Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Khánh Hòa: Quyết liệt triển khai Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thành Nhân - 19:15, 15/03/2023

Nhằm thu hẹp khoảng cách vùng DTTS và miền núi với các vùng trong tỉnh, tỉnh Khánh Hòa đang tiếp tục chỉ đạo các địa phương triển khai quyết liệt đồng bộ, hiệu quả Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Người dân miền núi Khánh Hòa trồng mía tím đạt hiệu quả kinh tế cao
Người dân miền núi Khánh Hòa trồng mía tím đạt hiệu quả kinh tế cao

Theo báo cáo của UBND tỉnh Khánh Hòa, toàn tỉnh có 28 xã thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi, gồm 20 xã khu vực III, 3 xã khu vực II, 5 xã khu vực I; có 66 thôn đặc biệt khó khăn; có 3 dân tộc gặp nhiều khó khăn gồm Raglay, Ê Đê và Cơ Ho (T'rin). Từ năm 2011, tỉnh đã xây dựng và triển khai Chương trình phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào DTTS và miền núi. Giai đoạn 2011 - 2020, đây được xem là chương trình KT-XH trọng điểm của tỉnh. Nhờ quyết liệt triển khai các nội dung dự án, nên đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, bộ mặt vùng đồng bào DTTS và miền núi có nhiều khởi sắc. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS giảm còn 35,25%, bình quân giảm 9%/năm; thu nhập bình quân của đồng bào DTTS hơn 14 triệu đồng/năm, tăng 1,7 lần so với năm 2015...

Đặc biệt, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025, tỉnh Khánh Hòa đã ban hành 5 nghị quyết, 8 quyết định, 7 kế hoạch và một số văn bản khác triển khai. Đến nay, kết quả giải ngân vốn đầu tư phát triển ngân sách Trung ương thực hiện các Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh đạt gần 122,7/468,7 tỷ đồng.

Không chỉ tập trung phát triển kinh tế, tỉnh Khánh Hòa còn ưu tiên giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS
Không chỉ tập trung phát triển kinh tế, tỉnh Khánh Hòa còn ưu tiên giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS

Ông Võ Nam Thắng, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Khánh Hòa chia sẻ: Chương trình đưa ra những giải pháp, nội dung, mức độ đầu tư đa dạng, sâu rộng hơn so với giai đoạn trước. Để đạt được các mục tiêu đề ra, 9 dự án thành phần sẽ được triển khai bao quát các lĩnh vực liên quan đến phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đó là, các dự án hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho người dân khó khăn; dự án về phát triển sinh kế; đẩy mạnh triển khai thực hiện các chính sách về hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS và miền núi; đầu tư đồng bộ, quy mô hệ thống hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển KT-XH.

Các dự án thành phần của Chương trình còn tập trung phát triển giáo dục; đào tạo nghề và giải quyết việc làm; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch; chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng cao thể trạng, phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em; thực hiện bình đẳng giới. Riêng trong năm 2022, nguồn vốn ngân sách Nhà nước dành cho tỉnh gần 122,7 tỷ đồng để thực hiện các dự án thành phần của Chương trình.

Qua ghi nhận tại một số địa phương, việc triển khai Chương trình đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên hiện nay, các địa phương gặp một số khó khăn trong quá trình triển khai Chương trình. Cụ thể, ngoài 2 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh, các địa phương: Cam Ranh, Cam Lâm, Diên Khánh, Ninh Hòa đề nghị tỉnh có chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở cho các hộ đồng bào DTTS nghèo trên địa bàn.

Tỉnh Khánh Hòa quyết tâm rút ngắn khoảng cách giữa miền núi với miền xuôi
Tỉnh Khánh Hòa quyết tâm rút ngắn khoảng cách giữa miền núi với miền xuôi

Ngoài ra, đến nay, chưa ban hành quy định về hạn mức đất ở, đất sản xuất, mẫu nhà ở; các sở chưa hướng dẫn xác lập thủ tục đầu tư, quản lý và thanh quyết toán vốn đầu tư nhà ở, nên các địa phương chưa có cơ sở để xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện việc hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất cho các đối tượng. 

Bên cạnh đó, nhu cầu đầu tư đường giao thông phục vụ sản xuất kết nối liên vùng, liên thôn và duy tu sửa chữa cơ sở hạ tầng tại các xã đặc biệt khó khăn còn rất lớn, trong khi nguồn vốn của Chương trình hạn chế, không đáp ứng so với đòi hỏi của thực tế…

Trên cơ sở làm việc với các địa phương và kết quả kiểm tra, vừa qua, ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã có những ý kiến chỉ đạo, nhằm gỡ khó cho các địa phương. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa thống nhất với kiến nghị của các thành viên về việc, xem xét chỉ đạo đơn vị chủ trì dự án, tiểu dự án thành phần khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn để các địa phương có cơ sở triển khai thực hiện; xây dựng kế hoạch chi tiết giải ngân nguồn vốn UBND tỉnh đã phân bổ cho các sở, ban, ngành để thực hiện những dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần của Chương trình; phân công cán bộ theo dõi, hướng dẫn và giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc của các địa phương...

UBND tỉnh cũng đã yêu cầu các địa phương tập trung ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025; phân bổ vốn thực hiện Chương trình; tăng cường tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương và của tỉnh về triển khai thực hiện Chương trình cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp huyện, cấp xã và ban phát triển thôn để triển khai thực hiện Chương trình hiệu quả tại địa phương. 

"Các sở, ngành, địa phương cũng cần tập trung, quyết liệt hơn nữa trong chỉ đạo, lãnh đạo, triển khai thực hiện các nhiệm vụ, công việc liên quan đến chương trình giai đoạn 2021 - 2025”, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân cho hay.

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.