Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Khó khăn đưa nước sinh hoạt lên các bản vùng cao biên giới Lai Châu

PV - 10:51, 28/06/2021

Nhiều năm qua, người dân hai xã biên giới Vàng Ma Chải, Mù Sang của huyện Phong Thổ (Lai Châu) thường xuyên thiếu nước sinh hoạt.

Các bản vùng cao xã Mù Sang vẫn luôn thiếu nước sinh hoạt. Ảnh: Nguyễn Oanh-TTXVN
Các bản vùng cao xã Mù Sang vẫn luôn thiếu nước sinh hoạt. Ảnh: Nguyễn Oanh-TTXVN

Để khắc phục tình trạng này, chính quyền địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp, kể cả đầu tư 2 dự án cấp nước sinh hoạt nhưng vẫn chưa giải quyết dứt điểm việc thiếu nước sinh hoạt của người dân.

Những ngày giữa tháng 6, chúng tôi có dịp tới thăm xã biên giới Vàng Ma Chải, những cơn mưa rào mùa hè dù không dài nhưng đã phần nào giúp người dân 2 bản Tả Ô, Tả Phùng của xã Vàng Ma Chải, huyện Phong Thổ có nước sinh hoạt. Bởi hai bản này từ lâu nay thường xuyên thiếu nước sinh hoạt trầm trọng và được gọi với cái tên “bản khát nước”.

Dọc đường đi từ trung tâm xã Vàng Ma Chải lên bản Tả Phùng, chúng tôi quan sát thấy có đường ống nước dẫn tới bản, nhưng khi đến đầu bản, cầm ống nước lên không thấy có giọt nước nào, đường ống khô cong. Đi sâu vào trong bản, chúng tôi bắt gặp hình ảnh ông Chẻo Phủ Hòa đang ngồi tắm cho cháu trong chiếc chậu chỉ có chút nước ở dưới đáy. Thấy chúng tôi, ông Hòa chia sẻ: "Trời mới mưa, nên gia đình tôi mới hứng được ít nước mưa vào bể để dùng dần, chứ ít ngày nữa lại không có nước mà sinh hoạt. Nước mưa được bà con dùng để sinh hoạt như: Nấu ăn, rửa bát, rửa rau hay tắm cho lũ trẻ, còn người lớn thì ra suối hay mó nước tắm, giặt giũ quần áo".

Với gia đình ông Hòa có bể chứa nước, mùa này đỡ vất vả khi phải đi lấy nước. Còn với hộ nghèo như gia đình anh Tẩn Chin Ngan thì sáng nào cũng đi chở 2 can nước về sinh hoạt. Hôm nào trời mưa, đường trơn trượt không đi được xe máy, thì anh lại “cõng nước suối” trên lưng mang về.

Dù dự án cấp nước được đầu tư, nhưng chỉ đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt tối thiểu của người dân 2 xã Vàng Ma Chải và Mù Sang. Ảnh: Nguyễn Oanh-TTXVN
Dù dự án cấp nước được đầu tư, nhưng chỉ đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt tối thiểu của người dân 2 xã Vàng Ma Chải và Mù Sang. Ảnh: Nguyễn Oanh-TTXVN

Anh Ngan bộc bạch, hàng ngày, buổi sáng anh đi ra suối cách bản khoảng 3km mang được 2 can nước với 50 lít dùng cho cả ngày. Hôm nào trời mưa thì lấy chậu, xô để hứng nước mưa. Vì điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, vợ chồng anh chưa xây được bể chứa nước, anh mong sao các cấp, các ngành quan tâm đầu tư đường uống dẫn nước về bản để bà con có nước sinh hoạt.

Bản Tả Phùng hiện có 126 hộ gia đình với 653 nhân khẩu. Anh Tẩn Lao Lụ, Trưởng bản Tả Phùng, xã Vàng Ma Chải cho biết, những năm qua, khắc phục tình trạng thiếu nước những hộ gia đình có điều kiện đã xây bể, hoặc mua téc nước để hứng nước mưa nhưng cũng chỉ đủ dùng sinh hoạt trong 3 tháng. Vừa qua, 15 hộ gia đình trong bản đã được Ban Quản lý dự án huyện Phong Thổ cấp téc nước. Đến nay, cả bản mới có khoảng 30 hộ có bể, téc chứa nước mưa. Các hộ còn lại phải chủ động ra suối lấy nước về.

Nhiều lần trong các cuộc tiếp xúc cử tri ở xã, bản, nhân dân bản Tả Phùng có kiến nghị với lãnh đạo cấp trên, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có nước về đến bản cho bà con sinh hoạt. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc người dân ở bản hay bị các bệnh liên quan đến tay chân miệng, đường hô hấp.

Không chỉ riêng bản Tả Phùng, hiện nay trên địa bàn xã Vàng Ma Chải còn có bản Tả Ô cũng thuộc diện thiếu nước sinh hoạt. Quãng đường từ bản Tả Ô đến khu vực có nước là 7km. Người dân nơi đây cũng chỉ biết khắc phục tình trạng bằng cách chở nước sinh hoạt về dùng và sử dụng tiết kiệm nhất. Vào mùa mưa thì hứng nước mưa vào bể, thùng, chậu để dùng...

Do địa hình Bản Tả Phùng và bản Tả Ôi của xã Vàng Ma Chải nằm ở trên núi cao, xa nguồn nước. Vào những tháng mùa mưa, người dân mới đỡ vất vả về vấn đề nước sinh hoạt vì có nước mưa để dùng. Những tháng còn lại, tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống hàng ngày của người dân.

