Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Kon Plông (Kon Tum): Bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch

Ngọc Chí - 07:09, 11/09/2023

Với lợi thế thiên nhiên ưu đãi có nhiều cảnh quan đẹp, khí hậu quanh năm mát mẻ, đồng bào DTTS tại chỗ vẫn bảo tồn nhiều giá trị văn hóa truyền thống độc đáo, phong phú, những năm qua, huyện Kon Plông đã phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển du lịch. Qua đó, thu hút đông đảo du khách đến với Kon Plông.

Kon Plông (Kon Tum): Bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch

Bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống

Huyện Kon Plông có dân số trên 27.000 người (trong đó, 98% là đồng bào DTTS, chủ yếu là dân tộc Hrê và Xơ Đăng). Những năm qua, công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống các DTTS được cả hệ thống chính trị huyện quan tâm, triển khai thực hiện. Trong đó, huyện chú trọng công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân bảo quản, gìn giữ cồng chiêng và hỗ trợ cồng chiêng cho các làng chưa có cồng chiêng.

Từ năm 2020 đến nay, huyện đã tổ chức 10 lớp truyền dạy cồng chiêng tại các xã, thị trấn; xây dựng 1 phòng truyền thống, trưng bày hơn 100 hiện vật gồm: ghè rượu cổ, trang phục (áo vỏ cây), nhạc cụ (cồng chiêng, đàn brăng, ting ning) và một số khí cụ, nông cụ, hàng thổ cẩm của các DTTS.

Truyền dạy cồng chiêng ở các thôn làng đồng bào DTTS huyện Kon Plông
Truyền dạy cồng chiêng ở các thôn làng đồng bào DTTS huyện Kon Plông

Ông Đặng Đình Toán, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Kon Plông cho biết: Cùng với việc tổ chức các lớp truyền dạy cồng chiêng, các nghề truyền thống, từ năm 2021 đến nay, huyện đã huy động nguồn lực xã hội hóa để mua tặng 7 bộ cồng chiêng cho các thôn với tổng kinh phí hơn 418 triệu đồng. Toàn huyện hiện có 495 bộ cồng chiêng; 72/76 thôn có đội cồng chiêng; có 4 đội cồng chiêng bán chuyên nghiệp phục vụ các hoạt động du lịch.

Cùng với đó, các lễ hội truyền thống như: Lễ hội mừng lúa mới, lễ hội máng nước, lễ hội làm chuồng trâu, lễ hội mừng nhà mới được huyện quan tâm phục dựng và gìn giữ. Các nghệ nhân và người dân trên địa bàn huyện cũng tích cực tham gia gìn giữ, phát triển nghề truyền thống của đồng bào DTTS tại chỗ gắn với việc phát triển du lịch cộng đồng. Qua điều tra khảo sát, đến nay trên địa bàn huyện Kon Plông có 49 người biết làm nghề dệt thổ cẩm, 47 người biết làm nghề rèn, 321 người biết nghề đan lát, 2.450 người biết làm rượu ghè, 88 người biết chế tác nỏ, 27 người biết chế tác các loại nhạc cụ truyền thống và có 8 người biết kỹ thuật tạc tượng gỗ.

Nghệ nhân Ưu tú A Lễ ở thôn Kon Chênh, xã Măng Cành, huyện Kon Plông chia sẻ: “Nghề đan lát của người Xơ Đăng có từ lâu đời. Việc đan lát không chỉ tạo ra những sản phẩm phục vụ cuộc sống lao động, sinh hoạt mà còn thể hiện được những giá trị văn hóa truyền thống trong đó. Chính vì vậy, tôi luôn nỗ lực gìn giữ và truyền dạy cho thế hệ trẻ trong thôn. Tôi mong nghề đan lát truyền thống này sẽ được thế hệ trẻ gìn giữ, phát huy”.

Vẻ yên bình ở Làng du lịch cộng đồng Vi Rơ Ngheo
Vẻ yên bình ở Làng du lịch cộng đồng Vi Rơ Ngheo

Biến di sản văn hóa thành sản phẩm du lịch

Với tiềm năng, lợi thế của địa phương, việc bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của DTTS gắn với phát triển du lịch là thế mạnh mà huyện Kon Plông đang tập trung khai thác, phát triển. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 7 điểm du lịch được UBND tỉnh Kon Tum công nhận. Trong đó, có 2 Làng du lịch cộng đồng, gồm: Làng du lịch cộng đồng Kon Pring (thị trấn Măng Đen) và Làng du lịch cộng đồng Vi Rơ Ngheo (xã Đắk Tăng). Việc xây dựng các Làng du lịch cộng đồng vừa góp phần giữ gìn các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào DTTS tại chỗ, vừa tạo sức hấp dẫn, thu hút du khách đến với địa phương.

Đến với Măng Đen, du khách sẽ được trải nghiệm những lễ hội mang đậm nét văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS
Đến với Măng Đen, du khách sẽ được trải nghiệm những lễ hội mang đậm nét văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS

“Khi đến với Khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen, cảm nhận đầu tiên là phong cảnh rất đẹp, rừng nguyên sinh còn nhiều, khí hậu mát mẻ, những ngôi làng truyền thống của đồng bào DTTS mang nét đặc trưng vùng Tây Nguyên. Đặc biệt là con người nơi đây rất hiền hòa, mến khách. Mình ấn tượng nhất là được trải nghiệm màn biểu diễn cồng chiêng, múa xoang, cơm lam, gà nướng, rượu cần... Đến Măng Đen thực sự là một trải nghiệm tuyệt vời”, chị Lê Nguyễn Khải Hoàn, du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh chia sẻ.

Mùa hoa mai anh đào nở thu hút đông đảo du khách đến với Măng Đen
Mùa hoa mai anh đào nở thu hút đông đảo du khách đến với Măng Đen

Với lợi thế phát triển đa dạng các loại hình du lịch cùng các sản phẩm dược liệu, OCOP và tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, lễ hội sôi động, hấp dẫn, Kon Plông đã thu hút đông đảo khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2023, đã có hơn 660.000 lượt khách đến Khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen, doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt trên 132 tỷ đồng.

Những sản phẩm du lịch mang đậm nét văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS luôn cuốn hút du khách khi đến với Măng Đen
Những sản phẩm du lịch mang đậm nét văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS luôn cuốn hút du khách khi đến với Măng Đen

Ông Đặng Quang Hà, Chủ tịch UBND huyện Kon Plông cho biết, cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch trên địa bàn huyện ngày càng được cải thiện. Nhiều dự án phát triển du lịch đã được đầu tư đưa vào khai thác. Cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Kon Plông đang quyết tâm xây dựng Khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen trở thành điểm đến an toàn, thân thiện, chất lượng, hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.

Toàn huyện Kon Plông hiện có 12 Nghệ nhân dân gian được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực truyền dạy và bảo tồn văn hóa cồng chiêng, các nghề truyền thống. Các nghệ nhân cùng với già làng, Người có uy tín trong cộng đồng tích cực tham gia bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc, truyền dạy văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ hôm nay.”

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.