Trước nguy cơ nghi lễ này bị biến tướng, mai một theo thời gian, ngành Văn hóa tỉnh Nam Định đang triển khai nhiều phương án để bảo tồn, lưu giữ và phát huy những giá trị đặc sắc của nghi lễ.
Nghi lễ Chầu văn còn được gọi là hát văn - hầu đồng, một nghi lễ quan trọng ra đời, phát triển gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu và thờ Đức Thánh Trần. Nghi lễ do cộng đồng sáng tạo và được thực hành, trình diễn trong không gian thiêng tại các di tích. Tỉnh Nam Định được coi là trung tâm của tín ngưỡng thờ Mẫu, nơi nghi lễ Chầu văn được bảo tồn và phát triển với chủ thể là Quần thể di tích Phủ Dầy gồm 20 di tích lớn, nhỏ tại xã Kim Thái, huyện Vụ Bản.
Trong quá trình thực hành, nghi lễ Chầu văn có sự kết hợp chặt chẽ giữa các đối tượng: Thanh đồng (người hầu thánh), cung văn (người hát các bài văn), nhạc công (người chơi nhạc phối hợp cùng các điệu múa của thanh đồng và lời của người hát văn), người hầu dâng (người giúp việc cho thanh đồng trong quá trình hầu thánh) và các con nhang, đệ tử.
Trong nghi lễ Chầu văn, trước mỗi vấn hầu, những người thực hành phải chuẩn bị lễ vật, đạo cụ phù hợp với từng giá hầu, phản ánh tính cách của từng vị thánh được hầu. Trang phục của người trình diễn trong nghi lễ Chầu văn rất phong phú, đa dạng, thể hiện bản sắc của từng vùng, miền. Qua việc thực hành nghi lễ Chầu văn sẽ giúp người xem hiểu biết hơn về văn hóa của các dân tộc thông qua trang phục, nhạc cụ, lời hát, đồ lễ...
Quá trình thực hành nghi lễ Chầu văn, cùng với các hình thức biểu đạt thông qua các động tác múa, âm nhạc, mỗi bài hát văn thường tương ứng với một vị thánh, lời bài hát văn sẽ nhắc lại sự tích và ca ngợi công đức của những nhân vật lịch sử có công với dân, với nước. Do đó, việc bảo tồn và phát triển loại hình di sản này cũng là cách giáo dục lịch sử, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc.
Với giá trị nghệ thuật độc đáo, sức sống lâu bền trong đời sống văn hóa, năm 2012, nghi lễ Chầu văn đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, nghi lễ này đang bị thương mại hóa, những đặc trưng giá trị của nghệ thuật hát văn đang đứng trước nguy cơ mai một và biến tướng.
Theo bà Trần Kim Huệ, Thủ nhang Phủ Tiên Hương (xã Kim Thái, huyện Vụ Bản), những năm gần đây, nghi lễ Chầu văn đang bị biến tướng, lệch lạc, biểu hiện qua việc một số thanh đồng ăn mặc trang phục không đúng chuẩn mực; biểu diễn hát Chầu văn tại nơi công cộng, đám cưới, quán cà phê; các giá hầu chi phí quá cao… làm mất đi bản sắc vốn có của di sản.
Để góp phần định hướng, bảo tồn và gìn giữ những giá trị nghệ thuật hát văn, Thủ nhang Phủ Tiên Hương cho rằng, trước hết các nghệ nhân, ông, bà đồng phải gương mẫu, thực hành nghi lễ phải chuẩn mực giữ đúng tập tục xưa; đồng thời các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần tăng cường kiểm tra, nhắc nhở để kịp thời chấn chỉnh những biểu hiện sai lệch.
Hiện nay, tỉnh Nam Định có khoảng 500 người trực tiếp tham gia thực hành nghi lễ Chầu văn gồm các thanh đồng, cung văn, nhạc công… Để bảo tồn và phát triển loại hình di sản độc đáo này, những năm qua, tỉnh đã duy trì nhiều câu lạc bộ, tổ, đội hát văn ở các địa phương như: Câu lạc bộ bảo tồn nghệ thuật Chầu văn Nam Định, Câu lạc bộ hát văn Hành Thiện, Câu lạc bộ thơ ca Mỹ Trung, Đoàn nghệ thuật dân ca Hương Quê, Câu lạc bộ thơ ca huyện Hải Hậu...
Anh Vũ Anh Tú, Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát Chầu văn xã Kim Thái, huyện Vụ Bản cho biết, hiện câu lạc bộ có trên 30 thành viên là những người hát văn dân gian chuyên nghiệp, nghiệp dư; những người thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu và những người yêu thích nghệ thuật Chầu văn. Câu lạc bộ thường xuyên duy trì tập luyện, giao lưu để giữ gìn, phát huy giá trị vốn có của môn nghệ thuật này, góp phần đưa vẻ đẹp của hát văn và nghi lễ hầu đồng đến gần hơn với cộng đồng.
Nhiều năm qua, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định phối hợp cùng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức nhiều hoạt động giáo dục ngoại khóa tại Bảo tàng tỉnh để tìm hiểu về nghi lễ Chầu văn, như: Tổ chức cho học sinh tham quan quần thể di tích lịch sử - văn hóa Phủ Dầy và khu di tích lịch sử, văn hóa Đền Trần; tổ chức hội thảo, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề… Trong đó, đặc biệt quan tâm đến việc quảng bá nét đẹp của nghi lễ Chầu văn và thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ tới học sinh.
Ông Nguyễn Văn Thư, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nam Định, Chủ tịch Hội Di sản tín ngưỡng thờ Mẫu tỉnh cho rằng, để bảo vệ và phát huy giá trị của di sản, cần có sự gắn kết chặt chẽ giữa các cấp chính quyền địa phương với cộng đồng, đặc biệt là những người trực tiếp quản lý di tích và thực hành tín ngưỡng. Ngành chức năng tăng cường tập huấn cho cán bộ làm công tác văn hóa ở cơ sở; có cơ chế quản lý, kiểm tra để chấn chỉnh những lệch lạc.