Ông Chẻo Lao U, Phó Chủ tịch UBND xã Vàng Ma Chải cho hay, cả 2 bản Tả Phùng, Tả Ô có gần 200 hộ dân. Trước đây, xã đầu tư đường dây ống nước từ bản Nhóm 1 về cho người dân bản Tả Phùng, nhưng nước về không thường xuyên, khi đến đầu bản, các hộ cũng chỉ dùng được ít nước để sinh hoạt. Còn các hộ từ giữa bản đến cuối bản là không có nước dùng. Xã đã tuyên truyền, vận động, khuyến khích nhân dân 2 bản xây bể, mua téc nước để chứa nước mưa. Tuy nhiên, đến nay số hộ có bể, téc nước rất ít ở cả 2 bản. Vừa qua, xã cũng được huyện cấp thêm 50 téc nước cho 37 hộ dân để dùng. Nhưng, có một số hộ vì mái nhà thấp, diện tích nhỏ, trong khi téc nước cao và to nên lượng nước mưa hứng được không nhiều, bà con vẫn phải chở nước từ suối về.

Xã Mù Sang, huyện Phong Thổ nhiều năm qua được đánh giá là xã khó khăn về nước sinh hoạt. Được sự quan tâm của UBND tỉnh Lai Châu và huyện Phong Thổ, năm 2020 xã Mù Sang đã được đầu tư dự án cấp nước sinh hoạt cho 5 bản. Ông Nguyễn Văn Thủy, Chủ tịch UBND xã Mù Sang cho biết, khi được đầu tư dự án cấp nước sinh hoạt, bà con trong xã rất vui mừng phấn khởi. Qua đánh giá, dự án cấp nước cho xã Mù Sang với 2 hạng mục là cấp tôn, téc và hệ thống nước sạch bằng đồng hồ bước đầu giải quyết khó khăn việc thiếu nước sinh hoạt bấy lâu nay. Tuy nhiên, dự án cấp nước chưa đáp ứng được yêu cầu cần thiết của bà con nhân dân, bởi từ tháng 3-5 nguồn nước khan hiếm, nên bà con dùng rất tiết kiệm.

Anh Ngải A Chỉnh, bản Khoa San, xã Mù Sang, huyện Phong Thổ chia sẻ, trước đây, người dân trong bản rất khó khăn về nước sinh hoạt, hàng ngày anh phải phải dùng xe chở nước rất xa, mỗi khi trời mưa không đi xe được thì vác can nước trên vai. Nhưng hiện nay được các cấp quan tâm trên lắp nước về tận nhà dùng rất tiện, việc sinh hoạt của gia đình thuận lợi hơn.

Các bể nước phải dùng bơm áp lực mới đưa được nước lên các bản cao ở xã Mù Sang. Ảnh: Nguyễn Oanh-TTXVN
Các bể nước phải dùng bơm áp lực mới đưa được nước lên các bản cao ở xã Mù Sang. Ảnh: Nguyễn Oanh-TTXVN

Trước những khó khăn về thiếu nước sinh hoạt của người dân hai xã Mù Sang, Vàng Ma Chải. UBND tỉnh Lai Châu đã có quyết định phê duyệt công trình cấp nước tại hai xã này với mức đầu tư hơn 23 tỷ đồng cho hơn 800 hộ gia đình; trong đó, công trình cấp nước xã Mù Sang 12,5 tỷ đồng và xã Vàng Ma Chải 10,8 tỷ đồng. Đến nay, công trình cấp nước ở xã Mù Sang đã thực hiện được 90%, xã Vàng Ma Chải thực hiện được 60%.

Tại xã Mù Sang, để đưa được nước lên các bản cao, các bể nước được xây dựng theo tuyến đường ống dẫn nước và dùng bơm áp lực để bơm nước lên các bể chứa và đến tận các hộ gia đình.

Còn tại hai bản Tả Phùng và Tả Ô của xã Vàng Ma Chải, do nguồn nước ở xa bản và địa hình các bản cao nên không thể xây dựng được đường ống nước. Do đó, chỉ còn cách cấp mái tôn, téc nước để người dân hứng nước mưa dự trữ dùng dần.

Tuy nhiên, dù 2 dự án cấp nước sinh hoạt này được triển khai cũng chỉ đáp ứng được mức sử dụng tối thiểu nhu cầu của người dân, phải sử dụng nước tiết kiệm để cho cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.

Ông Vương Thế Mẫn, Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ cho biết, trên địa bàn huyện Phong Thổ có 2 xã Mù Sang và Vàng Ma Chải thiếu nước sinh hoạt. Nguyên nhân thiếu nước sinh hoạt do nguồn nước không có, địa hình các bản lại ở trên núi cao.

Trước thực trạng thiếu nước huyện Phong Thổ đã báo cáo UBND tỉnh và được đầu tư công trình nước cho 2 xã này. Đối với các bản lấy được nước, dự án đã lắp hệ thống dẫn nước đến tận hộ gia đình để người dân sử dụng và bảo quản. Đối với những bản không dẫn được nước về, người dân được cấp téc nước và mái tôn để tích trữ nước trong mùa mưa và sử dụng trong năm. Đây là giải pháp phù hợp trong điều kiện các bản nằm ở núi cao và khó khăn...

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.