Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Kinh tế tập thể ở Phú Yên: Ứng dụng KH-KT để phát triển bền vững

Thành Nhân - 16:33, 25/05/2020

Những năm gần đây, khu vực kinh tế tập thể (KTTT) ở vùng miền núi tỉnh Phú Yên có nhiều thay đổi đáng ghi nhận. Việc kiện toàn khu vực KTTT của tỉnh Phú Yên không chỉ giải quyết nguy cơ “trắng” hợp tác xã (HTX) ở miền núi mà đang tạo cơ hội thay đổi phù hợp với chủ trương phát triển tổng thể kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào DTTS và miền núi của Chính phủ trong thời gian tới.

HTX BB Farm ứng dụng công nghệ cao trồng rau sạch đạt năng suất và hiệu quả cao.
HTX BB Farm ứng dụng công nghệ cao trồng rau sạch đạt năng suất và hiệu quả cao.

Theo thống kê của Liên minh HTX tỉnh Phú Yên, các huyện miền núi của tỉnh hiện có 25 HTX, tăng 17 HTX so với năm 2018. Đặc biệt, 2 huyện Sơn Hòa, Sông Hinh từ chỗ chỉ có 3 HTX thì nay có 13 HTX đang hoạt động.

Huyện Đồng Xuân cũng có 12 HTX đang hoạt động. Tất cả các HTX ở đây đều được kiện toàn theo tiêu chí số 13 trong xây dựng nông thôn mới (NTM) và hoạt động theo Luật HTX 2012. Theo ông Phạm Trung Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân, để kiện toàn hoạt động các HTX, địa phương thực hiện sáp nhập, hợp nhất các HTX yếu, hoạt động cầm chừng ở cấp thôn vào các HTX khá, giỏi. HTX mới ra đời có phạm vi hoạt động lớn hơn ở cấp xã, số lượng thành viên đông hơn và diện tích quản lý nhiều hơn. Các HTX đang hỗ trợ tích cực cùng địa phương trong xây dựng NTM và tái cơ cấu ngành Nông nghiệp.

Điều đáng mừng là KTTT ở khu vực miền núi không chỉ phát triển về số lượng mà chất lượng cũng được nâng lên đáng kể. Một số HTX ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả cao. Đơn cử như HTX Nông nghiệp và dịch vụ BB (BB Farm) ở huyện Sơn Hòa, mới thành lập hơn 1 năm nhưng đã có doanh thu cao, tạo việc làm cho nhiều lao động.

Ông Phạm Thọ Trường, Giám đốc HTX BB Farm, cho biết: Từ 900 triệu đồng vốn hoạt động ban đầu, nay HTX đã có 6 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 30 lao động, với thu nhập ổn định 5 - 7 triệu đồng/người/tháng. HTX phấn đấu đạt mức tiêu thụ 60 tấn rau/năm, nâng mức thu nhập của người lao động lên 7 - 8 triệu đồng/người/tháng.

Ông Phạm Đình Phụng, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa đánh giá: Đây là mô hình nông nghiệp công nghệ cao quy mô lớn của địa phương.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Văn Phương, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Phú Yên cho biết: Trong định hướng phát triển KT-XH vùng miền núi có nhiệm vụ đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị.

Mới đây, Liên minh HTX Việt Nam đã làm việc với Ủy ban Dân tộc - cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, đề nghị Ủy ban Dân tộc tạo điều kiện cho Liên minh HTX Việt Nam tham gia là thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình. Đây sẽ là cơ hội để KTTT vùng miền núi Phú Yên nói riêng và cả nước nói chung phát triển lên một tầm cao mới.