Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Bạn đọc

Kho thóc tình thương của phụ nữ Kon Chiêng

PV - 20:27, 12/04/2018

Kon Chiêng là xã đặc biệt khó khăn của huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai. Mùa giáp hạt, người dân nơi đây thường xuyên rơi vào tình trạng thiếu đói, phải đi vay tiền chạy ăn từng bữa. Trước thực trạng này, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đã xây dựng “Kho thóc tình thương”, để hỗ trợ cho gia đình thiếu ăn và gây quỹ mua bò giúp dân thoát nghèo.

Xã Kon Chiêng cách trung tâm thị trấn huyện Mang Yang khoảng 50km, chủ yếu là đồng bào dân tộc Ba Na sinh sống. Với đặc điểm địa hình đồi núi dốc, đất đai cằn cỗi và tập quán sản xuất nông nghiệp lạc hậu, bao đời nay, người Ba Na ở Kon Chiêng chỉ biết trồng cây lúa trên rẫy, cây mì trên đồi nên cái đói, cái nghèo cứ đeo bám bà con không dứt.

Quỹ “Nuôi bò tình thương” đã giúp nhiều hộ dân thoát nghèo. Quỹ “Nuôi bò tình thương” đã giúp nhiều hộ dân thoát nghèo.

 

Lớn lên trong buôn làng, chị Đinh Thị Kuen, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Kon Chiêng hiểu rõ thực trạng đời sống người dân địa phương, cũng như việc cần thay đổi một số phong tục, tập quán, tư duy lạc hậu. “Khó khăn thì đã rõ, nhưng làm sao để bà con thoát nghèo? Cần phải thay đổi nhận thức, phải hỗ trợ bà con về vốn, hướng dẫn kỹ thuật và phải làm cho họ tin tưởng, làm theo mình. Trước hết, phải lo cho dân no bụng, cho trẻ em được đến trường học chữ rồi mới nghĩ đến chuyện thoát nghèo, làm giàu được”, chị Kuen bộc bạch

Là người dân tộc Ba Na, chị Kuen có điều kiện gần gũi, cùng ăn, cùng làm việc với bà con nên càng thấu hiểu những tâm tư, nguyện vọng của bà con. Năm 2013, chị đưa ra sáng kiến vận động chị em trong Hội Phụ nữ xã xây dựng “Kho thóc tình thương” để hỗ trợ thóc cho những gia đình nghèo đói. Tuy nhiên, phần lớn các hộ dân đều không đủ ăn nên thời gian đầu gặp rất nhiều khó khăn. Chị kiên trì vận động và nhắm vào những chị em có điều kiện kinh tế để hướng dẫn bà con cách tiết kiệm hiệu quả, bà con thấy được lợi ích nên ủng hộ.

Vụ thu hoạch đầu tiên “Kho thóc tình thương” của phụ nữ Kon Chiêng có 56 chị em tham gia, góp mỗi người 20kg, tổng được 1.120kg thóc. Chính quyền địa phương cấp tốc xây dựng một cái kho để dự trữ thóc. Từ đây, những gia đình thiếu ăn không phải vay tiền mua gạo giá đắt mà đến kho thóc vay về ăn, sau mùa thu hoạch thì trả lại.

Thấy rõ lợi ích, người dân đồng tình ủng hộ, “Kho thóc tình thương” ngày càng lớn và được nhân rộng. Hiện nay, mỗi làng ở Kon Chiêng đã có một kho thóc riêng. Toàn xã có 600 chị em tự nguyện góp thóc. Không chỉ cho vay cứu đói, số thóc còn dư, chị em thống nhất bán lấy tiền để cho hộ nghèo mượn làm vốn đầu tư trồng trọt và số còn lại mua bò giống cho các hộ truyền tay nuôi. Quỹ “Nuôi bò tình thương” của Hội Phụ nữ xã ra đời.

Tuy nhiên số tiền bán thóc mỗi năm chỉ mua được một cặp bò, trong khi đó nhu cầu thực tế lại cao nên Hội Phụ nữ xã đề xuất, xin nhận 27ha đất bỏ hoang ở xã để khai khẩn trồng mỳ. Mỗi năm cánh đồng cho thu nhập khoảng chục triệu đồng, quỹ hội cũng dồi dào hơn. Số tiền có được dành mua các cặp bò bố mẹ về hộ nghèo mượn. Mỗi gia đình được mượn 1 cặp, nuôi đến khi đẻ con, thì chuyển bò bố mẹ cho hộ khác mượn. Từ việc thay đổi luân phiên, nhiều gia đình có bò để phát triển kinh tế. Hoạt động xóa đói giảm nghèo của Hội đạt hiệu quả cao.

“Trước đây, mỗi mùa giáp hạt rất nhiều gia đình bị thiếu đói. Đặc biệt, là các em nhỏ phải ăn lá mì để đến trường, nhiều em đói quá không đi học được. Xuất phát từ đó mà Hội Phụ nữ xã đã xây dựng nên 2 mô hình này”, chị Đinh Thị Kuen cho biết.

Ông Đinh Huy, Phó Chủ tịch xã khẳng định: Nhờ nguồn quỹ từ kho thóc và nuôi bò tình thương của Hội Phụ nữ xã, mà tỷ lệ hộ nghèo đã được giảm đáng kể. Nhiều hộ được vay thóc, vay bò đã có của ăn, của để, trẻ em được đi học. Hiện tại, nhiều con em của địa phương đang theo học tại các trường đại học ở các thành phố lớn. Tháng 12/2014, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Kon Chiêng vinh dự được nhận giải thưởng Kova. Đó là một thành quả xứng đáng cho Hội Phụ nữ xã.

Hiện, Hội Phụ nữ Kon Chiêng đang quản lý 31 tấn thóc, gần 30ha mì, 25 con bò sinh sản và hàng trăm triệu đồng để hỗ trợ các hộ nghèo vay vốn. Các chị còn đang bàn nhau tìm hiểu để trồng tiêu, cà phê nhằm tăng thu nhập cao hơn.

LÊ HƯỜNG

Tin cùng chuyên mục
Đăk Hà (Kon Tum): Xử lý vi phạm hủy hoại đất tại khu vực Cây đa cười chưa nghiêm, gây thiệt hại cho người dân

Đăk Hà (Kon Tum): Xử lý vi phạm hủy hoại đất tại khu vực Cây đa cười chưa nghiêm, gây thiệt hại cho người dân

Ngày 05/8/2024, Báo Dân tộc và Phát triển tiếp tục có bài phản ánh “Đăk Hà (Kon Tum): Đất ở khu vực Cây đa cười chưa được trả lại đúng như tình trạng ban đầu”, đến nay đã hơn 1 tháng nhưng ông Trịnh Văn Hậu vẫn chưa có động thái tiếp tục khắc phục. Phải chăng các quy định của pháp luật chưa được ông Trịnh Văn Hậu thực thi một cách nghiêm túc?! Chính quyền huyện Đăk Hà chưa có biện pháp cứng rắn để xử lý đối với hành vi vi phạm của ông Trịnh Văn Hậu?!