Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Kim Bôi (Hòa Bình): Phát huy sức mạnh tổng hợp tiến tới xóa bỏ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Văn Hoa - 7 giờ trước

Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS và miền núi, những năm qua, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc nhằm xóa bỏ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (TH-HNCHT) và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nhằm hiểu rõ sự nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền cũng như kết quả trong phòng chống TH-HNCHT trên địa bàn huyện, phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Việt Hòa, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Kim Bôi về vấn đề này.

Ông Nguyễn Việt Hòa, Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ huyện, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Kim Bôi.
Ông Nguyễn Việt Hòa, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Kim Bôi

Xin ông cho biết đặc điểm tình hình vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Kim Bôi. Điều này có ảnh hưởng gì tới công tác phòng chống TH- HNCCHT?

Huyện Kim Bôi có 7 xã khu vực III, 6 xã khu vực II, 4 xã, thị trấn khu vực I, có 21 thôn, xóm đặc biệt khó khăn thuộc các xã khu vực II, khu vực I và có 9 xã, thị trấn thuộc trọng điểm về quốc phòng (4 xã vùng CT229, 5 xã, thị trấn vùng nội địa). 

Trên địa bàn huyện có nhiều dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc Mường chiếm 83%, dân tộc Kinh chiếm 14%, còn lại là dân tộc Dao, Tày và dân tộc khác chiếm 3%. Theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 12,29%, hộ cận nghèo chiếm 10,03%; thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt trên 48 triệu đồng.

Hiện nay, trong vùng đồng bào DTTS vẫn còn ảnh hưởng của một số phong tục tập quán  hậu trong hôn nhân, và gia đình như phong tục cưới bên âm của người Dao. Bên cạnh đó, cuộc sống khó khăn, khả năng tìm kiếm công việc tại địa phương còn nhiều hạn chế, một bộ phần người dân trên địa bàn phải đi đến những thành phố lớn, những địa phương khác để lao động, mưu sinh, do đó, nhiều em học sinh xa bố mẹ là những đối tượng có nguy cơ dễ bị xâm hại tình dục, kết hôn sớm. 

Đặc biệt, giới trẻ ngày nay tiếp cận thông tin qua các trang mạng xã hội, dễ tiếp thu những luồng văn hóa độc hại, văn hóa ngoại lai, có lối sống không lành mạnh… Đó là những khó khăn, là nguyên nhân chính dẫn đến nạn tảo hôn trên địa bàn huyện.

Trước thực tế này, huyện Kim Bôi đã có những giải pháp gì nhằm giảm thiểu tiến tới xóa bỏ tình trạng TH-HNCHT trên địa bàn huyện?

Xác định TH-HNCHT ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và các mối quan hệ xã hội, làm suy giảm sức khỏe, tăng tỷ lệ bệnh tật, giảm chất lượng nguồn nhân lực, gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn, huyện Kim Bôi đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng TH-HNCHT.

Huyện Kim Bôi đã tổ chức quán triệt, triển khai Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Giảm thiểu tình trạng TH-HNCHT trong vùng DTTS”, giai đoạn 2015-2025; triển khai thực hiện Tiểu dự án 2 “Giảm thiểu tình trạng TH-HNCHT trong vùng DTTS” thuộc Dự án 9, Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 (Chương trình MTQG 1719)… tới các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn huyện.

Đồng thời, huyện Kim Bôi cũng đã giao cho Phòng Tư pháp và Phòng Dân tộc triển khai Tiểu Dự án 2 “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết trong vùng đồng bào DTTS và miền núi” thuộc Dự án 9 Chương MTQG 1719 giai đoạn 2021 - 2025.

Theo đó, Phòng Dân tộc, Phòng Tư pháp đã phối hợp các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tập trung tuyên truyền Luật Hôn nhân và Gia đình gắn với Luật Bình đẳng giới; các hệ lụy của TH-HNCHT, bạo lực gia đình trên các phương tiện truyền thông đại chúng như: Hệ thống truyền thanh của huyện, xã; các buổi sinh hoạt cộng đồng tại thôn, xóm;  tuyên truyền trong các trường học…

