Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Kon Tum: Ghi nhận từ tuyên truyền phòng chống TH&HNCHT trong trường học

Ngọc Chí - 13:04, 19/11/2024

Triển khai Dự án 9, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719), Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức nhiều đợt truyền thông lồng ghép nội dung giáo dục về giới trong trường học để nâng cao nhận thức cho học sinh, phụ huynh về tác hại tảo hôn và hôn nhân cận huyết (TH&HNCHT).

Lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum tặng hoa cho các đội tham gia Hội thi tìm hiểu kiến thức pháp luật về TH&HNCHT tại Trường PTDTNT huyện Đăk Glei
Lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum tặng hoa cho các đội tham gia Hội thi tìm hiểu kiến thức pháp luật về TH&HNCHT tại Trường PTDTNT huyện Đăk Glei

TH&HNCHT trong vùng đồng bào DTTS thường để lại nhiều hậu quả về sức khỏe, tâm lý đối với trẻ em, đặc biệt trẻ em gái. Thực hiện Chương trình MTQG 1719, trong năm 2024, Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo và 05 Trường PTDTNT trên địa bàn tỉnh, gồm: Trường PTDTNT huyện Đăk Tô, Sa Thầy, Kon Rẫy, Đăk Glei, Tu Mơ Rông tổ chức 05 Hội thi tìm hiểu kiến thức pháp luật về TH&HNCHT trong vùng đồng bào DTTS, với khoảng 1.000 em học sinh tham gia.

Trong quá trình tổ chức Hội thi, để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền các em đã trải qua 03 phần thi: Chào hỏi, hỏi đáp, tiểu phẩm với nội dung trọng tâm về các nội dung cơ bản của pháp luật về hôn nhân và gia đình; các chính sách, pháp luật có liên quan đến Luật hôn nhân và gia đình theo các quy định pháp luật hiện hành.

Tham gia Hội thi tìm hiểu kiến thức pháp luật về TH&HNCHT giúp các em học sinh DTTS hiểu rõ hơn về những tác hại của TH&HNCHT
Tham gia Hội thi tìm hiểu kiến thức pháp luật về TH&HNCHT giúp các em học sinh DTTS hiểu rõ hơn về những tác hại của TH&HNCHT

Em Y Xuân, học sinh lớp 10A, Trường PTDTNT huyện Đăk Tô chia sẻ: Được tham gia Hội thi em thấy rất bổ ích, giúp em nắm rõ hơn các chính sách, pháp luật có liên quan đến Luật hôn nhân và gia đình, những hệ lụy của TH&HNCHT. Trong suy nghĩ của em, hiện nay là em chỉ chú tâm vào việc học tập để sau này có thể học lên bậc cao hơn, nếu yêu sớm và lập gia đình thì bản thân em sẽ khổ. Em cũng sẽ tuyên truyền cho gia đình và người thân về những tác hại của TH&HNCHT để mọi người cùng nâng cao nhận thức.

Ông Hà Hồng Duy, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum cho biết: Hội thi nằm trong khuôn khổ Tiểu dự án 2, Dự án 9 “Giảm thiểu tình trạng TH&HNCHT”, thuộc Chương trình MTQG 1719. 

Thông qua Hội thi, các em đã tiếp cận được những kiến thức hay bổ ích với các quy định của pháp luật liên quan đến vùng đồng bào DTTS. Từ đó, nâng cao nhận thức cho học sinh, hạn chế tình trạng bỏ học giữa chừng để các em không phải thực hiện nhiệm vụ “trẻ em sinh ra trẻ em”. Đồng thời, truyền tải được thông điệp lan tỏa rộng rãi đến tới thôn, làng góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ của Đề án giảm thiểu tình trạng TH&HNCHT trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.

Các trường học trên địa bàn tỉnh Kon Tum thường xuyên lồng ghép nội dung giáo dục giới tính học đường cho học sinh vào các môn học
Các trường học trên địa bàn tỉnh Kon Tum thường xuyên lồng ghép nội dung giáo dục giới tính học đường cho học sinh vào các môn học

Để giảm thiểu vấn nạn TH&HNCHT trong lứa tuổi học đường, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum đã đưa nội dung giáo dục giới tính vào trường học, nhất là cấp THCS, THPT, giúp nhiều học sinh nâng cao nhận thức về hệ lụy của TH&HNCHT. Từ đó, hạn chế tình trạng các em bỏ học giữa chừng để kết hôn sớm, từng bước giảm thiểu tỷ lệ tảo hôn trên địa bàn tỉnh.

