Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Kon Tum: Chủ động ứng phó với động đất

Trần Văn Phúc - 16:03, 16/09/2022

Liên tiếp trong mấy tháng qua, trên địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đã xảy ra nhiều trận động đất. Trước tình hình đó, UBND huyện Kon Plông đã có nhiều phương án ứng phó với động đất, nhằm trấn an để người dân an tâm lao động, sản xuất, ổn định cuộc sống.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Theo thống kê của Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý địa cầu, trên địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum từ ngày 14/4 đến nay xảy ra trên 80 trận động đất. Các trận động đất nêu trên có cấp độ rủi ro thiên tai từ cấp 0 đến cấp 1, có độ lớn chủ yếu dưới 4.0. Riêng trận động đất xảy ra lúc 12 giờ 54 phút 22 giây ngày 14/4 có độ lớn 4.5, trận động đất vào lúc 14 giờ 08 phút 04 giây ngày 23/8 có độ lớn 4.7 tại vị trí có tọa độ 14.768 độ vĩ Bắc, 108.209 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8.2 km là cao nhất từ trước tới nay.

Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông Lê Đức Tín cho biết: Qua rà soát, kiểm tra và tổng hợp báo cáo của UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện, đến thời điểm hiện tại, các trận động đất trên địa bàn huyện có một hộ dân thôn Đăk Chờ, xã Đăk Rinh bị ngói rơi phần mái phụ phía sau nhà đã xuống cấp và đã được UBND xã chỉ đạo khắc phục kịp thời. Tuy nhiên, các trận động đất đã gây tâm lý lo lắng, bất an trong Nhân dân.

Cụ thể, trên địa bàn huyện Kon Plông có 6 công trình thủy điện, nhưng chỉ có 3 công trình thủy điện có hồ chứa là thủy điện Thượng Kon Tum, thủy điện Đăk Đrinh và thủy điện Đăk Re. Trong đó, Thủy điện Thượng Kon Tum có công suất 220 MW với 2 tổ máy, sản lượng điện hàng năm 1094 triệu KWh, dung tích trữ 145,52 triệu m3, có tính toán thiết kế động đất cấp 7. Thủy điện Đăk Đrinh có công suất 125 MW với 2 tổ máy, sản lượng điện hàng năm 520 triệu KWh, dung tích trữ 248,51 triệu m3, có tính toán thiết kế động đất cấp 8. Thủy điện Đăk Re có công suất 60MW với 2 tổ máy, sản lượng điện hàng năm 220.06 triệu KWh, dung tích trữ 10.35 triệu m3, có tính toán thiết kế động đất cấp 7.

Ngoài ra, trên địa bàn huyện Kon Plông còn có các công trình thủy điện có đập, hồ chứa nhỏ và vừa. Cụ thể, Thủy điện Đăk Pô Ne có công suất 15,6 MW với 2 tổ máy, sản lượng điện hàng năm 59 triệu KWh, dung tích trữ 1900 ngàn triệu m3 với chiều cao lớn nhất của đập là 9,7m, chiều dài lớn nhất đập là 66,85m. Thủy điện Đăk Lô có công suất 22 MW với 2 tổ máy, sản lượng điện hàng năm 102 triệu KWh, dung tích trữ 2820 nghìn m3 với chiều cao lớn nhất của đập là 14,3m, chiều dài lớn nhất đập là 82,9m. Thủy điện Đăk Lô 2 có công suất 7,7 MW với 2 tổ máy, sản lượng điện hàng năm 25,9 triệu KWh, dung tích trữ 5600 nghìn m3 với chiều cao lớn nhất của đập là 20,0m, chiều dài lớn nhất đập là 43m.

Thuỷ điện thượng Kon Tum bị cho có liên quan động đất ở huyện Kon Plông
Thuỷ điện thượng Kon Tum bị cho có liên quan động đất ở huyện Kon Plông

Trên địa bàn huyện Kon Plông còn có 125 công trình thủy lợi. Qua kiểm tra 2 hồ có vị trí gần tâm chấn nhất trên địa bàn huyện là hồ Kon Chênh (xây dựng năm 2006) có dung tích trữ 0,266 triệu m3, đập cao 15m, dài 98m, cách khu tâm chấn 17,92 km. Hồ Đăk Khe (xây dựng năm 2007) có dung tích trữ 0,106m3, đập cao 0,8 m, dài 71m, cách khu tâm chấn động đất là 20,76 km. Đập công trình thủy lợi chủ yếu là đập dâng kết hợp tràn xả lũ cấp công trình cấp IV. Qua kiểm tra các công trình thủy lợi trên địa bàn huyện vẫn đảm bảo an toàn không bị ảnh hưởng động đất xảy ra.

Hiện, trên địa bàn huyện Kon Plông chủ yếu là đường giao thông nông thôn loại B với kết cấu mặt đường là bê tông xi măng dày từ 16-18cm. Đường quốc lộ 24 đoạn từ xã Hiếu đến trung tâm huyện Kon Plông có chiều dài khoảng 30km là đường cấp III, với kết cấu mặt đường bê tông nhựa, các công trình cầu trên đường là cầu bê tông dự ứng lực. Đoạn còn lại từ xã Hiếu đến xã Pờ Ê của huyện Kon Plông khoảng 20km là đường cấp IV miền núi. Đường Trường Sơn Đông, đường tỉnh lộ 676 với quy mô cấp IV, kết cấu mặt đường chủ yếu là bê tông xi măng, các công trình cầu trên đường là cầu bê tông dự ứng lực.

