Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Kon Tum: Hàng trăm vị trí có nguy cơ sạt lở cao trong mùa mưa bão

Huỳnh Đại - 19:17, 16/09/2022

Mùa mưa bão 2022, tỉnh Kon Tum có hàng trăm vị trí có nguy cơ sạt lở cao, chủ yếu tại các quốc lộ, tỉnh lộ và tuyến đường liên thôn, liên xã thuộc các huyện Tu Mơ Rông, Kon Plông và Đăk Glei. Điều này, không chỉ ảnh hưởng đến hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông, mà còn gây nguy hiểm cho người và phương tiện di chuyển hoặc sinh sống ở gần các khu vực có nguy cơ sạt lở.

Mưa lớn kéo dài gây sạt lở trên tuyến Quốc lộ 40B đoạn qua xã Tu Mơ Rông, huyện Tu Mơ Rông
Mưa lớn kéo dài gây sạt lở trên tuyến Quốc lộ 40B đoạn qua xã Tu Mơ Rông, huyện Tu Mơ Rông

Hiện nay, tỉnh Kon Tum nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung, đang trong giai đoạn bước vào mùa mưa năm 2022. Với điều kiện địa hình thường xuyên bị sạt lở tại một số vị trí, nhất là ở khu vực các huyện Kon Plông, Tu Mơ Rông, thì nguy cơ tiếp tục sạt lở trong mùa mưa năm nay là rất lớn.

 Theo số liệu rà soát thống kê trên địa bàn tỉnh Kon Tum, những khu vực có nguy cơ cao về sạt lở là tại các xã thuộc huyện miền núi Tu Mơ Rông, Đăk Glei và huyện KonPlông..., ngoài ra, các tuyến đường Tỉnh lộ 673 (Đăk Glei), 676 (Kon Plông); 672, 678 (Tu Mơ Rông), các tuyến Quốc lộ 24, 40B cũng thường xuyên xảy ra sạt lở.

Trong bối cảnh mùa mưa bão đang đến gần, cùng dự báo lượng mưa nhiều hơn các năm, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai-Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự huyện Tu Mơ Rông chỉ đạo đơn vị chức năng, phối hợp với các địa phương các xã khẩn trương thực hiện các biện pháp chủ động ngăn chặn thiệt hại có thể xảy ra.

Theo ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết, những khu vực có nguy cơ cao về sạt lở gồm các xã Tu Mơ Rông, Măng Ri, Đăk Na, Đăk Sao, Đăk Hà, Tê Xăng và các tuyến tỉnh lộ 672, 678, tuyến quốc lộ 40B thường xuyên xảy ra sạt lở. Nếu xảy ra sạt lở, khả năng gây thiệt hại lớn cho các công trình cơ sở hạ tầng, các tuyến đường giao thông bị bồi lấp, sụt lún, đứt đường gây ách tắc giao thông và ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân.

Trong đợt mưa kéo dài từ ngày 6-8/9/2022, đã làm hư hỏng một số tuyến đường như: cống qua đường đi thôn Tu Thó (xã Tê Xăng) bị sạt lở, với chiều dài khoảng 10 m, sâu 8 - 10 m. Bên cạnh đó, đường liên thôn Đăk Văn 2 đi Đăk Văn 1 (xã Văn Xuôi) bị nứt gãy, sạt lở taluy âm khoảng 10m, chiều sâu khoảng 5 - 6 m.

Nhiều tuyến đường đã bị sạt lở, gây nguy cơ mất an toàn
Nhiều tuyến đường đã bị sạt lở, gây nguy cơ mất an toàn

Chị Y Định, thôn Đăk Văn 1, xã Văn Xuôi, huyện Tu Mơ Rông cho biết, chị và bà con trong thôn thường xuyên phải đi qua tuyến đường huyết mạch này. Từ khi đường bị hỏng, mọi người đều rất lo lắng mỗi khi đi qua. Những hôm trời mưa, chị không dám đi đường này, mà buộc phải đi bộ qua ruộng để sang bên kia. Chị mong muốn chính quyền sớm có giải pháp khắc phục, để dảm bảo nhu cầu đi lại và thu hoạch nông sản cho bà con.

Còn tại huyện Kon Plông, trước mùa mưa bão năm 2022, huyện cũng có hàng trăm điểm có nguy cơ sạt lở cao tại các xã như Đăk Ring, Đăk Nên, Măng Bút, Ngọc Tem, xã Hiếu và đặc biệt là quộc lộ 24 đoạn qua huyện Kon Plông. 

Theo ông Phan Thế Vinh, Chủ tịch UBND xã Hiếu cho biết, hiện nay đường Quốc lộ 24 đi qua xã cơ bản hoàn thành, tuy nhiên có nhiều đoạn có nguy cơ sạt lở cao về mùa mưa. Xã cũng đã chuẩn bị phương án phối hợp với ngành chức năng, lên phương án cụ thể nếu có sạt lở xảy ra; Nhất là không để xảy ra tình trạng ách tắc giao thông trên Quốc lộ 24 và những nơi sạt lở, sụt lún ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân.

Kon Tum: Nhiều điểm có nguy cơ sạt lở cao trước mùa mưa bão 1
Bố trí người, phương tiện để đảm bảo an toàn cho người dân khi tham gia giao thông

Theo ông Trần Văn Lực, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai-Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Kon Tum cho biết, thực hiện tốt phương châm “Bốn tại chỗ” (Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện tại chỗ; hậu cần tại chỗ); chuẩn bị đầy đủ các loại vật tư, nhu yếu phẩm cần thiết khác, sẵn sàng huy động các lực lượng, phương tiện tham gia cứu hộ người, tài sản và công trình khi có sự cố thiên tai theo phương án, kế hoạch được duyệt. 

Các địa phương, đơn vị tổ chức cắm các biển báo, cảnh báo tại khu vực dễ bị ảnh hưởng trực tiếp của sạt lở đất đá, lũ quét (vùng ven sườn đồi, sườn núi dốc dễ bị sạt lở...); để người dân biết chủ động phòng tránh; những vùng có nguy cơ cao phải kiên quyết tổ chức di dời dân đến nơi an toàn.

"Chúng tôi tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn để người dân nhận biết rõ nguy cơ xảy ra và tác hại của sạt lở đất đá, lũ quét và trang bị cho họ những kiến thức, kỹ năng phòng tránh, khắc phục hậu quả thiên tai', ông Lực nói.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.