Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Khánh Hòa: Tích cực chuyển đổi số trên các lĩnh vực

Hoàng Thanh - 02:51, 17/11/2023

Thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã có những chuyển biến tích cực trong tư duy và hành động về chuyển đổi số. Điều này được thể hiện thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin vào các lĩnh vực, như: giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), hoạt động du lịch, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ nông sản…


(CĐ KHánh Hòa- Hoàng Thanh): Khánh Hòa: Tích cực chuyển đổi số trên các lĩnh vực
Du khách sử dụng máy mua vé tự động ở I-resort Nha Trang.

Chuyển đổi số trong hoạt động du lịch

Đến tham quan Khu di tích Tháp Bà Ponagar, sau khi qua cổng soát vé, nhiều du khách đưa chiếc điện thoại thông minh lên quét mã QR ngay bên lối đi để truy cập vào phần thuyết minh tự động giới thiệu về quần thể di tích thay cho việc nhờ hướng dẫn viên.

“Ứng dụng này rất hữu ích, bởi không phải ai cũng có điều kiện để nhờ hướng dẫn viên thuyết minh, nhất là khách đi lẻ. Bài thuyết minh rất rõ ràng, dễ hiểu… cung cấp được nhiều thông tin về thời gian, nét kiến trúc đặc trưng của quần thể Tháp Bà Ponagar”, chị Nguyễn Hương Liên (du khách đến từ Hà Nội) bày tỏ.

Sử dụng mã QR để truy cập Audio Guide (hệ thống thuyết minh tự động) là điểm mới dễ thấy nhất trong việc chuyển đổi số trong hoạt động du lịch của Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa trong thời gian qua. Ngoài Tháp Bà Ponagar, Trung tâm đã thực hiện dán mã QR để khách truy cập Audio Guide ở nhiều di tích - danh thắng khác, như: Thành cổ Diên Khánh, miếu thờ Trịnh Phong (Diên Khánh), danh thắng Hòn Chồng (Nha Trang), đình Phú Cang (Vạn Ninh)… Riêng Khu di tích Tháp Bà Ponagar còn có ứng dụng công nghệ thực tế ảo VR360 để khách tham quan từ xa thông qua máy tính, điện thoại thông minh.

Cùng với Trung tâm Bảo tồn di tích của tỉnh, các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa cũng có nhiều ứng dụng chuyển đổi số trong việc điều hành, quản lý trên hệ thống phần mềm chuyên dụng mang lại tiện ích, đa dạng dịch vụ, sản phẩm du lịch, tăng giá trị trải nghiệm cho khách tham quan.

Nổi bật, Công ty Cổ phần Vinpearl với ứng dụng công nghệ Face ID trong việc làm thủ tục check-in cho khách du lịch. Khu du lịch Suối khoáng nóng I-resort Nha Trang đã triển khai hệ thống bán vé tự động để nâng cao hiệu quả phục vụ khách. Ở mỗi dịch vụ có clip và chữ giới thiệu tóm tắt về dịch vụ. Khách hàng có thể dễ dàng chọn loại dịch vụ và số vé cần mua, sau đó thanh toán thông qua quét mã QR. Ở Bãi Dài, Khu nghỉ dưỡng Alma đã ra mắt ứng dụng di động Alma Resort với các tính năng như: Cung cấp thông tin thực đơn các nhà hàng, quầy bar, dịch vụ ăn uống tại phòng và chương trình khuyến mãi; tích hợp chức năng cho phép người dùng góp ý về các dịch vụ của khu nghỉ dưỡng.
Cần đồng bộ trong chuyển đổi số.

(CĐ KHánh Hòa- Hoàng Thanh): Khánh Hòa: Tích cực chuyển đổi số trên các lĩnh vực 1
Thanh niên Huyện đoàn Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa quét mã QR tại Khu tưởng niệm Gạc Ma, để theo dõi các nội dung thuyết minh địa chỉ đỏ (Ảnh: Phan Sáu/TTXVN)

Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa cho biết: Từ năm 2020, Sở Du lịch đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch Khánh Hòa đến năm 2025. Mới đây, UBND tỉnh cũng đã có quyết định phê duyệt Dự án Trung tâm điều hành thông tin, hỗ trợ khách du lịch. Trên cơ sở đó, sắp tới, Sở Du lịch sẽ đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh bố trí vốn và thực hiện các bước lựa chọn nhà thầu để thực hiện dự án. Bên cạnh đó, Sở Du lịch đã có văn bản trình UBND tỉnh thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Dự án Xây dựng hệ thống kho dữ liệu và phần mềm nghiệp vụ ngành Du lịch; cho chủ trương thực hiện Dự án Xây dựng hướng dẫn viên du lịch ảo trên thiết bị di động… Ngoài ra, theo kế hoạch, trong năm 2024, Sở Du lịch cũng sẽ thực hiện Dự án Xây dựng bản đồ số du lịch Khánh Hòa. Bản đồ số du lịch sẽ tích hợp các địa điểm tham quan, lưu trú, mua sắm, giải trí, ẩm thực, trung tâm thể thao, bệnh viện, các trạm xe buýt, sân bay… Khi hoàn thành, du khách có thể tra cứu bản đồ xem thông tin, chỉ đường, định vị, tìm kiếm, lọc vị trí rất thuận lợi.

