Trong đó, ngoài mô hình chăn nuôi bò, heo, trâu, các huyện còn được chỉ rõ một số mô hình đặc trưng như cây chè ở Minh Long; cá tầm ở Sơn Tây; hành, tỏi ở Lý Sơn...
Theo đó, đối với những vùng đồng bằng, trung du của tỉnh Quảng Ngãi, người dân đã và đang sản xuất ra nhiều loại sản phẩm, nhưng chưa có cơ hội để phát triển thành sản phẩm hàng hóa thì rất vui mừng với chủ trương. Minh chứng như, vùng trồng cây ăn trái Nghĩa Hành, hiện tại người dân nhiều xã đã xác định cây chôm chôm, sầu riêng là “sản phẩm địa phương” để có giải pháp nỗ lực nâng cao chất lượng, mở rộng diện tích, tăng sản lượng, người dân chờ đợi cú huých từ đề án nâng lên thành sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Hay như tại huyện đảo Lý Sơn, lâu nay hành, tỏi là sản phẩm nổi tiếng cả nước. Sau khi xác định lại “sản phẩm địa phương” sẽ có chiến lược bảo tồn, phát triển đúng hướng, giữ vững niềm tin tiêu dùng trong cộng đồng. Hiện nay, Lý Sơn có gần 300ha diện tích trồng hành, tỏi, sản lượng bình quân hằng năm đạt khoảng 1.650 tấn.
Ông Võ Trí Điền ở thôn Đông, xã An Vĩnh, Lý Sơn cho biết: “Người dân ở đây biết đến nghề trồng tỏi từ đầu những năm 60. Trước đây, hành tỏi chỉ trồng ở vườn nhà với diện tích nhỏ lẻ. Sau này, hành, tỏi theo ngư dân vào đất liền và được người dân ưa chuộng. Do được trồng trên cát nên hành, tỏi Lý Sơn có mùi hương đặc trưng, vị cay lạ không nơi nào có được.
Tương tự, với huyện miền núi Sơn Hà, sau khi có chủ trương xây dựng Đề án “mỗi xã một sản phẩm”, UBND huyện đã mở diễn đàn tiếp thu ý kiến của đông đảo người dân để xác định đúng, trúng sản phẩm. Ông Phùng Tô Long, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà cho biết: “Khi các xã xác định sản phẩm, có thể nhiều xã cùng chọn một sản phẩm. Khi ấy huyện sẽ tập hợp lại và tổ chức theo cách “sản phẩm liên xã”. Địa phương rất hy vọng Đề án sẽ tạo cú huých thực sự cho phát triển kinh tế nông thôn”.
Ngược lại, vẫn còn nhiều địa phương vẫn đang loay hoay xác định sản phẩm đặc trưng và tìm hướng phát triển. Do điều kiện thời tiết khắc nghiệt, sản phẩm địa phương của Quảng Ngãi phụ thuộc rất lớn vào mùa vụ. Nhiều mặt hàng là sản phẩm đặc trưng của địa phương nhưng lại chỉ kéo dài chừng vài ba tháng, nên để phát triển thành sản phẩm tiêu biểu, có thể giới thiệu, quảng bá, phát triển thành sản phẩm hàng hóa là điều không thể.
Ngoài ra, với các vùng đồng bào DTTS, nhiều sản vật khi được phát hiện đã bị tư thương tranh mua, tranh bán, dẫn đến khai thác tận diệt, có nguy cơ cạn kiệt. Đơn cử như huyện Sơn Tây, sau khi sâm cau được phát hiện, khai thác để ngâm rượu thì ồ ạt tư thương quảng bá “giá trị sâm cau” và đến tận các làng đặt cọc tiền để người dân lên rừng khai thác về bán cho họ, khiến sâm cau ở huyện này đang cạn kiệt. Muốn biến sản phẩm này thành “sản phẩm đặc trưng” thì cần phải đầu tư, quy hoạch lại, tốn nhiều thời gian và công sức.
Ông Trần Ngọc Căng, Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi chia sẻ: Việc xây dựng Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” là cần thiết, nhằm khơi dậy tinh thần “khởi nghiệp” của đội ngũ nông dân hiện nay. Một khi cuộc sống nông hộ có nhiều chuyển biến, thu nhập từ làm nông, làm nghề truyền thống có thể sống tốt thì sẽ khắc phục, hạn chế nông dân ly hương đến các thành phố lớn làm ăn. Trong khuôn khổ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, Quảng Ngãi đang khẩn trương điều tra, khảo sát về sản phẩm, các tổ chức kinh tế, quy hoạch... để phục vụ việc xây dựng Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Định hướng, quyết tâm là vậy, tuy nhiên, hiện nay việc thực hiện Đề án “mỗi xã một sản phẩm” vẫn cần một sự quyết tâm cao. Bởi, nhiều địa phương người dân-chủ thể của các mô hình vẫn chưa nhận thức đúng vấn đề. Sự quan tâm của chính quyền, đặc biệt là những cán bộ chuyên trách hỗ trợ nông hộ chưa kịp thời... ông Căng cho biết thêm.
ĐẠT THÀNH NHÂN