Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Khánh Hòa: Chăm lo cho học sinh, sinh viên DTTS

PV - 09:04, 30/01/2023

Những năm qua, học sinh, sinh viên DTTS của tỉnh Khánh Hòa theo học tại các trường trung cấp, cao đẳng, đại học luôn được các cấp, ngành, địa phương quan tâm. Qua đó, góp phần vào việc đào tạo nguồn nhân lực có trình độ để phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của các huyện miền núi.

Ông Đinh Văn Thiệu trao giấy khen cho học sinh, sinh viên DTTS đạt thành tích trong năm học 2021 - 2022
Ông Đinh Văn Thiệu trao giấy khen cho học sinh, sinh viên DTTS đạt thành tích trong năm học 2021 - 2022

Định hướng chọn ngành nghề

Năm học 2022 - 2023, toàn tỉnh có 459 học sinh, sinh viên (HS, SV) người DTTS theo học tại 38 trường trung cấp, cao đẳng, đại học trên cả nước. Trong đó, đại học có 129 SV, chiếm 28,1%; cao đẳng có 63 SV, chiếm 13,7%; trung cấp 267 HS, SV (chủ yếu là các trường trung cấp nghề trên địa bàn tỉnh), chiếm 58,2%. Nhiều HS, SV đã nỗ lực vượt qua khó khăn, phấn đấu vươn lên trong học tập, rèn luyện để đạt kết quả học tập tốt.

Năm học 2021 - 2022, toàn tỉnh có 221 HS, SV người DTTS xếp loại xuất sắc, giỏi, khá (tăng 5 em so với năm học trước). Trong đó, có 1 em loại xuất sắc, 29 em loại giỏi. Tuy vậy, vẫn còn một số trường hợp học không theo kịp chương trình đào tạo nên phải kéo dài thời gian học tập, một số SV bỏ học giữa chừng do không đảm bảo yêu cầu học tập của nhà trường.

Theo ông Võ Hoàn Hải - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, so với trước, xu hướng chọn ngành nghề của HS, SV người DTTS có sự thay đổi đáng kể. Nếu như trước đây, đa số lựa chọn ngành sư phạm, thì năm học 2022 - 2023, chỉ còn 67 em theo học ngành này, chiếm 14,7%. Ngược lại, số SV theo học các ngành kỹ thuật tăng cao với 283 em, chiếm tới 62,1%; còn lại là các ngành y dược, du lịch, kinh tế, luật, hành chính…

Điều đó cho thấy, công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng HS trong giáo dục phổ thông cho con em đồng bào DTTS ở các huyện miền núi ngày càng được quan tâm đúng mức, góp phần quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực có trình độ về chuyên môn kỹ thuật thuộc các ngành nghề khác nhau.

Hỗ trợ kịp thời

Khánh Hòa được coi là một trong những địa phương tốp đầu cả nước về triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách đào tạo nguồn nhân lực để phát triển miền núi và các vùng đồng bào DTTS. Ngoài các chính sách hỗ trợ theo quy định của Chính phủ, tỉnh đã thực hiện tốt chế độ trợ cấp kinh phí đi học cho các HS, SV DTTS ngay từ khi học mẫu giáo đến khi xong đại học.

Năm 2022, Sở Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện chế độ cho HS, SV DTTS của tỉnh với tổng kinh phí hơn 1,5 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ theo Nghị quyết số 02/2015 của HĐND tỉnh sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 17/2012 về một số chế độ học bổng và khen thưởng HS, SV hơn 1,4 tỷ đồng; thực hiện chế độ học bổng, sinh hoạt phí, học phí cho SV đi học tại các trường đại học theo chế độ cử tuyển hơn 100 triệu đồng. Nguồn kinh phí được hỗ trợ kịp thời, đầy đủ đã tạo điều kiện thuận lợi để các HS, SV yên tâm học tập; hình thức cấp phát thực hiện qua thẻ ATM nên thuận lợi trong việc nhận kinh phí hỗ trợ.

Em Cao Thị Liệu - SV khóa 7, Trường Trung cấp Nghề dân tộc nội trú Khánh Sơn chia sẻ: “Sự quan tâm tận tình, hỗ trợ về tinh thần và vật chất của các cấp, ngành là nguồn động lực khích lệ em vượt qua khó khăn, tiếp tục phấn đấu, nỗ lực để sau khi tốt nghiệp sẽ về địa phương công tác”.

Còn em Hà Diên - một trong những SV tốt nghiệp trở về công tác tại quê hương chia sẻ: “Khi còn là SV, em đã nhận được sự quan tâm của lãnh đạo các cấp, hỗ trợ kinh phí, động viên giúp em vượt qua khó khăn trong học tập và cuộc sống. Tháng 8/2022, em tốt nghiệp chuyên ngành Quản lý nhà nước, Trường Đại học Quy Nhơn theo chương trình đào tạo cử tuyển. Đến tháng 10/2022, em về công tác tại UBND xã Khánh Trung, huyện Khánh Vĩnh. Em mong muốn được góp một phần nhỏ bé cho sự phát triển của quê hương mình”.

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng Trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.