Đồng bào Mông quyết giữ “kho báu”
Nhiều lần đến xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, chúng tôi đều nghe nói có một bản người Mông xa nhất và cao nhất xã nằm trên sườn núi Chà Trông Xa vời vợi sương mây. Lần này, chúng tôi được cô giáo Sền Thị Thơm, Trường Mầm non Nậm Chảy đưa lên thôn xa xôi này. Từ trung tâm xã Nậm Chảy, chúng tôi đi khoảng 5km nữa thì đến thôn Sín Chải, ngước nhìn lên là núi rừng thâm u chìm trong biển sương mù dày đặc.
Đoạn đường bê tông đã hết, cứ ngỡ đây là thôn cao nhất của xã Nậm Chảy rồi, nhưng chị Sền Thị Thơm chỉ tay về phía bên kia rừng cây cổ thụ, nơi chỉ nhìn thấy toàn sương mù trắng xóa và nói rằng, thôn Lao Chải ở tít trên đỉnh núi kia, phải vượt qua cổng trời và 2km đường dốc ngược nữa mới tới nơi. Mặc dù trời mưa rả rích nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm đặt chân lên mảnh đất “nóc nhà” của Nậm Chảy. Lên đến thôn, nhìn lại đoạn đường quanh co lầy lội, dốc ngược, đầy đá lởm chởm giữa biển sương mù mà chúng tôi mới vượt qua mà sởn da gà.
Sau mấy hôm mưa, nương ngô của anh Sùng Vản Sừ, thôn Lao Chải đã nhú mầm xanh, nhưng nét mặt anh Sừ vẫn buồn rười rượi: Ngô lên rồi nhưng chuột phá quá, mỗi hốc gieo 4-5 hạt ngô, mà có hốc chuột cắn không còn cây nào. Trên này đất trồng lúa ít lắm, bà con chủ yếu trồng ngô nhưng giá ngô ngày càng thấp khiến nhiều hộ không dám trồng nữa. Năm ngoái tôi trồng hơn 10 kg ngô giống, thu được gần 80 bao, nhưng mỗi kg ngô hạt bán được 1.200 đồng. Cả năm trồng 1 vụ ngô thu được 7 triệu đồng. Năm nay gia đình tôi chỉ trồng 2kg ngô giống cho gà, lợn ăn thôi.
Câu chuyện của anh Sùng Vản Sừ cũng là câu chuyện chung của gần 30 hộ đồng bào Mông ở thôn Lao Chải. Nhớ lại lúc ở UBND xã Nậm Chảy, chúng tôi nghe các anh lãnh đạo UBND xã bộc bạch rằng, xã Nậm Chảy có 12 thôn thì Lao Chải là thôn cao nhất, khó khăn nhất về đường đi. Tuy đã có điện lưới quốc gia từ năm 2017 nhưng Lao Chải không có sóng điện thoại, nhiều hộ dân vẫn thuộc hộ nghèo. Sản xuất của bà con rất khó khăn, vấn đề giảm nghèo ở đây vẫn là bài toán khó.
Trong chuyến khám phá “nóc nhà” của xã Nậm Chảy, chúng tôi có dịp trải nghiệm nhiều điều thú vị khi được “mục sở thị” rừng gỗ nghiến hằng trăm năm tuổi trên đỉnh núi này. Những cụ già người Mông ở đây kể lại, không biết rừng nghiến này có từ bao giờ nhưng ngay từ khi các cụ còn là đám trẻ chăn trâu đã thấy khu rừng cổ thụ này rồi.
Theo con đường mòn xuyên vào trong rừng sâu, vượt qua những mỏm đá tai mèo nhọn hoắt, mồ hôi ướt đầm lưng áo, chúng tôi mới đến được “vương quốc” của những cây nghiến “tổ”. Có những cây nghiến 500-600 năm tuổi, gốc 3-4 người ôm không hết, thân vỏ xù xì rêu mốc, sừng sững vươn cao, tỏa tán xanh rợp góc rừng. Trên chót vót cành cây, những đám phong lan rủ xuống nở hoa tím, hoa đỏ rực rỡ.
Trên đỉnh núi quanh năm sương mù bao phủ, những cây nghiến cổ thụ rễ bám chắc vào đá tai mèo mà mọc lên như thách thức với sự khắc nghiệt của gió bão, tạo thành bức tường khổng lồ che chở cho bản Mông. Đồng bào người Mông ở đây tuy còn khó khăn nhưng bảo nhau quyết tâm giữ rừng gỗ nghiến như giữ “kho báu” của bản làng, không cho phép ai vào rừng chặt phá, vì thế mà qua hằng trăm năm, đến nay khu rừng gỗ nghiến hơn 60 ha vẫn còn khá nguyên vẹn.
Huyền thoại ao tiên
Chỉ tay lên đỉnh núi Chà Trông Xa, Sùng Vản Sừ bảo ở đây không những có rừng cây cổ thụ, mà còn có một ao sâu trên núi không bao giờ cạn nước, bà con đều gọi là “ao tiên”. Quả thực sau gần nửa tiếng vượt dốc lên đỉnh núi cao, chúng tôi ngỡ ngàng khi thấy một ao nước mờ ảo trong sương, nằm lọt giữa 3 đỉnh núi. Thật kỳ lạ, ở nơi cheo leo này, xung quanh đều là đồi ngô, không có lấy một con suối mà lại có một ao nước sâu như thế.
Anh Sừ khẳng định chắc nịch, từ thời ông bà mình trồng ngô trên núi đã thấy cái ao này, và chưa bao giờ ao cạn nước, kể cả những năm khô hạn nhất. Dưới ao có một loài cá kỳ lạ, lưng đen, bụng giống cá hồi, có con nặng 5-6 kg. Người Mông trên núi Chà Trông Xa bảo đấy là loài cá thần, cá thiêng, ai bắt sẽ gặp những điều đen đủi, nên không ai dám bắt.
“Cách đây khoảng chục năm, có đám công nhân dưới phố lên đây làm công trình thấy dưới ao có cá to quẫy, liền nổ mìn bắt cá. Trưa hôm đó trời còn nắng chang chang, vậy mà trong phút chốc mây đen vần vũ kéo đến kín trời, rồi giông bão, sấm chớp nổi lên đùng đùng như trời nổi cơn thịnh nộ. Còn năm 2013, có hai người trong thôn liều mạng mang lưới lên ao tiên bắt cá, trời cũng nổi cơn mưa gió, khi hai người đó về tới nhà trên người bỗng nổi lên nhiều mụn như da cóc chữa trị đủ thứ thuốc mới khỏi”. Sùng Vản Sừ kể cho chúng tôi nghe.
Chẳng biết những câu chuyện thần bí về ao tiên và loài cá thần đó thực hư ra sao, nhưng nó vẫn được lưu truyền trong đời sống của đồng bào Mông trên núi Chà Trông Xa. Còn ngay ở bản Lao Chải, nơi có dòng suối nhỏ nước mát lạnh chảy róc rách quanh năm, từ khoảng năm 2015, các chiến sĩ Tổ công tác địa bàn Lao Chải thuộc Đồn Biên phòng Nậm Chảy cũng đã nuôi thử nghiệm thành công hai loài cá nước lạnh khó tính nhất là cá hồi vân và cá tầm, mở ra triển vọng về cuộc sống ấm no cho đồng bào Mông nơi đây.