Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Không mượn nghi lễ thờ Mẫu để trục lợi – Ý kiến của chuyên gia

Minh Nhật - 15:23, 07/08/2024

Bên cạnh những mặt tích cực thì việc thực hành, quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, một số địa điểm tổ chức thờ Mẫu vẫn còn xảy ra những hiện tượng phản cảm, biến tướng sai lệch với bản chất của di sản. Nhiều tổ chức tham gia vào các hoạt động liên quan tới di sản nhưng mang nặng tính thương mại hay các nghi thức cúng bái bị bóp méo.

Một cảnh trong vở diễn Tứ Phủ
Một cảnh trong vở diễn Tứ Phủ

Theo Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch), nhận thức của công chúng, cộng đồng về Di sản văn hóa phi vật thể thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt còn hạn chế; hành lang pháp lý hướng dẫn, điều chỉnh hoạt động thực hành di sản còn thiếu và chưa cụ thể.

Tín ngưỡng thờ mẫu đang xa rời đời sống nông nghiệp

Tín ngưỡng thờ Mẫu là một tín ngưỡng mang tính chất tổng hợp, hình thành trong một thời gian dài và là sự kết hợp giữa nhiều vùng miền, từ nhiều câu chuyện truyền miệng. Có tới gần 70 vị thần được thờ trong tín ngưỡng thờ Mẫu. Chính vì vậy, tín ngưỡng thờ Mẫu không có kinh sách, giáo lý, không tư tưởng đồng nhất. Nghi thức lên đồng (hầu đồng) cũng không có chủ lễ mà do các thánh thần tự nhập vào ông đồng, bà cốt. Việc hầu đồng chủ yếu tự học hoặc truyền kinh nghiệm, mỗi đồng thầy có khi lại có một cách thức khác nhau.

Tín ngưỡng thờ Mẫu hình thành đáp ứng nhu cầu tâm linh sống dựa nhiều vào thiên nhiên của con người, nên qua hàng trăm năm thờ Mẫu đã trở thành nét đẹp văn hóa của dân tộc. "Tháng Tám giỗ cha, tháng ba giỗ mẹ" đã cho thấy được tín ngưỡng thờ Mẫu có vị trí quan trọng như thế nào trong đời sống tâm linh.

Nhưng dần dần, tín ngưỡng thờ Mẫu lại gắn với thương nghiệp, xa rời với người nông dân. Ngày nay, không khó để thấy trong các giá hầu đồng, người ta không cầu mưa thuận gió hòa nữa mà chuyển sang cầu lộc buôn, lộc bán, cầu tiền, thậm chí là lộc lô đề, cờ bạc.

Như đền ông Hoàng Bảy hay còn gọi là đền Bảo Hà ở huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, tích xưa kể lại ông Hoàng Bảy là thần vệ quốc, anh hùng miền sơn cước nhưng người ta đến đây lại xin lộc... lô đề, số má. Đền ông Hoàng Mười ở Nghệ An cũng vậy, ai cầu lộc buôn, lộc bán thì cứ đến đây. Bất cứ cầu gì đều có thể cầu xin thánh Mẫu, các vị quan hoàng... vượt ra khỏi tài năng thật của nhân vật lịch sử được thần thánh hóa.

Một buổi hầu đồng
Một buổi hầu đồng

Hiểu đúng về di sản văn hóa

Tháng 12/2016, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ được thế giới công nhận nhưng phải hiểu rõ đó là nghệ thuật trình diễn, tập quán xã hội, nghi lễ chứ không phải công nhận về tư tưởng. Việc nhiều ông đồng bà cốt thường bỏ đi hai chữ "thực hành" là để lợi dụng sự tôn vinh của thế giới vào các mục đích không trong sáng.

Các con nhang, đệ tử thường tâm niệm cầu gì được nấy, vì vậy, các đàn lễ dâng Mẫu không thiếu bất cứ cái gì từ dầu ăn, bột canh, mỳ tôm, gương lược, vàng mã, dao kéo, mũ mão, vàng mã... Rồi họ rải tiền khắp mọi nơi trong đền, phủ.

Đối với bất kỳ tôn giáo, tín ngưỡng nào, việc lập đàn lễ to hay nhỏ đều không thể hiện niềm tin nhiều hay ít, thánh thần cũng không dựa vào đó mà phù hộ hay không.

Bài trừ mê tín dị đoan

Chỉ trong phút chốc, đồng thầy từ người bình thường trở thành thánh thần và phán mọi thứ trên đời, con nhang đệ tử vỗ tay rào rào, cung văn nhạc trống linh đình để được thêm lộc. Mỗi cung văn sau một buổi hầu có thu nhập ít nhất là 5 triệu đồng, người nào nhiều có thể lên đến 15 – 20 triệu đồng.

Không ít lần hầu đồng, mở phủ tốn cả trăm triệu, thậm chí cả tiền tỉ, tiết kiệm nhất cũng rơi vào 50 – 60 triệu, một số tiền không nhỏ đối với những người lao động bình thường. Có những người kinh tế gia đình lao dốc vì mê mải theo hầu đồng. Họ được các đồng thầy báo cho có nhiều căn, phải hầu thường xuyên, sắm sửa quần áo liên tục, không còn thời gian lo cho gia đình. Chăm lo cho đời sống tâm linh đầy đủ nhưng chính đời sống thực tế lại chật vật, vay mượn khắp nơi, con cái nheo nhóc vì phải đi theo thầy.

