Chung tay nuôi dưỡng Then
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, hơn ba thập kỷ qua, phong trào hát then, bảo tồn điệu then, phong trào “phóng tác” Then cổ thành các bài hát Then mới phát triển khá nhanh chóng. Giờ đây, Then đã phát triển như một “dòng âm nhạc” tiêu biểu, trở thành thương hiệu riêng có của đồng bào Tày, Nùng, Thái.
Nhiều nghệ nhân vì đam mê với Then mà tích cực sáng tác, miệt mài truyền dạy hát Then cho con, cháu, thanh niên địa phương. Nhiều nghệ nhân bởi niềm đam mê mà tìm đến với nhau thành lập nhóm, câu lạc bộ, hội… để từ đó, họ có cơ hội giao lưu, học hỏi, sống trong một không gian chỉ có tiếng Then. Nhiều nghệ nhân, nhà khoa học với niềm đam mê mãnh liệt với Then đã ngày đêm, vượt qua mọi khoảng cách địa lý, đến đến nơi xa xôi nhất để kiểm kê, sưu tầm, trao truyền, tổ chức quảng bá… Tất cả đã giúp cho Then trở nên sống động, là một món ăn tinh thần không thể thiếu được mỗi khi tết đến, xuân về, mỗi dịp vui…
Thực hành Then là nghi lễ không thể thiếu trong đời sống văn hóa tâm linh của đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Thái ở các tỉnh miền núi phía Bắc của Tổ quốc, được dùng trong sự kiện trọng đại, những dịp lễ, tết, cầu cho mùa màng tươi tốt, đời sống ấm no, hạnh phúc, tạo dựng niềm tin trong cuộc sống. Trong đó, hát Then là một loại hình diễn xướng dân gian tích hợp nhiều loại hình nghệ thuật từ văn học, âm nhạc, múa, hội họa và trình diễn…
Một trong những điểm đặc sắc của Then, là ngôn ngữ ẩn chứa chiều sâu của văn hóa. Lời Then mộc mạc, giàu hình ảnh, gần gũi với cuộc sống đời thường, sử dụng ngôn từ tượng hình, tượng thanh phong phú, lối so sánh ví von. Nội dung các khúc hát Then đều toát lên tư tưởng nhân văn sâu sắc…
Nghệ nhân Ưu tú, nhà nghiên cứu Then học Ma Văn Đức, dân tộc Tày, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, theo quan niệm dân gian “Then” có nghĩa là “Thiên - Trời”, là tín ngưỡng cúng linh thiêng của đồng bào Tày, phản ánh các quan niệm về con người, thế giới tự nhiên và vũ trụ. Các lễ Then, diễn tả hành trình thầy Then dâng lễ vật và cầu mong những điều tốt đẹp nhất cho cộng đồng, dòng họ, gia chủ trong đời sống, sản xuất, sức khỏe. Người ta chia Then theo hình thức thể hiện: Then quạt, Then Tính hay Then cầu yên, Then lễ hội…
Với những giá trị nghệ thuật độc đáo của mình, Then đã góp phần hun đúc tâm hồn, tình cảm và ý chí, khát vọng vươn lên, xây đắp cuộc sống ấm no, hạnh phúc của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Thái, được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Trở thành thương hiệu quốc gia
Với những giá trị đặc biệt, Then giúp con người vượt qua khó khăn và vướng mắc trong cuộc sống hằng ngày. Thực hành Then góp phần giáo dục đạo đức, lối sống nhân văn, gìn giữ những thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hóa tốt đẹp của cộng đồng người Tày, Nùng, Thái, như tôn trọng thiên nhiên, khuyên răn không được giết hại động vật hoang dã, phá hoại cây trồng, tỏ lòng biết ơn với cha mẹ, tổ tiên, sống trung thực, yêu thương, giúp đỡ mọi người và chăm chỉ làm việc…”
Thực hành Then là nghi lễ không thể thiếu trong đời sống tâm linh của đồng bào Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam. Trong đó, Thực hành Then chủ yếu có ở 11 tỉnh gồm Tuyên Quang, Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Điện Biên, Lai Châu và Lào Cai.
Với những ý nghĩa và giá trị đặc biệt ấy mà từ ngày 12/12/2019, tại phiên họp Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 14 của UNESCO, di sản Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam chính thức được UNESCO ghi danh tại danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là niềm tự hào không riêng gì đối với người Tày, Nùng, Thái mà đó còn là niềm vinh dự của cả dân tộc Việt Nam.
Tại Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, tại TP.Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang vào tháng 9/2022, ông Christian Manhart, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam đã cho rằng, lý do di sản được ghi danh bởi những nghi lễ này là những thực hành không thể thiếu trong đời sống văn hóa tâm linh của người Tày, Nùng, Thái. Thể hiện những quan niệm về con người, thiên nhiên, thế giới và vũ trụ. Nghi lễ thể hiện một hành trình mà các thầy Then bằng các nghi thức dân gian cúng lễ vật lên tổ tiên, các đáng thần linh để cầu bình an, sức khỏe cho mọi người, mọi nhà, cầu may mắn trong những lễ quan trọng như: Khánh thành nhà, nhập trạch, cầu mùa màng tốt tươi, cầu an lành và năm mới hạnh phúc. Các thầy Then bắt đầu hành trình bằng việc hát then và chơi đàn tính.
“Trong thời đại hiện nay, con người không tránh khỏi những bất an, lo lắng, khó khăn, thách thức do sự thay đổi nhanh chóng của trái đất và xã hội. Vì thế, mà các biểu đạt văn hóa của thực hành Then cũng trở nên quan trọng, giúp tăng cường giao tiếp giữa các cá nhân và các cộng đồng”, ông Christian Manhart nhấn mạnh.
Ông Christian Manhart khẳng định: Thực hành Then đang giúp con người vượt qua khó khăn và vướng mắc trong cuộc sống hằng ngày. Thực hành Then góp phần giáo dục đạo đức, lối sống nhân văn, gìn giữ những thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hóa tốt đẹp của cộng đồng người Tày, Nùng, Thái, như tôn trọng thiên nhiên, khuyên răn không được giết hại động vật hoang dã, phá hoại cây trồng, tỏ lòng biết ơn với cha mẹ, tổ tiên, sống trung thực, yêu thương, giúp đỡ mọi người và chăm chỉ làm việc…
Cũng tại Lễ đón nhận Bằng ghi danh, Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ, trải qua bao năm tháng thăng trầm của lịch sử, Then vẫn luôn có mặt ở đời sống văn hóa, tín ngưỡng và trở thành một loại hình văn hóa nghệ thuật đặc sắc độc đáo và tiêu biểu của người Tày, Nùng, Thái, như một minh chứng cho sức mạnh trường tồn của tinh thần và bản sắc dân tộc… Với giá trị nghệ thuật độc đáo của mình, Then đã góp phần hun đúc tâm hồn, tình cảm, ý chí, khát vọng vươn lên, xây đắp cuộc sống ấm no, hạnh phúc của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Thái.
“Việc ghi danh thực hành then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam chính là thương hiệu quốc gia mà cả thế giới dành cho chúng ta. Qua đó, góp phần giới thiệu tới bạn bè quốc tế về những di sản văn hóa đặc sắc của các tỉnh miền núi Việt Nam. Góp phần cho khu vực này tăng thêm sức hấp dẫn, cuốn hút với du khách”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.