Chuyển đổi số đưa nông sản miền núi tiếp cận thị trường quốc tế

Sầu riêng là cây trồng chủ lực của huyện miền núi Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa. Trong số hơn 2.500 ha, huyện Khánh Sơn có 450 ha sầu riêng VietGAP, 22 vùng xin cấp mã số vùng trồng đang được huyện phối hợp cơ quan chức năng thẩm định. Trong đó, 4 mã số vùng trồng được cơ quan chức năng Trung Quốc cấp phép, nhiều DN đã xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

(CĐ KHánh Hòa- Hoàng Thanh): Khánh Hòa: Tích cực chuyển đổi số trên các lĩnh vực 2
Huyện Khánh Sơn định hướng xây dựng thương hiệu nông sản sạch, trong đó chủ lực là cây sầu riêng (Ảnh: Int)

Huyện miền núi Khánh Sơn đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, chuyển từ tư duy "sản xuất nông nghiệp" sang tư duy "kinh tế nông nghiệp" gắn liền với nông sản sạch. Trong đó, công nghệ số là giải pháp đột phá để quản lý chất lượng, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm đối với một địa phương miền núi xa các trung tâm kinh tế lớn, các phương pháp quảng bá truyền thống gặp nhiều khó khăn.

Tại một căn nhà ở thung lũng thuộc xã Ba Cụm Bắc, cách trung tâm huyện miền núi Khánh Sơn khoảng 10 km, các bạn trẻ đang làm việc qua mạng với các đối tác tại Mỹ để tiêu thụ sầu riêng. Vườn sầu riêng này có tên Sakura rộng khoảng 5 ha với 700 gốc sầu riêng được canh tác theo phương pháp hữu cơ, được đầu tư hệ thống tưới tiêu từ trên cao. Những cây sầu riêng được trồng thẳng lối và đánh số thứ tự, quản lý bằng phần mềm. Từ đó, người trồng sẽ lên kế hoạch thời vụ, lịch kiểm tra, lịch bón phân, phòng sâu bệnh... Dưới mỗi gốc sầu riêng được gắn vòi tưới tự động, khi đến lịch bón phân, phân sẽ hòa vào nước để đến từng cây. Bộ phận giám sát chỉ đi kiểm tra, hướng dẫn công nhân làm việc.

Ông Đinh Văn Dũng, Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa cho biết, các sản phẩm từ sầu riêng sẽ phát triển đa dạng theo chuỗi giá trị, phù hợp với yêu cầu của thị trường; chú trọng ứng dụng công nghệ cao, sinh thái để phát triển bền vững... Từ đó, đáp ứng xuất khẩu chính ngạch không chỉ với Trung Quốc mà hướng đến Mỹ, Nhật, châu Âu."Khi trồng theo lộ trình của Viet Gap hay Global Gap, giá trị người nông dân thu về sẽ cao hơn. Sầu riêng trước đây không có mã vạch, không có truy xuất nguồn gốc, không có mã vùng trồng nên khi bán tại thị trường chênh lệch giảm khoảng 50%. Trong tương lai, sản phẩm sầu riêng không những chỉ xuất khẩu ở Trung Quốc mà sẽ xuất đi nhiều nước", ông Dũng khẳng định.

(CĐ KHánh Hòa- Hoàng Thanh): Khánh Hòa: Tích cực chuyển đổi số trên các lĩnh vực 3
Huyện Khánh Sơn sẽ được thí điểm lắp đặt Wifi miễn phí cho người dân. (Ảnh minh họa)

Có thể thấy, với những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, thiết thực, việc chuyển đổi số ở Khánh Hòa sẽ nhanh hơn, toàn diện hơn trên các lĩnh vực, bắt kịp xu thế chung. Theo ông Đinh Văn Thiệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, chuyển đổi số là xu thế tất yếu và đòi hỏi khách quan của sự phát triển trong thời đại ngày nay. Để thực hiện được mục tiêu chuyển đổi số quốc gia một cách hiệu quả, thực chất đòi hỏi mỗi cơ quan, đơn vị phải có kế hoạch bài bản, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, tạo sự thay đổi phương thức quản lý, vận hành, quản trị xã hội, lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực, nguồn lực của chuyển đổi số, thông qua chuyển đổi số phải để người dân, doanh nghiệp hưởng lợi từ dịch vụ công, tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn, từ đó tạo ra nguồn lực cho sự phát triển, đặc biệt khi Khánh Hòa đang triển khai hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị"./.

Tin cùng chuyên mục
Nghệ An: Nỗ lực cho công tác xóa mù chữ để đồng bào thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Nghệ An: Nỗ lực cho công tác xóa mù chữ để đồng bào thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Năm 2022, Nghệ An được công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, đây là tiền đề quan trọng để địa phương tiếp tục có những bước đi vững chắc trong công tác xóa mù chữ. Tuy nhiên, với điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, địa bàn cách trở… đang là những trở ngại đối với công tác xóa mù chữ, đòi hỏi tỉnh Nghệ An có những giải pháp phù hợp.