Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Kon Tum: “Lộ diện” người đứng sau gom mua đất của đồng bào DTTS xã Đăk Pxi

Ngọc Chí - 16:38, 29/05/2024

Với nhiều chiêu thức, các đối tượng cò đất đã mua được đất sản xuất của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà (Kon Tum). Người đứng phía sau gom đất cũng đã được chính quyền xác định và họ có mục đích làm dự án du lịch cộng đồng. Nhưng liệu những điều họ “vẽ” đó có đúng sự thật, hay chỉ là để qua mặt chính quyền địa phương, gom mua đất của đồng bào DTTS sử dụng vào mục đích khác?

Sau khi mua đất lúa nước của đồng bào DTTS thì các đối tượng đã tiến hành san lấp
Sau khi mua đất lúa nước của đồng bào DTTS thì các đối tượng đã tiến hành san lấp

Nhiều hộ vẫn thiếu đất sản xuất

Xã Đăk Pxi có tổng diện tích tự nhiên hơn 26.500 ha, địa hình chủ yếu là đồi núi (chiếm hơn 3/4 diện tích tự nhiên). Với hơn 90% dân số là đồng bào DTTS, người dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp nên đất sản xuất có vai trò rất quan trọng.

Ngày 03/4/2024, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Pxi Nguyễn Thanh Bình ký Báo cáo số 151 gửi UBND huyện Đăk Hà, Phòng Dân tộc huyện Đăk Hà báo cáo kết quả rà soát danh sách hộ đồng bào DTTS thiếu và không có đất ở, đất sản xuất. Theo báo cáo, trên địa bàn xã có 09 hộ thiếu đất ở (01 hộ nghèo và 08 hộ không thuộc hộ nghèo và cận nghèo); 31 hộ thiếu đất sản xuất (09 hộ nghèo, 04 hộ cận nghèo, 18 hộ không thuộc hộ nghèo và cận nghèo).

Thực trạng các hộ đồng bào DTTS trên địa bàn xã Đăk Pxi thiếu đất ở, đất sản xuất đang hiện hữu, nhưng tình trạng đồng bào DTTS bán đất sản xuất vẫn diễn ra khi nay. Đây thực sự là vấn đề đáng báo động.

Chị Y Duyên, thôn Đăk Rơ Wang, xã Đăk Pxi cho biết: Gia đình có gần 1 sào ruộng nước và ao cá tại khu vực Cây đa cười, cò đất đến nhà hỏi mua, lúc đầu gia đình chưa muốn bán nhưng họ hỏi miết và hứa là cứ bán đi rồi sau này gia đình vẫn được làm ở diện tích đất đó. Sau đó gia đình đồng ý bán với giá 25 triệu đồng, sau khi mua xong thì họ san lấp luôn rồi, gia đình có được làm nữa đâu.

Tương tự, anh A Bình, thôn Đăk Rơ Wang, xã Đăk Pxi cũng đồng ý bán cho các đối tượng cò đất gần 1 sào đất với giá 20 triệu đồng. Họ đặt cọc 5 triệu đồng và cầm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho đến nay vẫn chưa trả đủ tiền, với lý do chưa xong thủ tục.

Phần lớn diện tích đất ở khu vực Cây đa cười đồng bào DTTS đã bán cho các đối tượng cò đất
Phần lớn diện tích đất ở khu vực Cây đa cười đồng bào DTTS đã bán cho các đối tượng cò đất

Tỉnh Kon Tum hiện nay đang rất quan tâm đến việc giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS. Cụ thể, ngày 07/02/2024, UBND tỉnh Kon Tum có Văn bản số 504 về việc triển khai thực hiện Thông báo số 945-TB/TU ngày 29/01/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, trong đó có nội dung về giải quyết đất ở, đất sản xuất cho người đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh: Theo đó, UBND tỉnh giao Ban Dân tộc tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị, địa phương có liên quan tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh; trong đó, tập trung giải quyết tình trạng hộ người đồng bào DTTS thiếu đất ở, đất sản xuất, gắn với hướng dẫn người dân sử dụng đất hiệu quả để phát triển kinh tế; ngăn chặn tình trạng chuyển nhượng đất đai dẫn đến mất tư liệu sản xuất...

Xã hằng năm cũng có văn bản để triển khai cho các thôn thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân giữ đất để sản xuất. Đặc biệt, hộ đồng bào DTTS là hạn chế tối đa, không được để hết đất ở, đất sản xuất. Nói thật là làm hết trách nhiệm đó.

Ông Nguyễn Thanh Bình Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà

Ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà cho biết: Xã hằng năm cũng có văn bản để triển khai cho các thôn thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân giữ đất để sản xuất. Đặc biệt, hộ đồng bào DTTS là hạn chế tối đa, không được để hết đất ở, đất sản xuất. Nói thật là làm hết trách nhiệm đó.

Việc gom mua đất của đồng bào DTTS không chỉ diễn ra tại xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà mà hiện đang diễn ra ở một số địa phương khác. Vì vậy, chính quyền địa phương cần có sự quan tâm và tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để đồng bào DTTS hạn chế việc bán đất sản xuất.

