Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Chính sách dân tộc

Khát vọng và tầm nhìn

PV - 15:44, 09/01/2019

Thiếu vốn sản xuất, thiếu kỹ năng kinh doanh và thị trường tiêu thụ sản phẩm… đang là những thách thức lớn đặt ra trong quá trình khởi nghiệp của thanh niên DTTS. Để biến khát vọng khởi nghiệp thành hiện thực thì thanh niên DTTS cần được tiếp thêm sức từ những cơ chế, chính sách mang tầm chiến lược.

Mới dừng ở “khởi động”

Tháng 5/2018, một chương trình tôn vinh 23 tấm gương thanh niên DTTS tiên phong trong phong trào khởi nghiệp (star-up) ở vùng DTTS và miền núi phía Bắc đã được Ủy ban Dân tộc phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức. Đây là một sự ghi nhận đóng góp quan trọng của những gương mặt trẻ, vừa làm giàu cho gia đình, bản làng và xã hội, vừa lan tỏa, góp phần đưa phong trào khởi nghiệp ở vùng DTTS và miền núi đi vào thực chất.

Khởi nghiệp ở vùng DTTS không chỉ tạo việc làm mà quan trọng hơn là thúc đẩy sự tự tin làm giàu cho đồng bào. (Ảnh minh họa) Khởi nghiệp ở vùng DTTS không chỉ tạo việc làm mà quan trọng hơn là thúc đẩy sự tự tin làm giàu cho đồng bào. (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, nhìn lại những gương mặt được tôn vinh vẫn gợn lên rất nhiều băn khoăn. Đầu tiên, họ đều là những cá nhân không mới, đã xuất hiện khá dày đặc trên các phương tiện thông tin đại chúng trong những năm qua. Họ là Giàng A Dạy (Sơn La), Tẩn Thị Su (Lào Cai), Lục Thị Thanh Huyền (Thái Nguyên), Lý Tà Giàng (Hà Giang),… Phong trào khởi nghiệp ở vùng DTTS và miền núi vẫn chưa có nhiều nhân tố mới.

Nhưng trăn trở nhất vẫn là sự phát triển bền vững của các mô hình khởi nghiệp ở vùng DTTS và miền núi. Cốt lõi của khởi nghiệp-hay đúng hơn là giá trị của “star-up”, là sự đổi mới sáng tạo. Đại đa số các mô hình khởi nghiệp của thanh niên DTTS hiện nay vẫn quanh quẩn trả lời câu hỏi “nuôi con gì, trồng cây gì”. Ngay cả với một số mô hình khởi nghiệp ứng dụng công nghệ cao cũng đang ở dạng “sao chép”.

Lấy mô hình trồng rau sạch áp dụng công nghệ tưới hiện đại Israel của anh Giàng A Dạy (huyện Mai Sơn, Sơn La) làm ví dụ. Không phủ nhận anh Dạy là người tiên phong thay đổi tư duy làm nông nghiệp cả đồng bào dân tộc Mông ở Mai Sơn; đồng thời mô hình này cũng đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng cho gia đình anh.

Nhưng xét đến cùng thì mô hình này được anh Dạy học tập công nghệ tưới nhỏ giọt, xây dựng nhà lưới, ươm giống hoa màu ở nước ngoài, sau đó “cắt gọt” cho phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu ở bản Rừng Thông, xã Mường Bo quê anh. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay của anh Dạy trong việc duy trì và phát triển mô hình là cần có nguồn nước tưới ổn định.

Theo anh Giàng A Dạy, hiện gần 4ha rau của gia đình anh đang dùng nguồn nước suối cách nhà 2km, vào mùa khô, suối sẽ cạn, lúc đó không có nước để sản xuất. Để có nguồn nước ổn định cho trang trại thì cần khoảng 150 triệu đồng mà hiện tại anh vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn nào để cải thiện tình hình.