Khi hầu đồng, ngoài các đồng thầy còn có cung văn hát dâng trong tiếng trống chiêng sáo nhị, các con nhang đệ tử cổ vũ rào rào nên tinh thần rất hưng phấn. Các đồng thầy thường sử dụng thuốc lá, rượu, thậm chí có người còn ăn rất ít trong vài ngày gần đó để tự làm cho tinh thần rơi vào trạng thái "phiêu", phán những lời không giống mọi ngày nói chuyện. Đây là điều kiện để đồng thầy cảm thấy "sung" ở khi hầu, nên yếu tố thánh thần giáng càng được mọi người tin.

Cảnh ban lộc
Cảnh ban lộc

Di sản thực hành tín ngưỡng

Theo thống kê hiện nay ở nước ta có khoảng gần 10.000 cơ sở thờ Mẫu, 215 đền, phủ; 920 cung, điện thờ Mẫu và hơn 1.000 điện thờ tư gia. Riêng TP. Hồ Chí Minh có khoảng trên 20 đền, điện thờ Mẫu và hơn 200 cơ sở thờ mẫu tư gia.

Cách đây không lâu, Cung Văn hóa Lao động TP. Hồ Chí Minh đã ra mắt chương trình sân khấu "Sắc màu thời gian", vở kịch "Đền thiêng" do đạo diễn NSND Hồng Vân, nghệ sĩ Hữu Nghĩa dàn dựng trình diễn sau buổi nói chuyện chuyên đề về đạo Mẫu trong đời sống hôm nay của Nghệ nhân Ưu tú Thanh Nhàn.

Bên cạnh những mặt tích cực thì việc thực hành, quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Di sản thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tại TP. Hồ Chí Minh, một số địa điểm tổ chức thờ Mẫu vẫn còn xảy ra những hiện tượng phản cảm, biến tướng sai lệch với bản chất của di sản. Nhiều tổ chức tham gia vào các hoạt động liên quan tới di sản nhưng mang nặng tính thương mại.

Nghệ nhân Ưu tú Huy Dự tâm tư: "Không riêng gì TP. Hồ Chí Minh, nhiều tỉnh, thành đã xuất hiện những biến tướng như tổ chức hầu đồng ở khu vực công cộng, không gian tâm linh; sử dụng nhiều vàng mã, tiền và đồ lễ đắt tiền để chia, phát lộc trong lễ hầu đồng; có hiện tượng lợi dụng hầu đồng, lợi dụng niềm tin của người dân để trục lợi".

"Việc cho phép đạo Mẫu biểu diễn tại các chợ, phòng trà, quán ăn… cần phải được xem lại, cần kiên quyết bài trừ những biểu hiện mê tín dị đoan, lệch lạc, thương mại hóa trong quá trình thực hiện tín ngưỡng Mẫu" - Nghệ nhân Ưu tú Hoài Anh nêu ý kiến.

Các nghệ nhân gắn bó với nghi thức thờ Mẫu luôn nỗ lực gìn giữ sự chuẩn mực của di sản văn hóa được thế giới công nhận (Ảnh: CỤC DI SẢN VĂN HÓA)
Các nghệ nhân gắn bó với nghi thức thờ Mẫu luôn nỗ lực gìn giữ sự chuẩn mực của di sản văn hóa được thế giới công nhận (Ảnh: CỤC DI SẢN VĂN HÓA)

Phát huy giá trị di sản

Nhà phê bình nghệ thuật học - PGS. TS Nguyễn Thị Minh Thái cho rằng để chấn chỉnh những bất cập trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, cần tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao năng lực quản lý nhà nước đối với di sản cho cán bộ làm văn hóa các cấp; hướng dẫn về cách thức quản lý nhà nước đối với thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu. "Cần quy định trách nhiệm của người đại diện cơ sở thờ Mẫu và tổ chức thực hành nghi lễ thờ Mẫu, đồng thời có phạt thì phải có thưởng. Cần vinh danh, khen thưởng, động viên và khuyến khích nghệ nhân, người thực hành di sản, người có công bảo vệ và phát huy giá trị di sản" - PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái đề xuất.

Nghệ nhân Ưu tú Đặng Ngọc Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, bày tỏ: "Sức mạnh và ý nghĩa của tín ngưỡng thờ Mẫu chính là thể hiện truyền thống yêu nước, uống nước nhớ nguồn, đáp ứng nhu cầu và khát vọng trong đời sống thường nhật của con người về sức khỏe, bình an và thành đạt".

PGS-TS Lê Văn Toàn, nguyên Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, thành viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, nhìn nhận: "Ngoài tâm huyết của các nghệ nhân, cần xem xét cho phép thành lập hội, hiệp hội về tín ngưỡng thờ Mẫu để chuẩn hóa các hoạt động này, tạo sức mạnh liên kết của cộng đồng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị của di sản".

Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu là một nghệ thuật trình diễn độc đáo nhưng lợi dụng niềm tin của người khác, gạ gẫm họ hầu đồng mở phủ để trục lợi làm nguồn sống chủ yếu là hành vi trái pháp luật. Để không bị sa đà vào mê tín dị đoan khi thực hành tín ngưỡng thờ mẫu, con nhang đệ tử cần trang bị cho mình kiến thức về lịch sử và sự hình thành của tín ngưỡng và các nhân vật lịch sử để hiểu đúng hơn về bản chất, nét đẹp tín ngưỡng, không hao tốn tiền của. Chính quyền địa phương, Ban quản lý các di tích cần tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động lên đồng tại các đền phủ trong phạm vi quản lý.

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.