Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm

Thanh Huyền - 17:44, 06/10/2023

Người biết lo trước mọi người, người dám làm điều có lợi cho việc chung là người tiên phong thời nào cũng cần, cũng được xã hội coi trọng. Tổng kết từ lịch sử và thực tiễn ngày nay, chúng ta yêu cầu người cán bộ đầy đủ hơn với phẩm chất dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Nghị định số 73/2023/NĐ-CP ngày 29-9-2023 của Chính phủ quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, nhận được sự đồng tình ủng hộ của đông đảo cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân.



Chính phủ cấm lợi dụng chính sách khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm để bao che tham nhũng, tiêu cực, trục lợi, vi phạm kỷ luật Đảng và pháp luật Nhà nước. Ảnh: TL
Chính phủ cấm lợi dụng chính sách khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm để bao che tham nhũng, tiêu cực, trục lợi, vi phạm kỷ luật Đảng và pháp luật Nhà nước. Ảnh: TL

Ngày 13-2-1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn đồng bào và cán bộ xã Nam Liên (xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An ngày nay) nếu "muốn tiến bộ thì phải có tinh thần mạnh dạn, dám nghĩ dám làm”. Việc khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, khi được thực hiện kịp thời, dân chủ, công khai, minh bạch sẽ tạo cơ hội để cán bộ, đảng viên thực hiện đúng lời căn dặn của Người, quyết tâm hành động quyết liệt, khẩn trương, chủ động xông pha, tiên phong dấn thân vào những công việc khó, nhiệm vụ phức tạp.

Sau gần 40 năm đổi mới, đất nước ta đạt được những thành tựu to lớn. Tuy nhiên, nước ta vẫn còn khoảng cách khá xa với các nước phát triển. Thực tế hiện nay, những thói tật an phận thủ thường, né tránh việc khó, né tránh đấu tranh cùng thứ “virus trì trệ” còn tồn tại.

Giải trình các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu liên quan đến lĩnh vực nội vụ tại Kỳ họp Quốc hội vừa qua (chiều ngày 31/5/2023), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thẳng thắng thừa nhận tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức né tránh, thiếu trách nhiệm, sợ sai trong thực thi công vụ không chỉ diễn ra đơn lẻ mà diễn ra ở nhiều địa phương, một số bộ, ngành Trung ương, trong một bộ phận công chức trong các hoạt động kinh tế - xã hội, thể hiện rõ nhất trên lĩnh vực đầu tư công, quản lý đất đai, bất động sản, mua sắm trang thiết bị khu vực công, thủ tục hành chính đầu tư cho phát triển doanh nghiệp, cung ứng các dịch vụ trực tiếp liên quan đến người dân và doanh nghiệp....

Vì vậy, việc ủng hộ, khích lệ và bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm càng cần thiết. Khi còn những người đắn đo suy tính “ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau” thì phẩm chất “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau” càng cần được xây đắp để trở thành nhân tố quan trọng trong mọi hoạt động của đất nước và cuộc sống xã hội.

Để sớm đạt mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hơn lúc nào hết, Đảng, Nhà nước phải xây dựng được đội ngũ cán bộ, đảng viên có đủ đức, đủ tài, có ý chí chiến đấu cao, gương mẫu đi đầu, quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung. Đội ngũ cán bộ, đảng viên phải tìm tòi, sáng tạo, đủ bản lĩnh xử lý đúng, giải quyết thấu đáo những vấn đề lý luận và thực tiễn đổi mới đang đặt ra.

Nghị định 73 quy định, cán bộ dám nghĩ, dám làm là có tư duy đổi mới, sáng tạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm, xuất phát từ đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn, nhằm gỡ điểm nghẽn, nút thắt cơ chế chưa được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật. Mục tiêu là mang lại hiệu quả, tạo chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào phát triển chung. Cán bộ được khuyến khích và bảo vệ phải vì lợi ích quốc gia, dân tộc, cộng đồng, ngành, lĩnh vực, địa phương, cơ quan mà không vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, không có động cơ vụ lợi.

Theo Nghị định, cán bộ thực hiện đề xuất đổi mới, sáng tạo được đánh giá là hoàn thành thì không bị xử lý trách nhiệm pháp luật. Cán bộ thực hiện đề xuất đổi mới, sáng tạo mà không hoàn thành hoặc chỉ hoàn thành một phần mục tiêu đề ra, nhưng được cơ quan đánh giá đúng chủ trương, động cơ trong sáng, vì lợi ích chung, thì được loại trừ trách nhiệm pháp luật.

Cán bộ thực hiện đề xuất đổi mới mà không hoàn thành hoặc chỉ hoàn thành một phần mục tiêu đề ra và gây thiệt hại, nhưng được cơ quan đánh giá đúng chủ trương, động cơ trong sáng, vì lợi ích chung cũng được loại trừ, miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm. Cơ quan cho phép thực hiện đề xuất đổi mới sẽ đánh giá kết quả, xác định nguyên nhân khách quan, chủ quan các trường hợp nêu trên.

Chính phủ cấm lợi dụng chính sách khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm để bao che tham nhũng, tiêu cực, trục lợi, vi phạm kỷ luật Đảng và pháp luật Nhà nước. Cán bộ không được lợi dụng chính sách nêu trên để né tránh, đùn đẩy công việc. Khi có chỉ đạo của cơ quan về tiếp tục hoặc dừng thực hiện đề xuất đổi mới, họ phải chấp hành.

Có thể thấy, Nghị định đã đề cập rõ việc bảo vệ những cán bộ tốt, những việc làm đúng; không để lợi dụng chính sách, biện pháp khuyến khích, bảo vệ cán bộ để thực hiện hoặc bao che các hành vi tham nhũng, trục lợi, tác động tiêu cực đến đời sống Nhân dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Việc Chính phủ ban hành Nghị định 73 không chỉ là bước cụ thể hóa chủ trương của Đảng mà còn góp phần giải tỏa được tâm lý sợ làm sai với quy định hiện hành, sợ bị xử lý trách nhiệm của nhiều cán bộ, đảng viên. Kịp thời khuyến khích, bảo vệ cán bộ, đảng viên mạnh dạn đề xuất, thí điểm tháo gỡ, mở lối những vấn đề không còn phù hợp, những tồn đọng kéo dài, những vấn đề chưa được quy chế hiện hành xác định và nhiều vấn đề phức tạp mà sự nghiệp phát triển đất nước đang đặt ra.

Nghị định cũng sẽ là cơ sở để đấu tranh với tư tưởng sợ mất lòng, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, không dám đối diện với những khó khăn, vướng mắc, không dám đấu tranh phê phán cái sai, cái xấu. Từ đó tạo nên bước đột phá, sáng tạo của cán bộ, đảng viên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Tin cùng chuyên mục
Mai Châu (Hòa Bình): Chương trình MTQG 1719 thúc đẩy phong trào văn hóa cơ sở vùng đồng bào DTTS

Mai Châu (Hòa Bình): Chương trình MTQG 1719 thúc đẩy phong trào văn hóa cơ sở vùng đồng bào DTTS

Nhằm thúc đẩy phong trào văn hóa cơ sở, những năm qua, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình đã tích cực triển khai thực hiện Dự án 6 về Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719). Nhờ đó, các câu lạc bộ, đội văn nghệ truyền thống được quan tâm hỗ trợ; hệ thống thiết chế văn hóa tại các thôn, xã được đầu tư, xây dựng góp phần thúc đẩy phong trào văn hóa cơ sở, nâng cao đời sống Nhân dân.