Các công trình khác trên địa bàn huyện Kon Plông như: Trụ sở làm việc của các cơ quan, trường học được thiết kế cấp III và 103 phòng ở học bán trú cho 690 học sinh chủ yếu là công trình cấp VI, khi thiết kế chưa tính đến tác động của động đất đến công trình.

Nhà ở khu vực trung tâm huyện Kon Plông chủ yếu là nhà cấp IV được xây dựng bằng gạch, trụ móng bằng bê tông. Nhà ở của nhân dân tại các thôn đa số làm bằng gỗ, các kết cấu liên kế với nhau bằng liên kết mềm, chỉ đạt 3 cứng, nên không xác định được cấp. Đối với các loại công trình có kết cấu cứng khi xảy ra động đất với cấp độ lớn sẽ tạo ra hiện tượng nứt vữa, nứt bê tông, nếu cường độ động đất lớn sẽ sập đỗ.

Trước tình hình đó, UBND huyện Kon Plông đã xây dựng Kế hoạch số 97/KH-UBND, ngày 06/5/2022 “về ứng phó với thiên tai các cấp độ rủi ro trong tình hình mới trên địa bàn huyện”; tiếp tục phối hợp với các đoàn công tác của tỉnh, của Trung ương để kiểm tra, đánh giá, khảo sát nguy cơ các vùng bị ảnh hưởng; cung cấp tờ rơi và hướng dẫn kỷ năng ứng phó của Viện Vật lý địa cầu để tập huấn cho lực lượng xung kích, nhân dân cách phòng tránh và diễn tập tình huống. Đồng thời, kiểm tra các công trình hạ tầng trên địa bàn huyện, kết cấu các công trình có chịu đựng được động đất ở cấp độ nào để đưa ra phương án xử lý phù hợp. Kiểm tra, đánh giá, khảo sát các khu dân cư, nhà ở, công trình kiên cố, bán kiên cố, các công trình xuống cấp trên địa bàn huyện để có phương án ứng phó.

Vị trí xảy ra động đất ở Kon Tum chiều 23/8. Ảnh: Viện vật lý địa cầu
Vị trí xảy ra động đất ở Kon Tum chiều 23/8. Ảnh: Viện vật lý địa cầu

Chính quyền các cấp của huyện Kon Plông đã tổ chức rà soát, kiểm tra đánh giá hiện trạng các công trình, nhà dân đã bị sụt lún, rạn nức từ trước do thiên tai, lụt bão gây ra để có kế hoạch sửa chữa, gia cố kịp thớil chỉ đạo tăng cường công tác thông tin, tuyền truyền về tình hình động đất và công tác ứng phó đến tận người dân. Đồng thời, phối hợp Viện Vật lý địa cầu cập nhật thông tin kịp thời tình hình động đất trên địa bàn huyện; phối hợp với các thủy điện trên địa bàn nắm bắt tình hình về hoạt động các nhà máy thủy điện và công tác vận hành hồ chứa; phối hợp với Ban Quản lý công trình tỉnh thường xuyên kiểm tra và nắm tình hình an toàn hồ đập và các công trình thủy lợi trên địa bàn do tỉnh quản lý.

Đặc biệt, UBND huyện Kon Plông đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện bổ sung Phương án Phòng, chống thiên tai năm 2022 để xây dựng Phương án ứng phó với thiên tai các cấp độ rũi ro trong tình hình mới trên địa bàn xã; kiện toàn Ban Chỉ đạo Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn xã, các tổ xung kích để kịp thời ứng phó khi có tình huống xảy ra.

Giám đốc Công ty Thuỷ điện Thượng Kon Tum Trần Công Đàm cho biết: Đến nay, ngoài có 3 trạm cũ đã vận hành tại Trung tâm huyện Sơn Tây (tỉnh Quảng Ngãi), Khu quản lý vận hành Nhà máy Thượng Kon Tum ở xã Ngọk Tem (huyện Kon Plông, Trung tâm huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum); Công ty đã phối hợp với Viện Vật lý địa cầu lắp đặt và vận hành thêm 3 trạm quan trắc động đất có nhiệm vụ truyền thông tin, dữ liệu về Viện để phục vụ công tác dự báo, cảnh báo động đất.

Để kịp thời trấn an người dân trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông Lê Đức Tín đề nghị, trong thời gian tới, UBND tỉnh Kon Tum có văn bản đề nghị các cơ quan chuyên môn Trung ương tổ chức kiểm tra, nghiên cứu, đánh giá cụ thể nguyên nhân, mức độ và nguy cơ ảnh hưởng của động đất và công bố để chính quyền và nhân dân biết để chủ động ứng phó phù hợp, tránh gây tâm lý hoang mang trong nhân dân. Đồng thời, đề nghị Viện Vật lý địa cầu phối hợp với các công ty thủy điện trên địa bàn huyện tổ chức tập huấn về công tác ứng phó tình hình động đất trên địa bàn huyện. 

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.