Hai năm trước, chị Hoàng Thị Hiên, xã Thanh An, huyện Điện Biên vinh dự là 1 trong 20 phụ nữ tiêu biểu toàn quốc được Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam tôn vinh tại Ngày hội khởi nghiệp với ý tưởng “Sản xuất và chế biến gạo Tám Ðiện Biên theo chuỗi liên kết”. Chị Hiên tâm sự: Cũng bởi bản thân đam mê với nghề nông nên năm 2015 chị bất ngờ bỏ việc có thu nhập khá cao ở một doanh nghiệp xây dựng, về “nối duyên” với nghề nông từ hai bàn tay trắng. Từ đây chị thành lập Công ty TNHH Thực phẩm SafeGreen cung cấp các loại rau, củ, quả, trái cây an toàn vệ sinh thực phẩm.
Thực hiện ước nguyện “Sản xuất và chế biến gạo Tám Ðiện Biên theo chuỗi liên kết” chị gặp không ít khó khăn, nhất là về vốn. Tuy nhiên, với kiến thức, kinh nghiệm và ý chí bản thân đã giúp chị Hiên vượt qua những thất bại để có thành công như hôm nay… Sản phẩm “Gạo Tám Nàng Hiên” nhanh chóng phát triển tại thị trường trong và ngoài tỉnh, được người tiêu dùng đánh giá cao và ưu tiên sử dụng.
Bỏ ngoài tai định kiến phụ nữ xưa, chị Mùa Thị Mỷ, dân tộc Mông (xã Mường Toong, huyện Mường Nhé) không cam chịu đói nghèo. Chị ấp ủ ý tưởng và quyết tâm mở Shop chuyên may trang phục dân tộc Mông. Theo chị Mỷ, ngoài giữ gìn nét văn hóa trang phục dân tộc còn phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân, khách du lịch mỗi khi tới thăm mảnh đất biên cương Mường Nhé.
Với nhiều loại trang phục, mẫu mã đẹp như: Quần áo, đồ trang sức, vòng cổ, hoa tai, dây lưng... chất liệu vải và các phụ kiện trang trí, Shop là điểm đến mua sắm của nhiều anh, chị em người dân tộc Mông trong huyện và tỉnh. Ngoài ra, thông qua mạng xã hội (Facebook, Youtube, Zalo...) nhiều khách hàng tiềm năng cũng tìm hiểu và mua sắm Online. Mỗi năm Shop may 200 - 300 bộ trang phục, giá trung bình 1,5 - 2,5 triệu đồng/bộ, doanh thu đạt 300 - 400 triệu đồng, tạo việc làm ổn định cho 5 - 7 lao động nữ địa phương.
Khẳng định vai trò, vị thế trong xã hội
Bà Vừ Đào My, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Ðiện Biên cho biết: Qua nhiệm kỳ đại hội Đảng các cấp cho thấy, tỷ lệ nữ giới tham gia vào bộ máy chính quyền, hệ thống chính trị các cấp không chỉ tăng về số lượng mà ngày càng được trẻ hóa với trình độ chuyên môn, năng lực cao. Quá trính công tác được quần chúng Nhân dân và cấp ủy đảng ghi nhận. Nhận thức, tư duy của chị em phụ nữ, đặc biệt là tại địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới không chỉ nâng lên mà vai trò, vị trí của phụ nữ cũng được khẳng định chắc chắn.
Dù không tham gia công tác, đảm nhiệm các chức danh trong hệ thống chính trị, chính quyền nhưng nhiều chị em dân tộc thiểu số vẫn khẳng định được vai trò, vị thế của mình thông qua vai trò nòng cốt gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống; kết nối chị em, phát triển phong trào hội; hay đơn giản là người mẹ, người vợ, người hội viên mẫu mực, tích cực... Đơn cử như chị Lỳ Cố Sứ, dân tộc Si La, hội viên Chi hội Phụ nữ bản Nậm Sin, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé luôn tích cực tuyên truyền giáo dục, vận động chị em và Nhân dân trong bản thực hiện tốt chủ trương đường lối của Ðảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; chính sách Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, phát triển kinh tế… Chị Sứ vinh dự là 1 trong 3 hội viên phụ nữ cơ sở điển hình của tỉnh Điện Biên tham dự Ðại hội Thi đua yêu nước Trung ương Hội LHPN Việt Nam lần thứ IV, năm 2020.