Ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3) năm nay có chủ đề: “Phụ nữ lãnh đạo: Đạt được tương lai bình đẳng trong một thế giới COVID-19”, nhằm tôn vinh những nỗ lực to lớn của phụ nữ và trẻ em gái trên khắp thế giới trong việc hình thành một tương lai bình đẳng hơn và phục hồi từ đại dịch COVID-19.
Theo Liên hợp quốc, sự tham gia và lãnh đạo đầy đủ, hiệu quả của phụ nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống góp phần thúc đẩy sự tiến bộ của con người. Tuy nhiên, sự hiện diện của phụ nữ trong việc đưa ra các quyết định vẫn còn khiêm tốn, như trong một báo cáo của Tổng Thư ký Liên hợp quốc mới đây. Số liệu cho thấy, chỉ ở 22 quốc gia, phụ nữ là người đứng đầu Nhà nước hoặc Chính phủ. Với tốc độ tiến bộ như hiện nay, bình đẳng giới giữa những người đứng đầu Chính phủ sẽ mất 130 năm nữa mới có thể đạt được.
Trong khi đó, trong một báo cáo mới nhất về Phụ nữ trong quốc hội, Tổng thư ký Liên minh nghị viện thế giới (IPU) Martin Chungong cho biết: “Tôi rất vui được thông báo rằng lần đầu tiên phụ nữ chiếm hơn 1/4 số đại biểu quốc hội trên toàn thế giới. Tỷ lệ trung bình toàn cầu của phụ nữ trong quốc hội hiện đã đạt 25,5%”.
Tuy nhiên, ông Martin Chungong cũng cho rằng: “Trong khi chúng ta vui mừng và hoan nghênh mức cao nhất mọi thời đại này, chúng ta cũng cảm thấy rằng sự tiến bộ đang diễn ra một cách từ từ, hoặc thậm chí là chậm chạp. Với tốc độ hiện nay, phải mất 50 năm nữa chúng ta mới có thể đạt được bình đẳng giới trong quốc hội. Và tất nhiên, tất cả chúng ta đều đồng ý rằng điều này không thể biện hộ được, không thể chấp nhận được”. Theo Tổng thư ký IPU, “khi phụ nữ tham gia vào việc xây dựng luật về các vấn đề cụ thể, kết quả sẽ tốt hơn về mặt chăm sóc sức khỏe, về cách thức mà các quốc hội đang hoạt động, khiến các quốc hội trở nên nhạy cảm hơn về giới”.
Phụ nữ cũng là những người đi đầu trong công cuộc chiến đấu với đại dịch COVID-19, với tư cách là những nhân viên y tế, những nhà khoa học, bác sỹ, điều dưỡng,… nhưng họ được trả lương thấp hơn nam giới trong cùng lĩnh vực 11%.
Bên cạnh đó, báo cáo mới nhất của Liên minh châu Âu (EU) về bình đẳng giới cho thấy, đại dịch COVID-19 "đã làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng giới trong hầu hết các lĩnh vực của cuộc sống”. Ngoài gánh nặng chăm sóc trẻ gia tăng do các trường học và nhà trẻ đóng cửa, phụ nữ cũng phải làm những công việc được trả lương thấp trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất của lệnh phong tỏa, khiến họ có nguy cơ thất nghiệp cao hơn. Các tác giả báo cáo nhận định có thể "mất nhiều năm, hoặc thậm chí nhiều thập kỷ" để vượt qua những bước thụt lùi trong bình đẳng giới do đại dịch COVID-19 gây ra.
Đó là những lý do tại sao Ngày Quốc tế Phụ nữ năm nay như một lời kêu gọi cho bình đẳng giới và việc cần thiết phải hành động vì một tương lai bình đẳng.
Bà Phumzile Mlambo-Ngcuka – Giám đốc điều hành của Cơ quan Liên hợp quốc về phụ nữ (UN Women) cho biết: Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 diễn ra trong một thời điểm khó khăn của thế giới khi phải gồng mình chiến đấu với đại dịch COVID-19, nhưng đây cũng là thời điểm hoàn hảo để đấu tranh cho phụ nữ trong vấn đề bình đẳng giới và quyền con người.
Theo bà, không có quốc gia nào thịnh vượng nếu không có sự tham gia của phụ nữ. Phụ nữ cần hiện diện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống, bao gồm: văn hóa, xã hội, kinh tế, chính trị… Đây là cách duy nhất để có được sự thay đổi xã hội thực sự./.