Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Khi Pà Cò không còn là điểm nóng ma túy

Thiên An - 11:16, 09/03/2021

Đường lên Pà Cò (Mai Châu, Hòa Bình) là những con dốc quanh co, uốn lượn; bên đường là những thung lũng ngập tràn sắc hoa mận điểm trắng đất trời. Từng là điểm “nóng” về ma tuý, nhưng đến nay Pà Cò đã trở thành một điểm đến khá lý tưởng cho những chuyến du lịch khám phá đầy hấp dẫn. Để có được sự đổi thay này phải kể đến sự góp công không hề nhỏ của các chiến sỹ Công an cắm bản

Công an Pà Cò gần dân, lắng nghe và chia sẻ với bà con.
Công an Pà Cò gần dân, lắng nghe và chia sẻ với bà con.

Xã Pà Cò có 598 hộ, với 2.886 nhân khẩu, trong đó 98% là đồng bào dân tộc Mông. Dân cư sinh sống rải rác, thu nhập chủ yếu dựa vào rừng, trồng trọt và chăn nuôi. Pà Cò từng là điểm “nóng” về ma tuý, nhưng nhờ sự kiên trì tuyên tuyền vận động, cùng với nhiều giải pháp giúp đỡ bà con phát triển kinh tế của chính quyền, lực lượng Công an xã và các lực lượng khác trên địa bàn, tình hình an ninh trật tự (ANTT) ở Pà Cò nay đã  ổn định.

Chia sẻ về công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tránh xa tệ nạn, đẩy lùi ma tuý, Thượng uý Mùa A Thông, Phó Trưởng Công an xã Pà Cò cho biết, ban ngày người dân đi lên nương nên buổi tối công an viên phối hợp với Trưởng xóm, già làng, Người có uy tín đi tới từng hộ để tuyên truyền. Theo Thượng úy Thông, muốn gần dân, phải xuống tận nơi, lắng nghe và chia sẻ thì mới biết được người dân cần gì, và mình tuyên truyền họ có nghe không. Người không nghe, phải nói nhiều hơn, gặp nhiều hơn; 5 lần không thành thì 10 lần... Đến nay, đồng bào đã nhận thức được những tác hại của ma tuý, việc vận chuyển thuê sẽ bị xử tù rất nặng, nên nơi đây đã không còn là điểm nóng về ANTT. 

"Vừa rồi, sau nhiều lần kiên trì thuyết phục, công an xã Pà Cò đã tuyên truyền, vận động được 2 người đi cai nghiện tự nguyện thành công. Khi trở về địa phương, họ đã lên tận trụ sở Công an xã nói lời cảm ơn cán bộ. Đây thực sự là niềm hạnh phúc nhất của người Công an cắm bản', Thượng úy Mùa A Thông kể lại.

Khi ma túy bị đẩy lùi, bản làng bình yên, bà con tập trung tăng gia sản xuất. Được sự quan tâm của Nhà nước từ các chương trình, dự án chính sách dân tộc; sự sát sao hỗ trợ của chính quyền, cán bộ  hướng dẫn trực tiếp..., nhiều hộ đã đầu tư, tăng gia sản xuất các mặt hàng nông sản phục du lịch. Nhờ đó, Pà Cò trở thành điểm đến du lịch lý tưởng, hấp dẫn du khách gần xa. Hiện nay, bản Pà Cò 1 còn duy trì làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Mông.

Chị Sùng Y Thanh, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ xóm Pà Cò 1 cho biết, dân bản bây giờ nhiều người đủ ăn, đủ mặc, con cái được đến trường. Đời sống của bà con đã có những đổi thay. Từ làng nghề dệt thổ cẩm, nay một số hộ bắt đầu làm homestay, tổ chức các hoạt động du lịch cộng đồng để phát triển kinh tế.

Bản Pà Cò 1 đang phát triển làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Mông.
Bản Pà Cò 1 đang phát triển làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Mông.

Những ngày đầu xuân mới, du khách đến bản Pà Cò 1 khá đông, người dân ở đây cũng rất cởi mở đón khách. Chị Nguyễn Thị Thúy, một du khách đến từ quận Thanh Xuân (TP. Hà Nội) chia sẻ: Điểm thú vị là khi tới đây, chị được trải nghiệm vẽ sáp ong trên vải thổ cẩm, tự làm các công đoạn cùng với người dân… hoặc mua sản phẩm được làm hoàn toàn thủ công từ nguyên liệu tự nhiên với giá rất hợp lý.

Đăc biệt, ở Pà Cò, có rất nhiều sản vật hương vị núi rừng như: rượu ngô, thắng cố, bánh dầy giã tay, mèn mén, cải mèo, gà bản, lợn bản, măng rừng… đã tạo nên một nét ẩm thực rất riêng, rất đặc sắc đã thu hút được du khách gần xa đến với Pà Cò ngày một đông hơn.

Được biết, thời gian qua, Ban chỉ đạo du lịch huyện Mai Châu, đã tổ chức nhiều cuộc họp với người dân để động viên, khuyến khích những hộ dân có tiềm năng đăng ký phát triển loại hình dịch vụ homestay, các hộ còn lại được vận động sản xuất nông nghiệp sạch phục vụ du lịch; qua đó tạo bước chuyển đổi cơ cấu kinh tế, vốn chỉ đơn thuần là nông nghiệp, sang phát triển du lịch, dịch vụ tăng thu nhập.

Để nâng cao hiệu quả kinh tế, những hộ dân kinh doanh homestay được tập huấn nâng cao kỹ năng quản lý kinh doanh và kỹ năng phục vụ du lịch, và được tỉnh hỗ trợ các cơ sở vật chất ban đầu như chăn, màn, giường, tủ... để phục vụ du khách…

Với những nỗ lực của chính quyền địa phương, lực lượng công an và sự cố gắng vươn lên của người dân, hy vọng tương lai gần, Pà Cò sẽ được nhắc đến với hình ảnh là điểm đến du lịch hấp dẫn trên bản đồ du lịch Việt Nam...

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.