Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Khu di tích Đèo Văn Long, tỉnh Lai Châu: Một sự hoang tàn, đổ nát (Bài 2)

Trương Hữu Thiêm - 18:06, 22/04/2023

Giặc tan, đó là lúc đồng bào Thái nơi ngã ba sông Đà tự “kết thúc” những năm tháng “phi nông nghiệp” một cách bất đắc dĩ, để tính đến nay, thấm thoắt đã gần hai phần ba thế kỷ gắn bó với công việc bề bộn nông tang. Cạnh di tích Đèo Văn Long hiện giờ là trụ sở Uỷ ban Nhân dân xã Lê Lợi và Trường Trung học Cơ sở Nậm Na (huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu).

Những hạng mục kiến trúc hoang tàn của khu phế tích dinh thự Đèo Văn Long, bên lòng hồ sông Đà (xã Lê Lợi, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu) hiện nay
Những hạng mục kiến trúc hoang tàn của khu phế tích dinh thự Đèo Văn Long, bên lòng hồ sông Đà (xã Lê Lợi, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu) hiện nay

Là người có “thâm niên” gần 40 năm sống và công tác tại thị xã Mường Lay (tỉnh Điện Biên), ông Nguyễn Quốc Tuân, nguyên Bí thư Thị ủy Mường Lay cho biết: Trước đây, khu di tích dinh thự Đèo Văn Long nằm trên địa bàn thị xã Mường Lay, do UBND thị xã quản lý về mặt nhà nước. Đầu năm 2004, do sự chia tách hành chính nên khu di tích chuyển giao cho tỉnh Lai Châu (mới) quản lý. 

Cũng theo thông tin từ ông Nguyễn Quốc Tuân, thời kỳ 1964 - 1965, dinh thự này là địa điểm “trú chân” của Trường Đảng tỉnh Lai Châu cũ (nay gọi là Trường Chính trị tỉnh). Hội trường cũ của dinh được sửa sang làm giảng đường và trú xá cho hơn 100 học viên. Cuối năm 1965, do không quân Mỹ bắn phá ác liệt, Trường Đảng tỉnh sơ tán về khu rừng xã Pa Ham (huyện Mường Lay cũ, nay là huyện Mường Chà) bên quốc lộ 6. Từ đó, toàn bộ khu di tích bị bỏ hoang theo đúng nghĩa đen của cụm từ này. Vì nhiều lý do, dẫn đến không được sử dụng, không có kinh phí bảo trì nên hàng chục năm liền không hề có cấp nào, ngành nào... nghĩ đến việc bảo vệ, trùng tu.

Theo kết quả khảo sát năm 1983 của Sở Văn hoá - Thông tin tỉnh Lai Châu (nay là Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch tỉnh Điên Biên), công trình dinh thự Đèo Văn Long được khởi công xây dựng từ đầu năm 1916. Việc chọn hướng, vị trí đặt cổng chính, miếu thờ, nhà “Đẳm” đều được các thầy địa lý và các thầy mo mường tính toán, bấm độn rất cẩn thận. Nguồn vật liệu (sắt thép, xi măng, kể cả gạch nung...) được máy bay của quân đội Pháp chở từ Hà Nội và Hải Phòng lên. 

Việc thiết kế và giám sát thi công do 2 kiến trúc sư (một người Pháp, một người Trung Quốc) cùng đảm nhận. Sau 2 năm triển khai, cuối năm 1918, toàn bộ công trình hoàn thành với các hạng mục: Cổng chính, nhà “Đẳm”, nhà ăn, nhà xoè, tháp nước, miếu thờ ma rừng, hầm nhốt phạm nhân, kho thóc, bến thuyền, nghĩa địa...

Một góc khu phế tích dinh thự Đèo Văn Long hôm nay
Một góc khu phế tích dinh thự Đèo Văn Long hôm nay

Tại thời điểm chúng tôi thực hiện phóng sự này, rất tiếc khu di tích dinh thự Đèo Văn Long không còn hạng mục kiến trúc nào nguyên vẹn. Hơn nữa, kể từ trước Tết Nguyên đán Canh Dần (2010), công trình Thủy điện Sơn La hoàn thành và hồ Thủy điện Sơn La chính thức tích nước, khu di tích luôn phải chịu tác động rất lớn của lòng hồ thủy điện. Mỗi khi mức nước lòng hồ dâng lên, di tích bị nhấn chìm, vì thế nhiệm vụ bảo tồn, khôi phục tại di tích đến nay vẫn chưa thể thực hiện được do kinh phí đầu tư rất lớn. 

Theo thông tin của Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch tỉnh Lai Châu, khi chia tách hành chính, di tích nằm trên địa giới tỉnh Lai Châu (mới) nên đã được bàn giao cho ngành Văn hóa - Thể thao & Du lịch tỉnh Lai Châu (mới) quản lý và khai thác, sử dụng.

Trước kia (thời điểm tỉnh Lai Châu cũ và tỉnh Lai Châu mới sau này), khu di tích chưa được tu bổ, tôn tạo, phục dựng lần nào, kể cả với mọi quy mô đầu tư. Khi thuỷ điện Sơn La được khởi công, di tích Khu dinh thự Đèo Văn Long và di tích bia Lê Lợi nằm trong vùng lòng hồ và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nội dung bảo tồn. 

