Theo những tài liệu nghiên cứu dân tộc học, y phục truyền thống của người Chơ Ro gồm có váy dành cho nữ; khố dành cho nam giới. Váy và khố được dệt từ sợi bông hoặc được làm bằng vỏ cây. Người Chơ Ro chỉ mặc khố hoặc váy, để ngực trần, chỉ trừ những khi trời quá lạnh thì có thêm áo chui đầu buộc dây.
Ngoài trang phục chính, người Chơ Ro còn trang sức bằng nhiều hình thức khác như vòng kiềng, vòng cườm, căng tai bằng gỗ hoặc ngà voi, dây thổ cẩm cuốn quanh trán cho các chàng trai trẻ, khăn bịt đầu cho đàn ông trưởng thành...
Trang phục của người Chơ Ro bắt đầu bị mai một vào khoảng những năm 50 thế kỷ trước. Trong quá trình định cư ở gần người Kinh, phụ nữ Chơ Ro không còn để ngực trần, đàn ông bỏ khố để mặc quần đùi, áo gilet kiểu người Pháp. Cho đến năm 1960, phụ nữ Chơ Ro đã quen với áo bà ba, quần đen. Trang phục truyền thống chỉ được may và mặc ở những dịp lễ hội.
Theo thời gian, phần lớn người Chơ Ro đã mặc hoàn toàn giống với người Kinh. Chỉ còn vài gia đình giữ được đôi ba chiếc váy truyền thống nhưng đều đã cũ, rách. Trong các ngày lễ hội truyền thống hoặc trong những hội diễn liên hoan văn nghệ, đồng bào Chơ Ro chỉ còn mặc những bộ trang phục được mua về từ Tây Nguyên.
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu hiện có hơn 9.000 người Chơ Ro, sinh sống tập trung ở xã Bàu Lâm (huyện Xuyên Mộc); thị trấn Ngãi Giao, các xã: Bàu Chinh, Kim Long, Bình Giã (huyện Châu Đức); xã Châu Pha và xã Hắc Dịch (huyện Tân Thành). Hiện nay, để tìm lại trang phục nguyên gốc của người Chơ Ro là rất khó, bởi ngay cả những người cao tuổi nhất trong cộng đồng cũng không còn ai lưu giữ được trang phục truyền thống của cha ông mình.
Khôi phục trang phục truyền thống cho thế hệ trẻ
Ông Nguyễn Hùng, Chủ nhiệm Nhà văn hóa dân tộc Bàu Chinh (huyện Châu Đức) cho biết, khi gặp các già làng để tìm hiểu trang phục truyền thống, mỗi người mô tả lại mỗi cách khác nhau nên mới có tình trạng mỗi vùng dân tộc Chơ Ro sử dụng trang phục khác nhau.
“Chính vì sự chưa thống nhất này nên trong công tác sưu tầm, phục chế các giá trị văn hoá Chơ Ro, chúng tôi vẫn băn khoăn vì chưa tìm được trang phục chính thống của đồng bào”, ông Đỗ Đình Quốc, Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho hay.
Theo một số nhà nghiên cứu, trên cơ sở khảo sát, điều tra, điền dã kết hợp phỏng vấn, so sánh, đối chiếu… đưa ra các dẫn chứng rằng, người Chơ Ro thuở xưa có kỹ thuật dệt vải giống như nhiều dân tộc ở khu vực nam Tây Nguyên. Điều này chứng tỏ, người Chơ Ro có trang phục cổ truyền riêng của dân tộc mình. Thế nhưng, do chiến tranh loạn lạc, họ sống rải rác thành từng nhóm nhỏ xen cư với người Kinh, lại liên tục di chuyển chỗ ở nên không còn lưu giữ được trang phục dân tộc.
Trong đề tài khoa học “Nghiên cứu và phục chế trang phục truyền thống của người Chơ Ro”, ông Trần Tấn Vĩnh, nguyên Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đưa ra một đề xuất độc đáo: Phục chế trang phục Chơ Ro làm đồng phục cho các học sinh Trường Dân tộc Nội trú tỉnh, giúp các em kế tục, giữ gìn di sản văn hóa của dân tộc mình trong sinh hoạt hàng ngày.
Những phác thảo đầu tiên gồm 12 mẫu đã được “cách tân”. Chẳng hạn chiếc váy dành cho nữ đã trở thành chiếc váy kín cùng áo tay lỡ mang dáng dấp của chiếc áo chui đầu ngày xưa. Trang trí trên cổ, vai, tay, ngực và thân áo là các dải hoa văn truyền thống của người Chơ Ro. Có khi trên ngực còn gắn kèm những tua chỉ màu vốn trước kia đã từng được trang trí dọc váy. Ngoài ra, còn có váy dành cho lễ hội với trang trí cầu kỳ hơn.
Với nam sinh, các mẫu đều kết hợp quần dài và khố đi cùng với nhiều kiểu áo từ không tay đến tay dài. Ngoài ra, trong Đề án thiết kế mẫu trang phục Chơ Ro còn có 2 mẫu cho người trung niên, một số mẫu túi thổ cẩm…
Với những cố gắng tìm tòi của Đoàn nghiên cứu, sự hỗ trợ của các đồng nghiệp, tấm thổ cẩm Chơ Ro mang sắc màu truyền thống tiếp tục được khôi phục và phát triển.
BẰNG GIANG