Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Kinh nghiệm phòng, chống dịch Covid-19 ở huyện “vùng xanh” Ba Vì

Thanh Hà- CĐ - 14:09, 20/11/2021

Là địa phương có đông đồng bào DTTS của Hà Nội nhưng Ba Vì đang là một trong những quận, huyện có thành tích tốt nhất trong phòng, chống dịch Covid-19. Có được thành quả này, là nhờ Ba Vì đã có những cách làm chủ động, sáng tạo.

Nhân viên Trạm Y tế lưu động số 1 xã Phong Vân diễn tập thăm khám và tư vấn sức khỏe cho bệnh nhân F0 không triệu chứng đang quản lý, theo dõi sức khỏe tại nhà
Nhân viên Trạm Y tế lưu động số 1 xã Phong Vân diễn tập thăm khám và tư vấn sức khỏe cho bệnh nhân F0 không triệu chứng đang quản lý, theo dõi sức khỏe tại nhà

Chính quyền chủ động

Huyện Ba Vì có 28.757 người là đồng bào DTTS (chiếm khoảng 37,1% dân số vùng dân tộc miền núi). Đồng bào DTTS sinh sống tập trung trên địa bàn 7 xã, chủ yếu là dân tộc Mường, với khoảng 91% và dân tộc Dao, với khoảng 8%.

Kể từ khi đợt bùng phát lần thứ 4 của dịch Covid-19, toàn TP. Hà Nội đã có tới 10 quận, huyện “vùng đỏ”. Riêng Ba Vì, đây là địa phương có diện tích lớn nhất Thành phố, cũng là nơi có nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch nối liền với nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước mà điển hình là Quốc lộ 32, đường Hồ Chí Minh. Với lượng người qua lại rất lớn nên Ba Vì được đánh giá có nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 từ địa bàn khác tới rất cao. Tuy nhiên, nhờ xây dựng và triển khai tốt các phương án phòng, chống dịch bệnh Covid-19 mà Ba Vì đã và đang giữ vững được “vùng xanh” của Thủ đô.

Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng cho biết, sở dĩ Ba Vì thực hiện được tốt công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 là nhờ địa phương đã áp dụng chính sách chặt chẽ, quyết liệt và toàn diện trong công tác kiểm soát dịch bệnh trên toàn địa bàn. Đặc biệt, các phương án, giải pháp, biện pháp đề ra luôn được huyện xác định như đang thực hiện ở “vùng đỏ”. Tất cả các đơn vị đều được quán triệt phải luôn trong trạng thái chủ động trong mọi tình huống, có phương án chủ động ứng phó ngay từ khi dịch chưa xuất hiện.

Sự chủ động của huyện Ba Vì được thể hiện ở chỗ địa phương này chủ động trong mọi tình huống, có phương án chủ động ứng phó ngay từ khi dịch chưa xuất hiện. Khi dịch bệnh bùng phát trên nhiều địa bàn Thành phố, huyện đã nhanh chóng kích hoạt tất cả phương án có trước để phù hợp với các chỉ đạo trong công tác phòng, chống dịch của Thành ủy, UBND TP. Hà Nội.

Cùng với sự chủ động lên phương án đối phó với dịch bệnh, huyện cũng thực hiện hàng loạt giải pháp đồng bộ nhằm khóa chặt mọi nguồn lây từ bên ngoài, hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn. Đầu tiên là thành lập các chốt kiểm soát dịch bệnh tại khu vực trọng yếu. Ngoài 3 chốt của Thành phố, huyện đã chủ động thành lập thêm 9 chốt kiểm soát dịch bệnh tại đường giao thương với các tỉnh, huyện khác. Các chốt này hoạt động liên tục 24/24h, thực hiện kiểm tra, đo thân nhiệt... những trường hợp người và phương tiện qua lại để tầm soát, sàng lọc trường hợp có nguy cơ cao.

Nông dân xã Khánh Thượng (huyện Ba Vì) thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch trong lao động sản xuất
Nông dân xã Khánh Thượng (huyện Ba Vì) thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch trong lao động sản xuất

Đó là lớp phòng vệ vòng ngoài. Ở vòng trong, huyện tiếp tục thành lập thêm 626 chốt liên thôn, liên xã, kiểm soát chặt chẽ người ra, vào giữa các địa bàn. Hai vòng kiểm soát khép kín và hoạt động liên tục suốt ngày đêm bảo đảm cho địa phương có thể “khóa chặt” mọi nguồn lây từ bên ngoài, không cho có cơ hội xâm nhập vào huyện.

