Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

“Khu vực xanh” trong giáo dục - Tại sao không?

Nghĩa Hiệp - 12:31, 14/09/2021

Tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài, việc học online đã trở lên quá đỗi quen thuộc với các em học sinh 2 năm học vừa qua. Tuy nhiên, học online luôn tồn tại những vấn đề bất cập về hệ thống đường truyền internet, cũng như chất lượng bài giảng giữa vùng dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi, biên giới, hải đảo với khu vực thành phố, đồng bằng. Để bảo đảm việc công bằng trong tiếp thu kiến thức cho các em học sinh , đã đến lúc nghĩ đến “khu vực xanh” cho giáo dục vùng khó.

Kiểm soát dịch bệnh theo từng địa phương là điều kiện thuận lợi để mở “Khu vực xanh” trong giáo dục
Kiểm soát dịch bệnh theo từng địa phương là điều kiện thuận lợi để mở “Khu vực xanh” trong giáo dục

Nhiều cái “khó” khi học online

Hẳn nhiều người vẫn nhớ câu chuyện về cậu sinh viên Lẩu Mí Xá ở xã Sủng Trái, huyện Đồng Văn (Hà Giang) hơn 1 năm trước đây, đã từng phải dò sóng 4G để kịp giờ giảng trên lớp. Nhưng có những lúc chiếc điện thoại của em không bắt được sóng do trời mưa, em phải nghỉ học và xin bài giảng của thầy cô. Để có được chiếc điện thoại làm công cụ học tập, Xá đã phải đi làm thêm ở năm đầu đại học, tiết kiệm tiền để mua.

Thực tế cho thấy, nhiều học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi, hải đảo… không có đủ điều kiện như điện thoại thông minh, máy tính để học tập và nhiều thôn, bản cũng không có sóng điện thoại để kết nối internet. Các em học sinh đã phải tìm những điểm sóng rơi, “hứng sóng” chỉ để tải tài liệu về tự học, chứ không thể tham gia các lớp học online do nhà trường và các thầy cô tổ chức.

Thầy giáo Hoàng Mạnh Việt, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Quan Lạn, xã Quan Lạn, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) cho biết: “Việc triển khai học online được thực hiện theo chỉ đạo của lãnh đạo Sở và Phòng Giáo dục. Do đặc thù vùng biển đảo, đặc biệt các thôn khó khăn, phụ huynh học sinh làm nghề đánh bắt, đi biển, sẽ ít quan tâm đến việc học của con, không đầu tư thiết bị, nên các em cũng không có công cụ để học. Hơn nữa, ngoài biển mạng rất kém, khó để các em học sinh theo học online”.

Học online là việc rất khó đối với học sinh vùng DTTS, miền núi, hải đảo...
Học online là việc rất khó đối với học sinh vùng DTTS, miền núi, hải đảo...

Tạo “khu vực xanh” trong giáo dục

Trong bối cảnh phức tạp của dịch bệnh, điều kiện học sinh vùng DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo vốn còn nhiều khó khăn, hạn chế nay sẽ còn khó khăn hơn đối với việc dạy học trực tuyến. Để đạt được mục tiêu giáo dục là không hề đơn giản, đặc biệt là sự công bằng trong tiếp thu kiến thức đối với các em học sinh.

Anh P.T.A, cán bộ an ninh huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh cho rằng, hiện nay mỗi ngày, với mỗi xã đảo chỉ có 1 chuyến tàu ra và vào, lưu lượng người và phương tiện di chuyển rất ít và hầu như không có. Trong khi đó, hầu hết trên các xã đảo đều có thể tự cung tự cấp  lương thực, thực phẩm, chỉ cần 1, 2 chuyến tàu/tháng chở hàng từ đất liền vào. Ngay cả khi huyện Vân Đồn có ca dịch bùng phát vào thời điểm đầu năm 2021, các xã đảo vẫn không bị ảnh hưởng nhiều. Với những đặc thù đó, có thể coi đây là những “khu vực xanh” ổn định trên địa bàn để có thể xem xét giải pháp tổ chức học tập cho phù hợp.

Xét từ tình hình thực tế, trong thời gian diễn ra đại dịch covid 19, dù có nhiều “khu vực xanh” trong cộng đồng, nhưng đối với các địa phương ở khu vực đặc thù biên giới đảo  lại chưa có “khu vực xanh” cho giáo dục. Trong khi lãnh đạo ngành Giáo dục nhiều tỉnh cho rằng, dù dạy cách nào đích đến cuối cùng là kết quả đầu ra. Vì thế, việc vận dụng các phương pháp dạy học linh hoạt để giúp các học sinh nắm đầy đủ kiến thức, cuối năm chất lượng dạy và học đạt kết quả tốt nhất mới là điều cần thiết.

Với việc triển khai mỗi địa phương tự chủ động phòng, chống dịch bệnh, xây dựng và bảo vệ “vùng xanh” an toàn, thì các địa phương cũng cần có những “khu vực xanh” cho giáo dục. Để các em học sinh vùng DTTS, miền núi, hải đảo, bãi ngang... được tiếp cận kiến thức công bằng, bảo đảm kiến thức trong năm học mới cũng như bảo đảm chất lượng giáo dục.

Tin cùng chuyên mục
Phổ cập xóa mù chữ: Cách làm hay ở Lạng Sơn

Phổ cập xóa mù chữ: Cách làm hay ở Lạng Sơn

Không chỉ được tăng cường khả năng sử dụng tiếng Việt, kỹ năng tính toán, mà các học viên còn được tham dự Ngày hội giao lưu Toán, Tiếng Việt để vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn… Đây là cách làm sáng tạo trong công tác xóa mù chữ đã và đang lan tỏa, góp phần nâng cao chất lượng công tác xóa mù chữ cho đồng bào DTTS vùng sâu, vùng xa, biên giới Lạng Sơn.