Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Chính sách dân tộc

“Khoảng trống” trong chính sách bảo hiểm y tế

PV - 10:19, 28/06/2019

Từ nhiều năm nay, ngân sách nhà nước đã hỗ trợ đồng bào các DTTS, sinh sống ở địa bàn khó khăn tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), góp phần quan trọng để “phủ sóng” chính sách an sinh này. Dù vậy, việc tiếp cận chính sách BHYT ở vùng DTTS và miền núi vẫn còn những “khoảng trống” nhất định.

Từ chính sách BHYT, đồng bào DTTS và miền núi đã tiếp cận với những dịch vụ y tế cơ bản. (Ảnh minh họa) Từ chính sách BHYT, đồng bào DTTS và miền núi đã tiếp cận với những dịch vụ y tế cơ bản. (Ảnh minh họa)

“Phủ sóng” chính sách

Chính sách BHYT chính thức ra đời cách đây gần 27 năm, theo Nghị định số 299/HĐBT, ngày 15/8/1992 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ). Đây là một trong những chính sách trụ cột của hệ thống chính sách an sinh của nước ta. Đặc biệt, BHYT được xem là “cứu cánh” cho những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn nhưng chẳng may mắc bệnh hiểm nghèo.

GSTS. Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương từng khẳng định rằng, nhờ có BHYT và chỉ có BHYT người bệnh mới có thể đủ điều kiện để thụ hưởng tất cả các dịch vụ y tế tiên tiến nhất.

“Chúng tôi vẫn nói đùa với nhau, không có thẻ BHYT thì chỉ cần hai đợt điều trị là một căn nhà 5 tầng mặt phố có thể lung lay, vì vậy, bán nhà đi chưa chắc đã đủ kinh phí để điều trị bệnh”, GSTS. Nguyễn Anh Trí chia sẻ.

Với bản chất nhân văn, ý nghĩa cao đẹp đó, chính sách, pháp luật về BHYT từng bước được hoàn thiện, cả về văn bản pháp lý cũng như kết quả triển khai trong thực tiễn. Đặc biệt, với người nghèo, đồng bào DTTS sinh sống ở các địa bàn ĐBKK, ngân sách nhà nước đã hỗ trợ để người dân mua, đóng BHYT. Nhờ đó, tỷ lệ người dân tham gia BHYT ngày càng được mở rộng; mục tiêu BHYT toàn dân chỉ còn cách “đích” không xa.

Theo số liệu mới nhất của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, tính đến hết tháng 5/2019, cả nước có 84,5 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ khoảng 89%; dự kiến đến cuối năm 2019, tỷ lệ bao phủ BHYT sẽ đạt 90%. Đây là kết quả rất đáng khích lệ bởi từ đầu nhiệm kỳ 2016-2021, Chính phủ đặt mục tiêu nâng tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 90% vào năm 2020.

Đáng chú ý, trong 84,5 triệu người tham gia BHYT hiện nay thì có đến 34,2 triệu người do ngân sách nhà nước đóng. Ngoài ra, ngân sách nhà nước còn hỗ trợ đóng cho 17,1 triệu người. Những người được ngân sách nhà nước hỗ trợ mua-đóng BHYT đều thuộc hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, người có công và đồng bào các DTTS nghèo sinh sống ở địa bàn kinh tế-xã hội ĐBKK.

Vẫn còn “khoảng trống”

Để chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân, nhất là đồng bào các DTTS ở các địa bàn khó khăn, cùng với chính sách BHYT, Nhà nước cũng đã đầu tư, xây dựng hàng nghìn Trạm Y tế xã. Theo số liệu của Bộ Y tế, cả nước hiện có 11.083 Trạm y tế xã được đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị tương đối đồng bộ; đội ngũ y bác sĩ cũng được tăng cường về cơ sở, góp phần thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân.

Với nỗ lực không ngừng hoàn thiện chính sách BHYT cũng như đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh (KCB) nên Nhân dân ngày càng được tiếp cận các dịch vụ y tế tiên tiến khi KCB bằng BHYT. Thống kê của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho thấy, trong 5 tháng đầu năm 2019, cả nước có 72,28 triệu lượt người KCB bằng BHYT, tăng 4,01% so với cùng kỳ năm 2018.

Chính sách BHYT đã thực sự được Nhân dân đón nhận; tuy nhiên, đối với người dân ở vùng DTTS và miền núi, dù được ngân sách nhà nước hỗ trợ mua-đóng BHYT nhưng tỷ lệ sử dụng thẻ BHYT để KCB vẫn còn thấp so với mặt bằng chung của cả nước. Số liệu của UBDT cho thấy, hiện tỷ lệ sử dụng thẻ BHYT đi KCB của người DTTS chỉ đạt 44,8%, chỉ bằng 1/2 so với bình quân cả nước (87,2%). Đặc biệt, có một số dân tộc có tỷ lệ sử dụng thẻ BHYT chưa đến 30%, như: La Ha, X’tiêng, Ngái, Xinh Mun, Mường, Jrai, Bố Y,…

Nguyên nhân khiến tỷ lệ người DTTS sử dụng thẻ BHYT đi KCB thấp là do bà con sinh sống ở vùng DTTS, giao thông đi lại khó khăn, địa bàn cư trú cách cơ sở y tế quá xa. Kết quả khảo sát của UBDT cho thấy, trung bình khoảng cách từ nơi ở đến trạm y tế của đồng bào DTTS là 3,8km, đến bệnh viện (tuyến huyện) là 16,7km. Cá biệt, có một số dân tộc có địa bàn cư trú cách rất xa bệnh viện, như: Ơ-đu (72km), Rơ Măm (60,1km), Hà Nhì (53,8km), Chứt (48km); ngoài ra có 24 DTTS khác có khoảng cách từ 20-40km.

Cùng với việc giao thông đi lại khó khăn thì một bộ phận đồng bào DTTS chưa nhận thức được vai trò của việc chăm sóc sức khỏe; chưa hiểu rõ ý nghĩa, giá trị của việc KCB bằng BHYT. Chỉ tính riêng lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, theo thống kê của UBDT, tỷ lệ phụ nữ mang thai đến các cơ sở y tế khám thai ít nhất 1 lần rất thấp (70,9%). Cá biệt có một số dân tộc, tỷ lệ này chỉ đạt chưa đến 30%, như: La Hủ (9,1%), Hà Nhì (25,4%), Si La (25,5%),…

Nêu lên như vậy để thấy, mặc dù chính sách BHYT đã “phủ sóng” ở vùng DTTS và miền núi, nhưng việc tiếp cận các dịch vụ y tế để chăm sóc sức khỏe của một bộ phận đồng bào DTTS vẫn còn những “khoảng trống” nhất định. Những “khoảng trống” này cần thiết được lấp đầy bằng việc tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng (nhất là lĩnh vực giao thông), nâng cao chất lượng KCB ở tuyến cơ sở. Cùng với đó, công tác tuyên truyền cũng cần được chú trọng để cùng “đồng hành”, đưa chính sách, pháp luật về BHYT đến với mọi tầng lớp Nhân dân.

Từ năm 2009, ngày 01/7 đã được Chính phủ chọn làm Ngày BHYT Việt Nam, với mục tiêu nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị-xã hội trong thực thi chính sách, pháp luật về BHYT. Ngày BHYT Việt Nam năm 2019, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh tuyên truyền vận động người dân tham gia BHYT. 

SỸ HÀO