"Lộ diện" người mua đất

Ngày 26/5/2024, UBND huyện Đăk Hà có Báo cáo số 435 báo cáo vụ việc san lấp mặt bằng trên diện tích đất trồng lúa tại vị trí đất giáp ranh giữa thôn Đăk Rơ Wang, xã Đăk Pxi và thôn Kon Teo Đăk Lấp, xã Đăk Long.

Trong báo cáo ghi rõ diễn biến vụ việc: Theo báo cáo của UBND xã Đăk Pxi, vào khoảng thời gian đầu năm 2024, có một số cá nhân vào địa bàn xã Đăk Pxi để nhận chuyển nhượng Quyền sử dụng đất của các hộ gia đình, cá nhân là người đồng bào DTTS; qua nắm bắt thông tin thì việc các cá nhân nhận chuyển nhượng Quyền sử dụng đất nông nghiệp này để sử dụng vào mục đích làm dự án du lịch cộng đồng. Thực chất, các cá nhân vào liên hệ nhận chuyển nhượng Quyền sử dụng đất không phải là người sử dụng đất, mà là những người môi giới để ông Nguyễn Ngọc Tấn, địa chỉ thường trú tại 79 Đặng Minh Trứ, phường 10, quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh nhận chuyển nhượng Quyền sử dụng đất.

Theo báo cáo của UBND huyện Đăk Hà thì ông Nguyễn Ngọc Tấn là người nhận chuyển nhượng Quyền sử dụng đất và có ý tưởng làm dự án du lịch cộng đồng
Theo báo cáo của UBND huyện Đăk Hà thì ông Nguyễn Ngọc Tấn là người nhận chuyển nhượng Quyền sử dụng đất và có ý tưởng làm dự án du lịch cộng đồng

Theo ý tưởng của ông Nguyễn Ngọc Tấn (người nhận chuyển nhượng Quyền sử dụng đất), tại vị trí đất này ông sẽ hỗ trợ cho Nhân dân trong thôn xây dựng 01 Nhà văn hóa cộng đồng để làm nơi sinh hoạt chung cho thôn cũng như tổ chức các sự kiện trọng đại của xã, đồng thời sẽ hình thành (tái hiện lại) một làng văn hóa cộng đồng theo phong tục tập quán của các dân tộc hiện có trên địa bàn huyện (sẽ phục dựng các gian nhà theo phong tục tập quán của từng dân tộc); sau khi phục dựng các gian nhà theo phong tục của mỗi dân tộc, sẽ bố trí cho hộ nghèo DTTS tại thôn trực tiếp sinh sống, canh tác xung quanh làng du lịch cộng đồng này. Ngoài việc bố trí nơi ở cho hộ nghèo DTTS tại chỗ, ông Tấn còn bố trí đất (trung bình mỗi hộ khoảng 01 ha), hỗ trợ cây giống cho các hộ trồng rừng và hằng năm sẽ hỗ trợ kinh phí để công chăm sóc rừng cho các hộ nhận đất trồng rừng.

Để có mặt bằng phục dựng nhà văn hóa cộng đồng, được sự thống nhất của ông Tấn, khoảng cuối tháng 4/2024 một số cá nhân đã tự ý đưa máy múc vào san gạt mặt bằng. Sau khi phát hiện hành vi chưa đúng quy định của pháp luật về đất đai, UBND xã Đăk Pxi đã phối hợp với UBND xã Đăk Long tiến hành kiểm tra, ngăn chặn và yêu cầu các cá nhân dừng mọi hoạt động và đưa toàn bộ máy móc ra khỏi địa bàn xã.

Việc san lấp cũng ảnh hưởng đến nguồn nước phục vụ sản xuất của các hộ đồng bào DTTS có đất ở khu vực Cây đa cười
Việc san lấp cũng ảnh hưởng đến nguồn nước phục vụ sản xuất của các hộ đồng bào DTTS có đất ở khu vực Cây đa cười

Điều đáng nói là nếu ông Nguyễn Ngọc Tấn có ý định đầu tư tại xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà như báo cáo của UBND huyện thì tại sao không làm việc với chính quyền địa phương để xin chủ trương đầu tư mà phải đi gom mua đất của đồng bào DTTS như hiện nay. Bởi hiện nay, tỉnh Kon Tum đang kêu gọi thu hút đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư vào tỉnh khảo sát, lập dự án đầu tư.

Với việc gom mua đất của đồng bào DTTS như hiện nay tại khu vực xã Đăk Pxi, xã Đăk Long, huyện Đăk Hà thì câu hỏi đặt ra là liệu người đang gom mua đất có thực sự triển khai làm dự án mang tính nhân văn như đã “vẽ” với chính quyền địa phương, hay họ đang cố ý gom mua đất để sử dụng vào đích gì khác?!

Báo Dân tộc và Phát triển sẽ tiếp tục theo dõi và thông tin đến bạn đọc. 

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.