Cần một chiến lược bài bản

Thực tế, thiếu vốn chỉ là một trong những rào cản để phát triển các mô hình khởi nghiệp ở vùng DTTS và miền núi hiện nay. Và, với sự hỗ trợ của Nhà nước cùng sự chung tay của cộng đồng thì vấn đề vốn không phải là không giải quyết được.

Nhưng then chốt nhất vẫn là sự đổi mới sáng tạo của các ý tưởng khởi nghiệp. Ngoài ra, để khởi nghiệp thành công thì kiến thức, năng lực của những “star-up” là vấn đề cần phải được đặt lên hàng đầu.

Lấy ví dụ mô hình khởi nghiệp của anh Là Văn Phong, ở xã Chiềng Bằng (Quỳnh Nhai, Sơn La). Dựa vào lợi thế lòng hồ Thủy điện Sơn La, anh đã cùng với nhóm bạn thân thành lập Hợp tác xã Thủy sản và Du lịch sinh thái Quỳnh Nhai để tổ chức tour du lịch lòng hồ, nuôi và chế biến thủy sản. Nhưng như chia sẻ của anh Phong, hầu hết các thành viên trong nhóm không được đào tạo bài bản về các lĩnh vực mình kinh doanh. Sự hiểu biết về địa danh, lịch sử và văn hóa địa phương vẫn là chưa đủ. Bởi vậy các dịch vụ của Hợp tác xã vẫn còn thiếu chuyên nghiệp.

Khởi nghiệp đã và đang là phong trào “lập thân-lập nghiệp của lớp trẻ. Giá trị khởi nghiệp đúng như thông điệp của Thủ tướng Chính phủ không chỉ là thành công tài chính của một dự án kinh doanh mà còn là giá trị xã hội về tính nhân bản đem lại sự khác biệt và được xã hội đón nhận tôn trọng.

Với thanh niên DTTS cũng không đứng ngoài xu hướng đó. Nhưng đối với thanh niên DTTS thì khởi nghiệp có đặc thù riêng. Nếu thành công, khởi nghiệp không chỉ tạo việc làm, phát triển kinh tế mà còn mang mục tiêu bảo tồn giá trị văn hóa vùng miền và quan trọng hơn là tạo cơ hội và hỗ trợ thúc đẩy sự tự tin của đồng bào DTTS hòa nhập vào dòng chảy chung của khởi nghiệp quốc gia.

Hiện nay, để khởi nghiệp, thanh niên DTTS có thể tiếp cận được nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Mới đây nhất là các văn bản như: Nghị định 38/2018/NĐ-CP về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo; Nghị định 39/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa… Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cũng đã có “Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp” để giải quyết bài toán vốn; bên cạnh đó là các chính sách tín dụng hiện hành cũng là một “kênh” để thanh niên DTTS tiếp cận vốn khởi nghiệp.

Nhưng vốn chỉ là một phần của vấn đề. Điều quan trọng nhất hiện nay là phong trào khởi nghiệp ở vùng DTTS và miền núi đang thiếu nguồn nhân lực trẻ có trình độ, thiếu môi trường khởi nghiệp đúng nghĩa.

Bởi vậy, để thúc đẩy khởi nghiệp ở vùng DTTS và miền núi thì rất cần một tầm nhìn mới, một chiến lược phù hợp với đặc trưng của vùng. Khởi nghiệp ở vùng DTTS và miền núi dựa nhiều vào thế mạnh là văn hóa bản địa đa dạng, là những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng. Bên cạnh việc giải quyết nhu cầu về vốn thì việc đào tạo kỹ năng, trình độ cho những “star-up” người DTTS là hết sức cần thiết. Ngay từ bây giờ, các cấp ngành, địa phương cần xây dựng chương trình cụ thể để đưa việc đào tạo, nâng cao năng lực, kiến thức khởi nghiệp vào hệ thống các cơ sở giáo dục có liên quan, hình thành những thế hệ “star-up” có khát vọng, đồng thời có đủ năng lực để biến khát vọng thành hiện thực.

SỸ HÀO