Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Khánh Hòa: Tín hiệu tích cực trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các DTTS

Thành Nhân - 16:16, 16/09/2021

Tỉnh Khánh Hòa đã xây dựng Đề án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS). Theo đó, giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh tập trung xây dựng mô hình điểm về bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống dân tộc Raglay tại huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh.

Lễ cúng bến nước, một nét văn hóa độc đáo của người Ê Đê xã Ninh Tây
Lễ cúng bến nước, một nét văn hóa độc đáo của người Ê Đê xã Ninh Tây

Nhiều kết quả trong công tác bảo tồn

Toàn tỉnh Khánh Hòa có 34 DTTS sinh sống, với gần 73.000 người; trong đó, nhiều nhất là dân tộc Raglay (khoảng 76%), T’rin (nhóm địa phương của dân tộc Cơ Ho - 7,78%), Ê Đê (5,44%), Hoa (4,14%)... Cộng đồng các DTTS sinh sống chủ yếu tập trung tại hai huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh và rải rác ở một số xã, phường trên địa bàn tỉnh. Trong những năm qua, các chính sách phát triển kinh tế, an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo đã giúp đời sống của đồng bào ngày càng được nâng cao.

Cùng với đó, rất nhiều chính sách, đề án, dự án liên quan đến văn hóa phi vật thể của các DTTS đã được triển khai thực hiện tại tỉnh Khánh Hòa. Hiện tại, Lễ hội Tháp Bà Ponagar, Lễ hội Am Chúa, Lễ bỏ mả của người Raglay đã được công nhận là di sản văn hóa (DSVH) quốc gia. 

Những lễ hội truyền thống khác của đồng bào các DTTS như: Lễ ăn đầu lúa mới của người Raglay; Lễ đền ơn đáp nghĩa, Lễ cúng bến nước của người Ê Đê; nghi lễ cưới hỏi của người T'rin… đã được giữ gìn và thực hành trong đời sống người dân.

Qua 10 năm (2010 - 2020), thực hiện lập hồ sơ khoa học DSVH phi vật thể, toàn tỉnh Khánh Hòa đã lập được 3.599 hồ sơ. Trong đó, có 11 hồ sơ là DSVH, lễ hội truyền thống của đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh. Toàn tỉnh có 4 người dân tộc Raglay được  phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Tỉnh cũng đã hoàn thành việc trang bị nhạc cụ mã la cho 85 thôn, tổ dân phố phục vụ sinh hoạt văn hóa truyền thống của dân tộc Raglay.

Đồng bào DTTS tỉnh Khánh Hòa còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa phi vật thể độc đáo và mang nhiều ý nghĩa, như Lễ cúng bến nước của người Ê Đê, xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa. Tại triển lãm Du lịch qua các miền DSVH Việt Nam diễn ra tại Hà Nội cuối tháng 11/2020, Khánh Hòa là một trong số ít địa phương được bố trí không gian riêng, để giới thiệu nét đẹp văn hóa độc đáo của đồng bào Ê Đê. Trong lần đầu đến Thủ đô, những người con Ê Đê từ núi rừng Ninh Tây đã rất tự hào khi được dẫn dắt khán giả hòa vào không khí của buổi Lễ cúng bến nước linh thiêng.

"Được thể hiện bản sắc văn hóa của đồng bào mình cho khán giả ở Hà Nội xem, mỗi người trong đoàn đều rất vui. Nhìn vẻ mặt hân hoan của khán giả, chúng tôi càng tin tưởng và cố gắng nhiều hơn để giữ gìn nét đẹp văn hóa của dân tộc mình", chị H'Quyên M'Lô,ở thôn Buôn Đung, một thành viên trong đoàn chia sẻ.

Tập trung xây dựng các mô hình điểm

Nhằm phát huy những thành quả đã đạt được, tỉnh Khánh Hòa đã xây dựng Đề án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh. Theo đó, giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh sẽ tập trung xây dựng mô hình điểm về bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống dân tộc Raglay tại huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh. 

Cụ thể, triển khai mặc trang phục truyền thống tại các trường dân tộc nội trú đối với các học sinh là người DTTS thuộc các cấp học; phấn đấu từ năm 2022 trở đi, 100% học sinh là người DTTS mặc trang phục truyền thống 2 buổi/tuần và trong các dịp lễ, Tết.

Nét đẹp trang phục truyền thống của phụ nữ Raglay cần được bảo tồn
Phụ nữ Raglay biễu diễn đánh Mã la

Trong thời gian này, tỉnh Khánh Hòa  đã kiểm kê, lập danh mục DSVH phi vật thể về trang phục truyền thống các DTTS trên địa bàn. Qua đó, tiếp tục tăng cường quảng bá, đẩy mạnh tuyên truyền bảo tồn DSVH phi vật thể trang phục truyền thống các dân tộc, thông qua lễ hội văn hóa, hội diễn nghệ thuật, trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội.

Giai đoạn 2026 - 2030, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các biện pháp nêu trên; đồng thời tổ chức các gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm trang phục dân tộc tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn; tổ chức liên hoan trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc tỉnh Khánh Hòa. Tiếp tục tập huấn, truyền dạy nghề dệt thổ cẩm trang phục truyền thống; vinh danh Nghệ nhân Ưu tú, Nghệ nhân Nhân dân về nghề thủ công có liên quan đến trang phục truyền thống.

Kinh phí thực hiện Đề án được sử dụng từ nguồn ngân sách Trung ương, địa phương đối ứng và lồng ghép trong các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới và từ nguồn xã hội hóa. 

Ông Lê Văn Hoa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Khánh Hòa cho biết: Nhìn chung, công tác bảo tồn và phát huy DSVH phi vật thể của đồng bào DTTS đã đạt nhiều kết quả khả quan. Các cơ quan, ban, ngành, địa phương có sự phối hợp chặt chẽ. 

"Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận đồng bào DTTS chưa thực sự quan tâm với việc  gìn giữ, phát huy giá trị DSVH phi vật thể. Đời sống kinh tế của đồng bào vẫn còn nhiều khó khăn, nên việc xã hội hóa một phần nguồn kinh phí cho hoạt động bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa còn hạn chế ”, ông Hoa chia sẻ thêm.

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.