Cô giáo Y Ta, Phó Hiệu trưởng Trường THCS xã Ngọk Réo, huyện Đăk Hà cho biết: Nhà trường thường xuyên lồng ghép nội dung giáo dục giới tính học đường cho học sinh vào các môn học, như: Giáo dục công dân, Sinh học, Giáo dục địa phương. Cùng đó, tăng cường công tác tuyên truyền về tác TH&HNCHT, hướng dẫn học sinh ăn ở, sinh hoạt khoa học, quan tâm sức khỏe sinh sản vị thành niên.

Cùng với đó, hiện nay các Câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi trong các trường học, cũng tổ chức nhiều hoạt động truyền thông để nâng cao nhận thức cho các em học sinh. Các em đã dần hiểu về tác hại, hệ lụy của TH&HNCHT, nỗ lực phấn đấu vươn lên trong học tập, các em cũng đã biết tuyên truyền cho bạn bè, người thân và những người xung quanh cần tránh xa TH&HNCHT.

Cô giáo Nguyễn Thị Phương Thảo, Trường THCS xã Ngọk Réo, huyện Đăk Hà chia sẻ: Trong các buổi sinh hoạt Câu lạc bộ, chúng tôi thường tổ chức các trò chơi với bộ câu hỏi tìm hiểu kiến thức về: Luật Hôn nhân và gia đình; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Bình đẳng giới; Luật Trẻ em và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phòng chống TH&HNCHT. Vấn đề về tình bạn, tình yêu lứa tuổi học sinh, cách phòng tránh được giáo viên truyền đạt cởi mở, dễ hiểu, tạo sự hào hứng cho học sinh.

Câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi Trường THCS xã Ngọc Réo, huyện Đăk Hà sinh hoạt chuyên đề về phòng, chống TH&HNCHT
Câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi Trường THCS xã Ngọc Réo, huyện Đăk Hà sinh hoạt chuyên đề về phòng, chống TH&HNCHT

Em Y Ly Sa, học sinh lớp 9C, Trường THCS xã Ngọk Réo, chia sẻ: Khi tham gia vào Câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi em cảm thấy rất bổ ích, giúp em hiểu biết thêm nhiều kiến thức và đặc biệt là tác hại của TH&HNCHT. Với sự tuyên truyền của thầy, cô bản thân em nhận thức rằng, việc của em là phải chăm lo học tập để trở thành người có ích cho xã hội. Nếu yêu sớm và lập gia đình sớm sẽ ảnh hưởng đến tương lai, cuộc sống của em và cũng sẽ là gánh nặng cho cha mẹ.

TH&HNCHT xuất phát từ những quan niệm, hủ tục lạc hậu. Do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, bản thân các em chưa nhận thức đầy đủ về việc học tập để nâng cao hiểu biết khiến nhiều em đã nghỉ học sớm. Tuy nhiên, với sự phối giữa Ban Dân tộc và Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum trong công tác tuyên truyền, vận động, đã từng bước cho thấy hiệu quả, giúp các em học sinh yên tâm hơn trong học tập. Đến thời điểm hiện tại của năm học này, cũng như những năm học vừa qua trên địa bàn tỉnh Kon Tum không có trường hợp học sinh bỏ học giữa chừng để kết hôn.

Tin cùng chuyên mục
Kim Bôi (Hòa Bình): Phát huy sức mạnh tổng hợp tiến tới xóa bỏ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Kim Bôi (Hòa Bình): Phát huy sức mạnh tổng hợp tiến tới xóa bỏ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS và miền núi, những năm qua, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc nhằm xóa bỏ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (TH-HNCHT) và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nhằm hiểu rõ sự nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền cũng như kết quả trong phòng chống TH-HNCHT trên địa bàn huyện, phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Việt Hòa, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Kim Bôi về vấn đề này.