Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Khi bác sĩ về bản

PV - 16:39, 02/04/2018

Những ngày ở xã Lũng Táo, theo chân các bác sĩ đi khám chữa bệnh cho bà con ở bản xa, chúng tôi mới thực sự thấy rõ giá trị và ý nghĩa của công tác y tế vùng cao.

Từ câu chuyện của bác sĩ cắm bản

Chị Nguyễn Thị Mạnh, Trạm trưởng Trạm y tế xã Lũng Táo, huyện Đồng Văn (Hà Giang) kể lại câu chuyện buồn vui lẫn lộn của thời kỳ đầu về cắm bản giúp dân chữa bệnh. Năm 2004, chị từ Tuyên Quang lên đây nhận công tác cắm bản. Lúc ấy chị mới 22 tuổi, mọi cái đều xa lạ, ngỡ ngàng. Cái xã vùng biên lúc đó có 670 hộ thì có đến 406 hộ nghèo. Ở đây cái gì cũng thiếu, từ thiếu ăn, thiếu mặc, đến thiếu cả cái chữ… chỉ có duy nhất “hủ tục” là thừa. Và thầy mo chính là nhân vật “ngự trị” trong đời sống của đồng bào. Bởi với đồng bào, thầy mo giúp họ chữa cái bệnh, giúp họ đuổi tà ma… chứ còn cái “bác sĩ” nghe thì lạ tai lắm!

rạm trưởng Trạm y tế xã Lũng Táo Nguyễn Thị Mạnh đến tận nhà khám cho một cháu bé người dân tộc ở thôn Lũng Táo bị viêm phổi. Trạm trưởng Trạm y tế xã Lũng Táo Nguyễn Thị Mạnh đến tận nhà khám cho một cháu bé người dân tộc ở thôn Lũng Táo bị viêm phổi.

 

Chị Mạnh kể: “Ngày trước, người dân bị bệnh, mình bảo họ đi khám, họ bảo không cần, tao có thầy cúng rồi!”. Bởi vậy, thời điểm đó, số người dân Lũng Táo bị tử vong tại nhà rất nhiều, mà có khi chết chỉ vì những bệnh rất bình thường như viêm phổi…

Mãi đến năm 2005, tức sau 1 năm kể từ ngày đầu lên cắm bản Lũng Táo, mọi chuyện mới bắt đầu thay đổi. Chị Mạnh kể lại, năm ấy, có một người trong bản bị suy tim, chẳng biết thế nào mà người nhà lên báo Trạm y tế, Trạm đã xuống cấp cứu kịp thời rồi chuyển lên tuyến trên để điều trị, nhờ đó mà cứu được.

Sau ca ấy, dân bản bắt đầu có cái nhìn tích cực hơn về bác sĩ, về Trạm y tế. Dần dà, họ đã nghe theo lời khuyên của bác sĩ, biết mặc ấm vào mùa đông để phòng bệnh viêm phổi, biết giữ gìn vệ sinh thân thể và nơi ăn chốn ở để không bị lây bệnh. Đồng bào còn bảo nhau, nếu có ốm đau thì ra Trạm y tế rước thầy thuốc về chứ đừng đi rước thầy mo như trước nữa.

Đường sá ở Lũng Táo, cũng là một thử thách đối với các cán bộ y tế ở dưới xuôi lên như chị. Mỗi thôn trong bản cách nhau hàng quả đồi, có nơi đi bộ cả chục cây số đường rừng. Ấy vậy mà, đêm hôm có ai ốm đau bác sĩ cắm bản vẫn mò mẫm cắt rừng đến khám bệnh cho đồng bào.

Có lẽ vì thế mà hôm đi cùng chị Mạnh đến khám bệnh cho cô bé Dinh Thị Kía, học sinh lớp 9, con ông Dinh Say Phùa ở thôn Lũng Táo (xã Lũng Táo), chúng tôi mới cảm nhận được tình cảm của đồng bào dành cho người thầy thuốc thật là nồng ấm và gần gũi.

Đến hiệu quả của Đề án 1816

Năm 2008, hưởng ứng chủ trương của Đảng về việc đưa cán bộ trí thức về vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là miền núi để giúp dân phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội, nâng cao đời sống, Bộ Y tế đã thành lập Đề án 1816, cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đào tạo cán bộ tại chỗ và chuyển giao công nghệ, nâng cao tay nghề cho cán bộ y tế tuyến dưới. Qua thời gian thực hiện Đề án 1816 đã phát huy hiệu quả một cách rõ rệt.

Nhờ có những dự án y tế hỗ trợ cho xã nghèo, Trạm y tế của xã Lũng Táo giờ đã là hai ngôi nhà 2 tầng khang trang. Trạm được trang bị 6 giường bệnh, 8 phòng làm việc. Đội ngũ y bác sĩ có 6 người, trong đó có 1 bác sĩ đa khoa, 1 y sĩ đa khoa, 1 điều dưỡng, 1 nữ tu học và 2 cán bộ đang theo học ở Bệnh viện Đa khoa Thái Nguyên. Lực lượng y tá thôn bản thì có 20 người/16 thôn bản, như vậy mỗi bản trong xã đều có 1 y tá thường trực tại bản. Các y tá này vừa kiêm luôn nhiệm vụ làm cô đỡ thôn bản… Do đó, công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho bà con xã Lũng Táo giờ đây đã được đảm bảo và tốt hơn trước rất nhiều.

Những ngày ở xã Lũng Táo, theo chân các bác sĩ đi khám chữa bệnh cho bà con ở bản xa, chúng tôi mới thực sự thấy rõ giá trị và ý nghĩa của công tác y tế vùng cao. Việc Nhà nước, Bộ Y tế thực hiện chương trình các bệnh viện lớn tuyến trên hỗ trợ hiệu quả, kịp thời cho các cơ sở y tế vùng cao còn nhiều khó khăn, là một hoạt động thiết thực, góp phần nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào vùng cao và giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên. Đây không chỉ là thành công mang tính xã hội mà còn thể hiện tính nhân văn cao cả của y tế Việt Nam.

BẢO ANH

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.