Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Không chủ quan với bệnh tay- chân- miệng

Đông Hưng-Anh Lê - 14:44, 02/04/2021

Hiện nay, nhiều tỉnh, thành khu vực Nam Trung Bộ liên tục gia tăng các ca bệnh tay - chân - miệng, nhiều ca nhập viện trong tình trạng chuyển biến nặng, khó điều trị.... Nguyên nhân được xác định do thời tiết diễn biến bất thường, bên cạnh đó, một bộ phận người dân còn chủ quan, lơ là trong công tác phòng bệnh

Phòng nội trú dành cho bệnh nhi bị tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi Đồng đông kín. Ảnh: Hiếu Nguyễn
Phòng nội trú dành cho bệnh nhi bị tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi Đồng đông kín. Ảnh: Hiếu Nguyễn

Gia tăng các ca bệnh tay- chân- miệng

Hiện nay bệnh tay- chân- miệng diễn biến phức tạp ở Bình Định, những ngày vừa qua, ngành Y tế của tỉnh liên tục tổ chức các đội tuyên truyền lưu động đến tận những địa bàn có nguy cơ phát sinh ổ dịch để phổ biến các biện pháp phòng, tránh. Tuy nhiên, số ca mắc vẫn xuất hiện nhiều.

Bà Nguyễn Thị Lành ở Vân Canh (Bình Định) cho biết: Người lớn hay đi làm rẫy xa, khi thấy con em bị ốm thường tự mua thuốc điều trị. Vậy nên có cháu biến chứng nặng mới đưa đến cơ sở y tế, lúc đó chữa trị khó hơn, ảnh hưởng đến sức khỏe các cháu.

Báo cáo của Sở Y tế Bình Định cho thấy, chỉ tính từ ngày 18 đến 24/3 đã phát hiện 40 ca mắc bệnh tay-chân- miệng tại địa bàn 8 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh. Đã ghi nhận 1 trường hợp trẻ tử vong nghi do bệnh tay- chân-miệng, đó là bệnh nhi 19 tháng tuổi ở huyện Phù Cát. Ca bệnh này được chẩn đoán nhiễm bệnh tay-chân- miệng độ 4, bội nhiễm, biến chứng suy hô hấp nặng.

Tại tỉnh Đồng Nai, từ đầu năm đến tháng 3/2021 là 1.043 trường hợp, tăng 2,58 lần so với cùng kỳ năm 2020; riêng trong tháng 3/2021 đã có 300 ca mắc bệnh tay- chân-miệng. Cũng trong tháng 3/2021, ngành Y tế tỉnh Đồng Nai đã phát hiện và xử lý 43/43 ổ dịch. Tuy chưa ghi nhận ca tử vong nhưng tình hình dịch bệnh diễn biến khá phức tạp, nên mỗi người dân cần tuân thủ tốt các quy định phòng bệnh.

Chú trọng vệ sinh cho trẻ để phòng ngừa bệnh chân- tay- miệng (ảnh CDC Bình Định)
Chú trọng vệ sinh cho trẻ để phòng ngừa bệnh tay- chân-miệng (ảnh CDC Bình Định)

Tăng cường các biện pháp phòng ngừa

Theo ghi nhận của Bệnh viện Nhi đồng 1 và Bệnh viện Nhi đồng 2, vài tuần trở lại đây, các ca bệnh tay-chân- miệng nhập viện gia tăng, không chỉ ở TP. Hồ Chí Minh mà còn nhiều tỉnh lân cận. Nhiều bệnh nhân cấp cứu ở độ 3 (trẻ có biến chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp nặng).

Chị Nguyễn Thị H. đang chăm con gần 2 tuổi tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP. Hồ Chí Minh) cho biết: Gia đình chị ở trọ gần khu công nghiệp. Khi con bị phát ban, quấy khóc, chị thường chỉ xoa dầu, cho uống thuốc vì nghĩ muỗi đốt rồi sẽ tự khỏi. Khi các vết đỏ lan khắp tay, chân… cháu không ăn được thì gia đình mới đưa đến cơ sở y tế và phải vào phòng cấp cứu.

Hay như Chị Lê Thu Thủy làm nghề lao động tự do ở TP. Thủ Đức cho biết, thấy con quấy khóc, niêm mạc miệng phồng lên, bàn tay và chân nổi đỏ nhưng cứ nghĩ do nhiệt miệng, bị dị ứng da nên tự tắm thuốc lá. Khi bệnh chuyển biến nặng mới đưa con đến viện khám thì phải vào phòng cấp cứu.

Các triệu chứng bệnh tay-chân-miệng
Các triệu chứng của bệnh tay-chân-miệng

Theo đánh giá của Bác sĩ Nguyễn Trần Nam, Trưởng khoa Nhiễm (Bệnh viện Nhi đồng TP. Hồ Chí Minh) thì, từ tháng 3 đến tháng 5 thường là thời kỳ cao điểm của bệnh tay-chân-miệng, cần đẩy mạnh công tác phòng ngừa. Đây là bệnh dễ lây lan, chủ yếu qua đường tiêu hóa, chưa có vắc xin nên mỗi gia đình cần tăng cường vệ sinh thường xuyên cho trẻ và môi trường sống xung quanh.

Phụ huynh, giáo viên khi chăm sóc trẻ cần chú ý rửa tay cho trẻ trước khi cho ăn, uống, đi vệ sinh hoặc sau khi thay tã. Làm sạch môi trường và các vật dụng dễ bị ô nhiễm như đồ chơi, bàn nghế, tay nắm cửa,... Khi trẻ mắc bệnh, tạm thời không cho trẻ đi mẫu giáo, nhà trẻ, hoặc đến những nơi đông người. Khi có dấu hiệu bị bệnh tay-chân-miệng, cần phải đến ngay cơ sở y tế khám để được điều trị.