Tuy nhiên, nguồn kinh phí trong Đề án không đáp ứng được nhiệm vụ cần phải bảo tồn, tu bổ để phát huy giá trị của di tích (Di tích nằm sâu dưới cốt nước ngập nên yêu cầu cần phải xây kè, đập chắn nước, khôi phục các hạng mục kiến trúc, xây dựng cơ sở hạ tầng liên quan đến di tích...). 

Vì vậy, được sự đồng thuận của UBND tỉnh Lai Châu, Ban Quản lý Dự án Thủy điện Sơn La và Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đã gộp 2 nguồn kinh phí bảo vệ di tích (di tích khu dinh thự Đèo Văn Long và di tích bia Lê Lợi); đồng thời hỗ trợ thêm để đầu tư cho phương án di chuyển bia Lê Lợi đến địa điểm mới và xây dựng đền thờ, nhà bia và các hạng mục phụ trợ khác để phát huy giá trị của di tích bia Lê Lợi (khoảng trên 13,7 tỷ đồng, do nguồn vốn từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam đền bù cho Dự án vùng ngập lòng hồ thuỷ điện Sơn La). Song riêng khu dinh thự Đèo Văn Long thì vẫn nguyên hiện trạng xuống cấp và ngày càng thêm hoang tàn, đổ nát.

Năm 1980, cùng với di tích nhà ngục Đồi Cao (thị xã Mường Lay hiện nay), di tích dinh Đèo Văn Long được UBND tỉnh Lai Châu ra quyết định xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh (theo Quyết định số 27/QĐ-VH ngày 04/01/1980 của UBND tỉnh Lai Châu - Quyết định do ông Phạm Hoàng Be, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu ký). Ngày 24/9/2002, bằng Quyết định số 58/2002/QĐ-UB của UBND tỉnh Lai Châu (cũ), một lần nữa di tích này được đưa vào danh sách: “Quy chế Bảo vệ di tích lịch sử, văn hoá và danh lam thắng cảnh tỉnh Lai Châu”. Chỉ tiếc là từ trước đấy nhiều chục năm, di tích nhà ngục Đồi Cao đã bị phá gần như bằng địa; còn di tích Đèo Văn Long hiện chỉ là một đống hoang phế, tàn tạ, cỏ dại um tùm, không một bức tường nào còn giữ được nguyên vẹn.

Một góc tường phế tích dinh thự Đèo Văn Long hiện nay
Một góc tường phế tích dinh thự Đèo Văn Long hiện nay

Theo ghi nhận của chúng tôi, một dạo, bức tường phía trước sân Trường Trung học Cơ sở Nậm Na bị đập một lỗ toang hoác, làm chỗ đổ rác của học sinh. Quả là một sáng kiến “chuyển đổi mục đích sử dụng” cấp... xã phường.

 Được biết cách đây hơn chục năm, UBND tỉnh Lai Châu đã có chủ trương phục chế dinh thự Đèo Văn Long, song vẫn còn gặp không ít khó khăn và phức tạp về nhiều mặt. Nhân chứng hiểu biết (và hiểu biết chính xác) về dinh thự còn lại quá ít và thậm chí, một số người vì những lý do gì đó mà không sẵn sàng hợp tác với cơ quan chuyên môn (?). 

Với trách nhiệm của mình, Sở Văn hoá - Thể thao & Du lịch Lai Châu sau nhiều nỗ lực, đã liên hệ được với một vài hậu duệ của Đèo Văn Long đang định cư­ tại Pháp. Qua đó, cơ quan này đã nhận được một số hình ảnh và thông tin liên quan đến thân thế, hoạt động của Đèo Văn Long cùng khu dinh thự họ Đèo. Tuy vậy, để trùng tu, khôi phục một khu dinh thự vốn “tan hoang” dấu vết như hiện trạng hôm nay, nguồn tài liệu để làm căn cứ như thế là quá mỏng, quá ít và nhất là tính khách quan của sự kiện lịch sử. 

Hậu quả là một khu di tích từng không dưới 2 lần được cơ quan thẩm quyền ra văn bản xếp hạng di tích lịch sử - kháng chiến, cuối cùng vẫn chỉ là những hạng mục xây dựng đổ vỡ, hoang phế, lau lách đìu hiu, một phần chìm sâu dưới nước như thể... thủy cung.

Tháng 4/2009, dự án phục chế dinh thự Đèo Văn Long kết thúc giai đoạn I, bao gồm khâu khảo sát và thu thập chứng cứ, hiện vật nhưng rồi buộc phải dừng lại từ đó cho đến tận hôm nay, vì những lý do bất khả kháng cả chủ quan lẫn khách quan. Đến thời điểm này  mọi cái còn đang ở phía trước, mênh mông như vô tận thời gian và cheo leo như ghềnh thác sông Đà vật vã chảy qua vạn triệu năm hoang vu bờ bãi...

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.