Năm 2016, Dự án bố trí dân cư thiên tai thôn Vả Thàng, xã Tung Chung Phố, huyện Mường Khương được tỉnh Lào Cai phê duyệt, đưa vào Kế hoạch triển khai quy hoạch, sắp xếp dân cư giai đoạn 2016 - 2020. Với quy mô gần 3ha, dự án thực hiện sắp xếp 50 hộ dân ra khỏi khu vực sạt lở, với tổng kinh phí đầu tư là 22 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau hơn 5 năm, vùng đất này vẫn bỏ hoang, còn người dân thôn Vả Thàng vẫn phải sống trong lo lắng vì tình trạng đá lăn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
“Bà con Nhân dân trong thôn đã nhiều lần có ý kiến với xã, huyện… nhưng đến nay vẫn chưa được di chuyển đến nơi ở mới. Ở đây đã rất nhiều lần đá lăn xuống khu vực nhà ở của người dân, tuy chưa có người nào bị thương, nhưng nhà cửa bị hư hỏng thì đã có rồi”, anh Thào Seo Pao, thôn Vả Thàng cho biết.
Trước những ý kiến, kiến nghị của bà con Nhân dân, cấp ủy, chính quyền địa phương cũng đã nhiều lần báo cáo, đề xuất lên các phòng ban chức năng của huyện Mường Khương. Tuy nhiên, hiện tại dự án vẫn chưa thể triển khai để có thể di dời người dân đến nơi ở an toàn.
“Thời gian vừa qua, cũng đã có rất nhiều đoàn của tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) lên khảo sát; gần nhất thì đoàn công tác của Sở NN&PTNT tỉnh cũng lên khảo sát, thiết kế về mặt bằng. Song đến thời điểm hiện tại, dự án vẫn để trống và chưa triển khai thực hiện ”, ông Hảng Seo Sùng, Chủ tịch UBND xã Tung Chung Phố thông tin.
Còn Dự án sắp xếp dân cư ra khỏi vùng thiên tai ở thôn Láo Vàng, xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát, với quy mô sắp xếp 70 hộ dân ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở cao, hiện cũng đang trong tình trạng “quy hoạch treo”. Dự án chậm triển khai không chỉ ảnh hưởng đến việc di dời người dân ra khỏi vùng nguy hiểm, mà rất nhiều hộ dân còn gặp khó khăn do phần đất sản xuất của gia đình đang nằm trong dự án sắp xếp dân cư “để không” này.
“Tất cả những diện tích đất của người dân nằm trong vùng quy hoạch, người dân muốn chuyển đổi hoặc là canh tác, sử dụng vào mục đích khác thì cũng không được. Vì theo quy định, đã nằm trong quy hoạch, thì người dân không được xây dựng các công trình và thay đổi hiện trạng đất…”, ông Vàng Láo Lở, Chủ tịch UBND xã Phìn Ngan giải thích.
Theo kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Lào Cai sẽ triển khai 19 dự án sắp xếp dân cư cho gần 700 hộ dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở, với tổng kinh phí trên 250 tỷ đồng. Tuy nhiên, các dự án này mới chỉ nằm trên giấy, còn nguồn vốn thực tế để phân bổ đầu tư hạ tầng cho các địa phương thì chưa có. Cụ thể, từ đầu 2021 đến nay, chưa có dự án sắp xếp dân cư nào được triển khai thực hiện.
“Chúng tôi đang rất lo lắng khi mà các dự án này không được triển khai; mùa mưa thì đã đến sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn tính mạng, tài sản của người dân. Trong khi đó, nguồn lực của huyện thì không có nên chúng tôi cũng chỉ biết tiếp tục đề xuất với tỉnh, Trung ương để sớm bố trí kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng…”, ông Ứng Văn Phương, Phó phòng Nông nghiệp huyện Mường Khương cho biết thêm.
Thống kê từ Sở NN&PTNT cho thấy, năm 2021 đến nay toàn tỉnh Lào Cai bố trí, sắp xếp được 317 hộ dân, chủ yếu là bố trí theo hướng xen ghép và tại chỗ. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2022, tỉnh Lào Cai chưa bố trí sắp xếp được hộ dân nào…
“Bên cạnh việc thiếu quỹ đất để bố trí tái định cư thì, việc thiếu kinh phí triển khai cũng như công tác giải phóng mặt bằng, cũng là những nguyên nhân chính khiến cho việc triển khai các dự án sắp xếp, tái định cư trên địa bàn tỉnh Lào Cai chậm tiến độ”, ông Tạ Công Huy, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lào Cai giải thích.
Mùa mưa bão đã đến, tỉnh Lào Cai là một trong những địa phương thường xuyên phải gánh chịu những thiệt hại về người và tài sản do thiên tai, mưa lũ gây ra. Việc bố trí di dân tái định cư ra khỏi vùng nguy hiểm, là việc cấp bách cần được ưu tiên, bởi thiên tai, mưa lũ không chờ… kinh phí.