Trong đó, chương trình cho vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm tăng 200 tỷ đồng, chương trình cho vay nhà ở xã hội tăng 2 tỷ đồng, chương trình cho vay hộ đồng bào DTTS và miền núi theo Nghị định số 28 của Chính phủ tăng 2,7 tỷ đồng. Đồng thời, chương trình cho vay học sinh, sinh viên mua máy tính và thiết bị học tập trực tuyến đề xuất điều chỉnh giảm 265 triệu đồng và chương trình cho vay cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập giảm 509 triệu đồng, do hộ vay trả nợ theo phân kỳ và không còn nhu cầu vay vốn.
Khi được tăng thêm nguồn vốn, nhiều đối tượng sẽ tiếp tục được thụ hưởng chính sách ưu đãi từ Nghị quyết số 11, đặc biệt là số người lao động đang chờ nguồn vốn hỗ trợ tạo việc làm rất lớn.
Để chính sách phát huy hiệu quả, Ngân hàng CSXH tỉnh đã phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh và các sở, ngành liên quan, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác vốn vay rà soát đối tượng thụ hưởng; thường xuyên chỉ đạo các Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện, thị xã, thành phố phối hợp với UBND cấp xã thông báo công khai trên đài phát thanh về đối tượng, điều kiện được vay vốn, lãi suất vay, quy trình thủ tục vay vốn để người dân có nhu cầu, đủ điều kiện vay vốn được tiếp cận chính sách.
Trong thời gian tới, Ngân hàng CSXH tỉnh Khánh Hòa sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan liên quan tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách tín dụng theo Nghị quyết số 11 của Chính phủ; triển khai giải ngân đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của đối tượng thụ hưởng, bảo đảm đúng quy định, công khai, minh bạch, đúng đối tượng, không để lợi dụng, trục lợi chính sách.