Tổ chức 43 hội nghị tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật “Giảm thiểu tình trạng TH-HNCHT” trong vùng đồng bào DTTS và miền núi với 2.845 lượt người tham dự trên địa bàn 17 xã, thị trấn; tổ chức 3 buổi giao lưu văn hóa “Giảm thiểu tình trạng TH-HNCHT” trong vùng đồng bào DTTS và miền núi tại xã Xuân Thủy, Hùng Sơn, Nuông Dăm với 355 lượt người tham dự, đồng thời lồng ghép tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật trên địa bàn 17 xã, thị trấn cho các đại biểu là cán bộ thôn, bản, Người có uy tín, thanh niên, phụ nữ, cha mẹ học sinh và người dân…

Năm 2024, Phòng Tư pháp huyện phối hợp với UBND các xã thị trấn tiếp tục tổ chức giao lưu văn hóa “Giảm thiểu tình trạng TH-HNCHT” trong vùng đồng bào DTTS và miền núi tại xã Xuân Thủy, Hùng Sơn, Nuông Dăm, Sào Báy, Mỵ Hòa, Cuối Hạ, Kim Bôi, Vĩnh Tiến, Tú Sơn, Thị trấn Bo… Chương trình đã thu hút được sự tham tích cực của các diễn viên không chuyên đến từ các thôn, xóm, khu với nhiều tiểu phẩm hay và ý nghĩa về tác hại của TH-HNCHT; qua đó nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của Nhân dân về Luật Hôn nhân và Gia đình…

Đẩy mạnh xây dựng, triển khai nhân rộng mô hình, nhóm nòng cốt, câu lạc bộ, tổ tư vấn giảm thiểu tình trạng TH-HNCHT gắn với trong Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”… Tăng cường tích hợp các hoạt động của mô hình địa chỉ tin cậy, tổ truyền thông cộng đồng với các mô hình, hoạt động khác tại địa phương: Mô hình “Chi hội phụ nữ không có người thân vi phạm pháp luật”, “Làng quê an toàn cho phụ nữ và trẻ em”, đặc biệt với các mô hình, chương trình về hỗ trợ phát triển về kinh tế, sinh kế, việc làm... Phối hợp với các vơ quan báo chí tuyên truyền tin, bài về phòng chồng TH- HNCHT.

Bên cạnh đó, nhằm nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể đối với việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về hôn nhân và gia đình, huyện Kim Bôi đã huy động sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc cùng các tổ chức đoàn thể như: Đoàn Thanh niên, Hội Liên Hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, các già làng, trưởng bản, Người có uy tín trong đồng bào DTTS tham gia tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân xóa bỏ hủ tục lạc hậu về hôn nhân và gia đình; đồng thời phát hiện, ngăn ngừa các trường hợp vi phạm pháp luật liên quan đến hôn nhân và gia đình ở cơ sở. 

Nhờ đó, nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nhất là đồng bào DTTS được nâng lên, ý thức chấp hành pháp luật của Nhà nước của người dân có nhiều chuyển biến tích cực.

Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, nhất là Phòng Dân tộc làm tốt vai trò công tác tham mưu, thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc cho cấp ủy, chính quyền địa phương, ông đánh giá như thế nào về hiệu quả công tác phòng chống TH-HNCHT trên địa bàn?

Có thể nói, việc triển khai thực hiện công tác phòng, chống TH-HNCHT trên địa huyện đã được cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện và đạt được một số kết quả nhất định. Đã tạo được sự chuyển biến tích cực nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về TH-HNCHT của người dân, nhất là đồng bào ở vùng DTTS và miền núi. 

Từ năm 2018, không còn hôn nhân cận huyết thống, tình trạng tảo hôn đã được giảm đáng kể. Nếu như năm 2015, toàn tỉnh Hòa Bình có 516 trường hợp tảo hôn, trong đó cao nhất là huyện Kim Bôi, với 125 trường hợp; năm 2017, toàn tỉnh có 399 trường hợp, cao nhất vẫn là huyện Kim Bôi 89 trường hợp, thì đến năm 2021, huyện Kim Bôi chỉ còn có 12 trường hợp tảo hôn; năm 2022 là 16 trường hợp; năm 2023 là 16 trường hợp;  đến tháng 10 năm 2024 có 7 trường hợp.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Thúc đẩy bình đẳng giới trong đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Đak Đoa (Gia Lai): Thúc đẩy bình đẳng giới trong đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Với sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, công tác bình đẳng giới trên địa bàn huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai đã có nhiều chuyển biến tích cực. Từ đó, đã dần khẳng định vị trí, vai trò của người phụ nữ trong xã hội, nhất là phụ nữ vùng đồng bào DTTS trong gia đình, cộng đồng và xã hội.