Người dân tích cực tham gia

Để giữ vững “vùng xanh” an toàn, Ba Vì tăng cường kiểm soát chặt chẽ các chốt tiếp giáp với các quận, huyện bạn, nâng cấp huyện quản lý 9 chốt kiểm soát dịch, quyết định thông 5 chốt tại Tây Đằng, Thụy An, Tiên Phong, Cổ Đô, với tổng số chốt duy trì hiện tại là 154 chốt mở. Tiếp tục quản lý chặt các nơi có nguy cơ cao như chợ, các chốt kiểm dịch, bệnh viện, nơi tiêm vắc xin và triển khai các mô hình hay, hiệu quả, triển khai cuộc vận động “Xóm tự quản an toàn phòng, chống Covid-19” đến 31 xã, thị trấn trên địa bàn huyện.

Đặc biệt, huyện duy trì mô hình “xóm an toàn”, “ngõ tự quản an toàn” tại 208 thôn trên toàn địa bàn. Các ngõ xóm do chính người dân tại địa bàn phân công nhau để trực chốt, kiểm tra, kiểm soát và nhắc nhở thường xuyên trong cộng đồng dân cư. Mạng lưới 654 ngõ, xóm an toàn đảm bảo tạo ra những “tấm khiên bảo vệ” phủ kín mọi ngóc ngách từ huyện xuống xã, từ xã vào thôn, từ thôn vào xóm.

Tại các xã của Ba Vì đã thiết lập các tấm Biển xanh treo tại các xóm tự quản để tuyên truyền người dân thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch; chỉ đạo các xã, thị trấn phổ biến, tuyên truyền trong toàn dân và tổ chức lấy ý kiến các hộ dân trong các xóm, để thống nhất đăng ký “Xóm tự quản an toàn”.

Mô hình "Ngõ tự quản" tại thị trấn Tây Đằng, Ba Vì
Mô hình "Ngõ tự quản" tại thị trấn Tây Đằng, Ba Vì

Chia sẻ với chúng tôi, ông Đinh Văn Đình, một người dân ở thôn Sui Quán, xã Khánh Thượng cho biết: “Nhờ sự tuyên truyền phổ biến sâu sát, quyết liệt của chính quyền địa phương, người dân chúng tôi hiểu rất rõ những nguy cơ của dịch bệnh, cũng như các biện pháp phòng, chống. Mỗi người dân chúng tôi đều bảo nhau thực hiện tốt, nghiêm các quy định để không xảy ra lây nhiễm, giữ an toàn cho gia đình mình và cộng đồng”.

Trong thời điểm thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trên toàn địa bàn Hà Nội, tại huyện Ba Vì, các “Xóm ngõ tự quản an toàn” do tổ tự quản an toàn phòng, chống dịch tại thôn xóm, khu dân cư trực tiếp giám sát, quản lý theo mô hình “3 lớp”, “4 tại chỗ”, để bảo vệ dân cư không để xảy ra lây nhiễm bệnh từ bên ngoài vào và lây nhiễm chéo trong địa bàn. Theo thống kê của Ban Dân vận huyện ủy Ba Vì, toàn Huyện đã có trên 1.800 mô hình tự quản được thành lập với trên 73.000 hộ gia đình tham gia.

Có thể thấy, trong công tác phòng, chống dịch bệnh ở Ba Vì, mỗi địa bàn đều chú trọng tuyên truyền sâu rộng để người dân nắm được thông tin về tình hình dịch bệnh. Đặc biệt, mỗi người dân địa phương đều hiểu được mình là một "chiến sỹ" trong công tác phòng, chống dịch. Và sự vào cuộc tích cực từ huyện tới thôn xóm, triển khai có hiệu quả các phương án đưa ra đã giúp Ba Vì giữ vững "vùng xanh" đến hôm nay...

Tin cùng chuyên mục
Những thiệt hại đầu tiên do hoàn lưu bão số 4 gây ra ở Nghệ An

Những thiệt hại đầu tiên do hoàn lưu bão số 4 gây ra ở Nghệ An

Mưa lớn nhiều ngày do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4 đã khiến cho nhiều vùng đất ở Nghệ An ngập úng cục bộ. Khu vực miền núi đã xuất hiện sạt lở. Đáng chú ý, đã có thiệt hại về người và tài sản vì mưa lũ.