Gom mua đất của đồng bào DTTS
Từ cuối năm 2023 đến nay, có một số đối tượng cò đất vào địa bàn xã Đăk Pxi để gom mua đất sản xuất của các hộ gia đình, cá nhân là người đồng bào DTTS. Do điều kiện kinh tế khó khăn, nhiều hộ đã chấp nhận bán đất sản xuất để có tiền trang trải cuộc sống trước mắt.
Vợ chồng ông A Lưu và bà Y Tim, thôn Đăk Rơ Wang, xã Đăk Pxi là một điển hình. Do con trai cả không may mất vì bệnh, vợ chồng ông phải gánh khoản nợ gần 100 triệu cho con trai. Để có tiền trả nợ cho con, hai vợ chồng đành bán 3,9 ha đất rẫy cho một người tên “T” ở thị trấn Đăk Hà.
Bà Y Tim chia sẻ: Chồng bị tàn tật chỉ nằm ở nhà. Khi “T” đến hỏi mua đất thì chồng bà đồng ý bán, với giá 1 ha là 100 triệu đồng (chỉ thỏa thuận miệng). Có đặt cọc 10 triệu đồng và cầm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đi làm thủ tục. Một thời gian sau thì gọi vợ chồng tôi ra ký giấy bán đất và đưa 210 triệu đồng nữa, bảo do đất xấu quá nên chỉ mua với giá đó. Nếu đúng ra như ban đầu thỏa thuận là bán được 390 triệu đồng.
Ngoài một số hộ đã chấp nhận bán đất sản xuất cho cò đất và hoàn tất hợp đồng mua bán thì còn một số hộ rơi vào hoàn cảnh lo lắng, bất an. Bởi sau khi thỏa thuận giá cả mua bán, các đối tượng cò đất chỉ đặt cọc một số tiền nhỏ và giữ lấy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của người dân.
Anh A Bình, ở thôn Đăk Rơ Wang, xã Đăk Pxi thuộc diện hộ nghèo cho biết: Đầu năm 2024 thì gia đình có đồng ý bán 3,5 sào đất trồng cà phê cho một người tên “T” với giá 80 triệu đồng. Sau khi đặt cọc 20 triệu đồng thì "T" cầm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đi làm thủ tục. Thấy lâu quá gia đình gọi điện đòi thì "T" có chuyển thêm 30 triệu đồng nữa và hiện còn 30 triệu đồng bảo khi nào làm xong giấy tờ thì mới chuyển hết.
Ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà cho biết: Sau khi nghe thông tin phản ánh của người dân, ngày 19/5, UBND xã cũng đã mời 9 hộ dân lên làm việc về tình trạng các đối tượng vào đặt cọc tiền mua đất và giữ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của dân. Qua nắm bắt thì có một số hộ họ đã trả hết tiền và còn 1 số hộ chưa trả hết. Còn tình trạng người dân bán đất thì thực sự xã không nắm hết được, xã cũng tuyên truyền, vận động người dân rất nhiều về việc không nên bán đất sản xuất.
Điều đáng nói là trước đây UBND tỉnh Kon Tum đã có rất nhiều văn bản chỉ đạo về việc kiểm tra, xử lý, ngăn chặn và hạn chế tình trạng sang nhượng đất trong vùng đồng bào DTTS. Ngày 4/5/2020, UBND huyện Đăk Hà cũng đã có Công văn số 904 gửi các cơ quan chức năng và UBND các xã, thị trấn về việc tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, xử lý, ngăn chặn và hạn chế tình trạng môi giới sang nhượng và vay tín dụng bằng quyền sử dụng đất trong vùng đồng bào DTTS.
Mặc dù tỉnh đã có nhiều văn bản, nhưng việc gom mua đất sản xuất của đồng bào DTTS ở xã Đăk Pxi vẫn diễn ra ngang nhiên đang là vấn đề đáng báo động. Bởi nếu bán hết đất sản xuất sẽ ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập và cuộc sống của đồng bào DTTS sau này.
Ngang nhiên san đồi, lấp ruộng
Theo phản ánh của người dân, phóng viên tìm đến khu vực Cây đa cười (tên do đồng bào DTTS đặt). Đây là khu vực đất giáp ranh giữa thôn Kon Teo Đăk Lấp, xã Đăk Long và thôn Đăk Rơ Wang, xã Đăk Pxi thì chứng kiến một diện tích lớn đất đồi, ruộng nước đã được san lấp, tạo ra mặt bằng rộng lớn. Phần lớn lượng đất được san ủi từ phía đồi dốc được dùng để lấp vào diện tích đất lúa nước.
Theo chị Y.L, thôn Đăk Rơ Wang, xã Đăk Pxi, sau khi các đối tượng cò đất ở trung tâm huyện vào thu mua đất rẫy, đất lúa nước của đồng bào DTTS thì đưa máy móc vào tiến hành san ủi, tạo mặt bằng. Họ làm rất công khai. Khi họ san ủi phía trên này thì trời mưa vừa rồi đất đã trôi xuống diện tích lúa nước của các hộ dân phía dưới. Trước đây dân đi lên rẫy thì họ còn chặn đường không cho đi, vì bảo đi vào đường ở diện tích đất họ đã mua.
Ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Pxi cho biết: Sau khi có thông tin phản ánh của người dân, ngày 24/4 xã đã đi kiểm tra và lập biên bản. Hiện xã cũng đã xác định được đối tượng Trịnh Văn Hậu ở thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà là người thuê phương tiện vào san lấp diện tích đất này. Xã đang làm việc và sẽ xử phạt theo đúng quy định của pháp luật.
Theo báo cáo của UBND huyện Đăk Hà, phạm vi xảy ra vụ việc san lấp thuộc diện tích đất giáp ranh ranh giữa 2 xã thuộc thôn Kon Teo Đăk Lấp, xã Đăk Long và thôn Đăk Rơ Wang, xã Đăk Pxi, tổng diện tích san ủi mặt bằng là 6.699 m2. Trong đó: Diện tích san gạt mặt bằng trên diện tích đất nông nghiệp trồng cây hàng năm và lâu năm là 5.443 m2; diện tích san lấp mặt bằng trên phần diện tích đất trồng lúa là 1.256 m2; chiều cao bình quân là 1,5m, với khối lượng đất lấp khoảng 1.884 m3.
Điều đáng nói là việc san lấp mặt bằng trên phần diện tích đất trồng lúa với diện tích là 1.256 m2 (xã Đăk Pxi là 954 m2; xã Đăk Long là 302 m2) là việc làm không đúng theo quy định của pháp luật về đất đai được quy định tại tại Điểm a, Khoản 3, Điều 3, Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ và hành vi này bị nghiêm cấm theo Khoản 1, Điều 12, Luật đất đai 2013 (theo Khoản 1 đây là hành vi: Lấn, chiếm, hủy hoại đất đai).
Xã Đăk Pxi có hơn 90% dân số là đồng bào DTTS, người dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp nên đất sản xuất có vai trò rất quan trọng đối với đời sống của người dân. Vậy, việc các đối tượng cò đất vào gom mua đất sản xuất của đồng bào DTTS với số lượng lớn và ngang nhiên tổ chức san lấp, làm mặt bằng như hiện nay thì trách nhiệm của chính quyền địa phương và các cơ quan quản lý nhà nước ở đâu?!
Báo Dân tộc và Phát triển sẽ tiếp thục theo dõi và thông tin đến bạn đọc.