Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Chính sách dân tộc

Khó thoát nghèo vì thiếu sinh kế

PV - 10:09, 02/08/2019

Tỷ lệ hộ nghèo cao, thu nhập bình quân đầu người rất thấp là một thực trạng phổ biến ở nhiều thôn đặc biệt khó khăn (ĐBKK) trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Điều này đã khiến cho hầu hết các xã khu vực III của tỉnh rất khó hoàn thành mục tiêu Chương trình 135.

Quá nhiều thôn nghèo

Hà Đừng 1 là thôn thuộc diện khó khăn nhất của xã ĐBKK Đăk Rong (huyện Kbang). Thôn được sáp nhập từ thôn Đăk Trum và Đăk Hro từ ngày 01/01/2019. Dù chỉ cách trung tâm xã khoảng 5km nhưng cuộc sống của người dân nơi đây rất khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn rất cao.

Ông Đinh Văn Chui, Trưởng thôn Hà Đừng 1 cho biết, thôn có 198 hộ/758 nhân khẩu (có 7 hộ dân tộc Kinh với 19 nhân khẩu, còn lại đều là dân tộc Ba Na) thì có đến 157 hộ nghèo và 32 hộ cận nghèo. Toàn thôn hiện chỉ có 78 hộ có nhà kiên cố, còn lại đều là nhà tạm bợ, dột nát.

Thôn Hà Đừng 1, xã Đăk Rông vẫn còn nhiều ngôi nhà tạm bợ. Thôn Hà Đừng 1, xã Đăk Rông vẫn còn nhiều ngôi nhà tạm bợ.

Cũng như thôn Hà Đừng 1 của xã Đăk Rong, trên địa bàn tỉnh Gia Lai hiện nay còn rất nhiều thôn có tỷ lệ hộ nghèo rất cao. Như thôn Đê Bơ Tơk, xã Đăk Jơ Ta (huyện Mang Yang), toàn thôn có 149 hộ thì có đến 117 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 78,52%) và 18 hộ cận nghèo. Hay như thôn Kliết-H’ôn của xã Đăk Song (huyện Koong Chro) có 147 hộ thì có 104 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 70,75%) và 8 hộ cận nghèo…

Thực tế, Gia Lai hiện là tỉnh có số thôn ĐBKK nhiều nhất trong tất cả các tỉnh thành phố trên cả nước. Cụ thể, theo Quyết định số 414/QĐ-UBDT, ngày 11/7/2017 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc phê duyệt danh sách thôn ĐBKK vào diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020 thì, Gia Lai có nhiều thôn nhất (287 thôn). Cũng nằm trong khu vực Tây Nguyên, nhưng Đăk Nông chỉ có 73 thôn, Lâm Đồng có 110 thôn,…

Cũng trong giai đoạn 2017-2020, số xã khu vực III (xã có điều kiện kinh tế-xã hội ĐBKK) của Gia Lai lại không nhiều. Cụ thể, theo Quyết định số 900/QĐ-TTg ngày 20/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách xã ĐBKK, xã biên giới, xã an toàn khu, vào diện đầu tư Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020, Gia Lai có 65 xã. Địa phương có nhiều xã ĐBKK nhất tỉnh Cao Bằng, với 156 xã.

Do có quá nhiều thôn ĐBKK nên nguồn lực đầu tư từ các chương trình, dự án cho các xã khu vực III ở Gia Lai phải “rải mành mành”. Vì thế, các xã khu vực III ở Gia Lai rất khó hoàn thành mục tiêu thoát khỏi tình trạng ĐBKK. Theo kết quả khảo sát của Ban Dân tộc tỉnh, đến thời điểm này (tháng 7/2019), toàn tỉnh mới chỉ có 1 trong tổng số 65 xã được công nhận hoàn thành Chương trình 135 (là xã Uar, huyện Krông Pa).

Nghèo vì thiếu sinh kế

Quá trình khảo sát thực tế ở một số thôn ĐBKK ở Gia Lai, chúng tôi nhận thấy, dù được hỗ trợ phát triển sản xuất từ các chương trình, dự án nhưng do đất sản xuất thiếu, hoặc đất bạc màu, khó canh tác nên sinh kế của người dân không được bảo đảm. Điển hình như thôn Hà Đừng 1 (xã Đăk Rong, huyện Kbang), diện tích tự nhiên của xã trên 2.704ha nhưng chỉ có 184ha đất sản xuất. Thêm nữa, hệ thống thủy lợi của thôn chưa có, nên một số cánh đồng có diện tích lớn không thể canh tác.

Theo ông Đinh Văn Chui, vì thiếu đất canh tác, không có nước tưới tiêu nên thu nhập của người dân trong thôn Hà Đừng 1 chủ yếu từ chăn nuôi và hái lượm lâm sản phụ. Cuối năm 2018, theo thống kê của xã thì thu nhập bình quân của thôn chỉ được khoảng 6,5 triệu đồng/người/năm.

Tương tự, tại 3 thôn: Díp, Duch 1 và Duch 2 của xã Ia Kreng (huyện Chư Pah), với tổng diện tích tự nhiên hơn 11 nghìn ha, nhưng chỉ có 700ha đất sản xuất nông nghiệp; trong 700ha này chỉ có 12ha trồng được lúa (chủ yếu là lúa cạn). Trong khi dân số cả 3 thôn là gần 500 hộ, 1.845 nhân khẩu, để mưu sinh, nhiều người phải đi làm thuê hoặc thuê đất ở nơi khác trồng cà phê, hồ tiêu, dong riềng; nhiều hộ vẫn bị đói giáp hạt.

Ngoài ra, một nguyên nhân khác khiến người dân ở các thôn ĐBKK ở Gia Lai khó thoát nghèo là do bà con chủ yếu canh tác theo tập quán cũ, phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên. Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất ở nhiều thôn còn gặp nhiều khó khăn.

Thực tế ở các thôn ĐBKK trên địa bàn tỉnh Gia Lai là một gợi ý quan trọng cho định hướng xây dựng chính sách đầu tư, hỗ trợ trong thời gian tới, nhất là các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất. Bởi đã qua nhiều năm đầu tư, hỗ trợ nhưng người dân ở nhiều thôn ĐBKK ở Gia Lai vẫn chưa có sinh kế ổn định. Một khi sinh kế không ổn định thì việc xóa đói giảm nghèo vẫn cứ trầy trật.

SỸ HÀO