Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Khởi sắc vùng đồng bào dân tộc Khmer

Phương Nghi - 09:37, 17/02/2020

Cầu Kè là huyện có đông đồng bào dân tộc Khmer của tỉnh Trà Vinh (chiếm 32,76%). Những năm qua, Cầu Kè đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển toàn diện trong vùng đồng bào DTTS, đặc biệt là triển khai thực hiện kịp thời các chính sách ưu đãi về hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, chuyển đổi, đào tạo nghề... Qua đó, đã giúp không ít hộ đồng bào dân tộc Khmer có điều kiện phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống.

Hệ thống giao thông trong vùng đồng bào dân tộc Khmer huyện Cầu Kè được đầu tư xây dựng khá hoàn chỉnh.
Hệ thống giao thông trong vùng đồng bào dân tộc Khmer huyện Cầu Kè được đầu tư xây dựng khá hoàn chỉnh

Anh Hiệu Thanh Tùng, ở ấp Trà Bôn, xã Châu Điền, Cầu Kè là một trong những hộ Khmer nghèo được xét hỗ trợ mua đất ở theo Quyết định 29 của Thủ tướng Chính phủ cho biết: “Trước đây gia đình nghèo, không đất sản xuất, đất ở, cuộc sống phụ thuộc vào công việc làm thuê của hai vợ chồng. Năm 2017, tôi được xét hỗ trợ 30 triệu đồng để mua đất ở theo Quyết định 29 của Thủ tướng Chính phủ, năm 2018 tiếp tục được hỗ trợ cho vay 25 triệu đồng theo Quyết định 33 của Thủ tướng Chính phủ để cất nhà ở. Từ sự hỗ trợ tích cực của Đảng, Nhà nước mà đến nay gia đình tôi cơ bản đã vượt qua khó khăn, cố gắng làm ăn cho thoát nghèo”.

Còn gia đình ông Thạch Ương, ở ấp 3, xã Phong Phú vừa được xét hỗ trợ cho vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Với số tiền vay được, ông dùng một phần để xây dựng nhà ở, số dư còn lại dùng để đầu tư chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình. Đây có thể được xem là điều kiện tốt nhất để giúp gia đình ông Thạch Ương vượt qua những năm tháng nghèo khổ để vươn lên thoát nghèo bền vững.

Ông Thạch Ương vui mừng nói: “Lúc trước nhà sập xệ muốn sập, nhờ Nhà nước hỗ trợ cho vay cất cái nhà, tôi cũng cố gắng làm trước Tết. Năm nay gia đình đón Tết vui vẻ. Còn một số vốn tôi chăn nuôi bò để có vốn hoàn trả cho Nhà nước. Tôi cũng cố gắng vươn lên thoát nghèo bền vững sau này”.

Theo ông Thạch Buôl Nát, Trưởng phòng Dân tộc huyện Cầu Kè: 5 năm qua (2014 - 2019), Cầu Kè thực hiện Quyết định 29 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ đất ở đã xét hỗ trợ cho 126 hộ; hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho trên 740 hộ theo Quyết định 2085 của Thủ tướng Chính phủ; hỗ trợ trực tiếp cho 1.237 hộ theo Quyết định 102 của Thủ tướng Chính phủ; tạo điều kiện cho 126 hộ Khmer nghèo vay vốn xây dựng nhà ở theo Quyết định 33 của Thủ tướng Chính phủ; triển khai thực hiện 10 dự án hỗ trợ sản xuất cho đồng bào dân tộc Khmer nghèo ở các ấp ĐBKK; đầu tư xây dựng 8 công trình giao thông nông thôn và 2 nhà sinh hoạt cộng đồng ở vùng có đồng bào dân tộc Khmer, với tổng kinh phí thực hiện trên 12 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tỉnh Trà Vinh phân bổ kinh phí trên 1 tỷ đồng hỗ trợ cho 23 hộ Khmer ở xã Châu Điền và Thông Hòa vay ưu đãi để phát triển kinh tế gia đình.

“Sự hỗ trợ tích cực của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương đã góp phần làm cho đời sống vật chất tinh thần, bộ mặt nông thôn trong vùng đồng bào dân tộc Khmer ở huyện Cầu Kè không ngừng khởi sắc, góp phần đưa thu nhập bình quân đầu người đến nay đạt gần 45 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo được kéo giảm xuống còn 530 hộ, (chiếm 4,65%), hơn 99% hộ DTTS sử dụng điện, trên 98% hộ sử dụng nước hợp vệ sinh”, ông Thạch Buôl Nát nói.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.