người lao động đi xin việc được ưu tiên tuyển chọn hơn.
Đối với nghề trồng trọt, bà con biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng năng suất cây trồng, hiệu quả lao động cao hơn. “Đào tạo nâng cao tay nghề thì người lao động nông thôn có nhiều cơ hội hơn khi tìm việc làm, năng suất hiệu quả lao động cao hơn, đời sống kinh tế được cải thiện”.
Theo báo cáo, thực hiện Tiểu dự án 3, Dự án 5 thuộc Chương trình MTQG 1719 về phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho lao động vùng dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2022-2024 huyện Krông Nô mở 20 lớp đào tạo nghề sơ cấp.
Với các nghề phù hợp thực tế và nhu cầu của người dân như: nấu ăn, sửa chữa máy nông nghiệp, may công nghiệp, kỹ thuật trồng trọt vào bảo vệ thực vật, kỹ thuật trồng chăm sóc cạo mủ cao su, các khóa đào tạo đã thu hút hơn 600 học viên.
Hình thức đào tạo nghề cho lao động nông thôn chủ yếu đào tạo tập trung, theo nhóm nghề mà người lao động lựa chọn với 2 hệ đào tạo bao gồm, sơ cấp và đào tạo nghề dưới 3 tháng. Nhiều lao động sau khi học nghề, bồi dưỡng tay nghề đã mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh tăng thu nhập từ nghề đã được đào tạo.
Học viên học thực hành nghề kỹ thuật nấu ăn. (Ảnh: NT)Ông Ngân Thanh Hải, Trưởng Phòng Dân tộc và Tôn giáo huyện Krông Nô cho biết: Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong thời gian qua đã đạt kết quả khả quan, góp phần nâng cao chất lượng, trình hộ người lao động, đặc biệt là lao động vùng đồng bào DTTS và miền núi. Với những ngành học phù hợp với nhu cầu thực tế và đòi hỏi của thị trường lao động, nhiều lớp đào tạo nghề thu hút đông đảo học viên tham gia.
Để nâng cao chất lượng và hiệu quả dạy nghề, gắn với tạo việc làm tại chỗ, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về đào tạo nghề, đa dạng hóa sinh kế, tăng cường các hoạt động tư vấn hướng nghiệp. Đồng thời, vận động lao động nông thôn tích cực học nghề, cải thiện thu nhập và phát triển các sản phẩm thế mạnh.