Gìn giữ câu hát của cha ông
Nghệ nhân Lương Thiêm Phú, 83 tuổi, dân tộc Tày, là Người có tuy tín của thôn Chang Nà, thị trấn Bình Liêu, huyện Bình Liêu. Ông được nghe hát Then từ nhỏ; rồi theo thời gian, điệu Then ngấm vào tâm hồn ông từ lúc nào không hay. Ông mê hát Then, rồi tự mày mò học hát từ những người lớn tuổi.
Khi hơn hai mươi tuổi, ông Phú không chỉ thuộc nhiều bài Then cổ, mà còn sáng tác những bài Then mới. Từ khi đam mê Then, ông đã sưu tầm được nhiều bài Then cổ, sáng tác được hơn trăm bài hát Then mới, mở được 16 lớp dạy hát Then, đàn Tính cho 360 người, đủ các lứa tuổi.
Cuối năm 2007, ông Phú thành lập CLB hát Then Tình Húc, gồm 18 thành viên, do ông làm Chủ nhiệm. CLB sinh hoạt đều đặn hằng tuần. Ngoài ra, ông và các thành viên trong CLB còn tự đến từng thôn, bản để dạy cho người trẻ có đam mê hát Then.
“Hạnh phúc của tuổi già không gì vui hơn là được truyền dạy cho các con cháu nhớ về câu hát của cha ông. Qua lớp hát Then, tôi muốn truyền dạy các cháu những tinh hoa văn hoá của dân tộc Tày, đào tạo một thế hệ trẻ tiếp tục kế thừa, gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc mình...”, ông Phú giãi bày.
Không chỉ hát Then, sáng tác nhiều bài Then mới, ông Lương Thiêm Phú còn tự mày mò, chế tác đàn Tính 2 dây độc đáo ở Bình Liêu (ở các tỉnh, thành khác thường dùng đàn Tính 3 dây), góp phần lan tỏa hát Then – đàn Tính của Bình Liêu. Với những đóng góp của mình, năm 2019, ông được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực Di sản văn hóa phi vật thể.
Cũng như Nghệ nhân Ưu tú Lương Thiêm Phú, ở tuổi 67, nghệ nhân Hoàng Thị Viên vẫn tất bật với những dự án bảo tồn hát Then của người Tày. Hiện, bà là Chủ nhiệm CLB hát Then Nà Làng, thị trấn Bình Liêu. CLB do bà làm Chủ nhiệm có hơn 40 thành viên trong xã và các xã lân cận như: Húc Động, Đồng Tâm... Trong đó, có nhiều thành viên nhỏ tuổi đã được bà truyền dạy hát Then, đàn Tính.
Bà Viên phấn khởi nói: “Hát Then - đàn Tính vinh dự được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Vì vậy, còn sức khỏe là tôi vẫn thường xuyên tham gia truyền dạy, lan tỏa tình yêu hát Then - đàn Tính cho lớp trẻ”.
Không chỉ truyền dạy cho lớp trẻ nét đẹp văn hóa truyền thống của người Tày, bà Viên còn sưu tầm, sáng tác những bài hát mới, góp phần làm phong phú thêm kho tàng nghệ thuật của dân tộc Tày. Đầu năm 2024, bà Hoàng Thị Viên được Nhà nước tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú từ những đóng góp quan trọng trong thực hành di sản Then của người Tày.
“Nhịp cầu” thắt chặt tình hữu nghị
Khi nhắc đến CLB hát Then, xã Hoành Mô, người ta đều nhớ đến già làng, nghệ nhân Trần Sìu Thu, Chủ nhiệm CLB. Già làng Trần Sìu Thu cho biết, ông thừa hưởng, tiếp nối nghệ thuật hát Then của cha mẹ truyền lại. Năm 2012, ông đứng ra thành lập CLB hát Then xã Hoành Mô, với hơn 20 hội viên, thuộc nhiều lứa tuổi.
Ông chủ trương dẫn dắt CLB theo hướng không chỉ sưu tầm các làn điệu Then cổ, mà còn cùng nhau sáng tác các bài Then lời mới. Bên cạnh đó, CLB còn tổ chức các lớp bồi dưỡng về hát Then, đàn Tính cho nhiều người đam mê ca hát ở xã.
Không chỉ tham gia biểu diễn tại địa phương, nghệ nhân Trần Sìu Thu còn đưa CLB hát Then, đàn Tính xã Hoành Mô sang giao lưu với CLB Văn nghệ Đồng Tông, thành phố Phòng Thành Cảng, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, góp phần gắn chặt tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai nước Việt - Trung.
Hiện nay, già làng Trần Sìu Thu còn kiêm cả Chủ tịch Hội Người cao tuổi của xã Hoành Mô. Già Thu luôn mong muốn phối hợp với các lực lượng khác để vận động dân bản chấp hành nghiêm chính sách của Đảng và Nhà nước, quy chế khu vực biên giới, tự quản đường biên, mốc giới…
Già Thu cho rằng, có thể dựa vào các làn điệu Then, nhất là Then lời mới, lồng những nội dung ca ngợi quê hương đất nước, bản làng đổi mới, đời sống yên bình...để tuyên truyền về tình yêu quê hương, bản làng. Từ đó nhắn nhủ mọi người hãy chung tay xây dựng, bảo vệ quê hương để cuộc sống mãi no ấm, tươi đẹp.