Những năm qua, Đảng và Nhà nước ban hành nhiều chủ trương, chính sách ưu tiên về giáo dục và đào tạo đối với vùng đồng bào DTTS. Việc triển khai các chính sách giáo dục trên địa bàn tỉnh đã và đang phát huy tác dụng, giúp hầu hết trẻ em trong độ tuổi được đến trường, học sinh DTTS có thêm điều kiện để đến trường học văn hóa, được giao lưu và tiếp cận thông tin, khoa học kỹ thuật. Từ đó, chất lượng giáo dục của các trường học, trường dạy nghề ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS từng bước được nâng lên.
Theo số liệu thống kê của ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh (GD&ĐT), năm học 2022-2023, tỉnh ta có 370 trường học (kể cả bậc học mầm non, bậc phổ thông và cơ sở đào tạo). Trong đó, có 133 trường mầm non (gồm 110 trường mầm non công lập và 23 trường mầm non ngoài công lập); 91 trường tiểu học; 56 trường tiểu học và trung học cơ sở; 54 trường trung học cơ sở; 25 trường trung học phổ thông và 11 cơ sở đào tạo.
Hệ thống các trường chuyên biệt dành cho học sinh DTTS ngày càng được củng cố và hoàn thiện; công tác nâng cao chất lượng giáo dục học sinh DTTS được cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và ngành GD&ĐT đặc biệt quan tâm.
Để nâng cao chất lượng giáo dục học sinh vùng đồng bào DTTS, việc tăng cường tiếng Việt là một trong những giải pháp chủ đạo được ngành GD&ĐT triển khai mạnh mẽ.
Hàng năm, Sở GD&ĐT thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên về quản lý, phương pháp, kỹ năng tăng cường tiếng Việt phù hợp với từng đối tượng học sinh người DTTS. Các trường tăng cường tổ chức hoạt động ngoại khóa, câu lạc bộ tiếng Việt, để tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS.
“Đề án tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh mầm non DTTS, giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025” được ngành GD&ĐT triển khai sâu rộng đến từng cơ sở giáo dục ở vùng đồng bào DTTS. Đối với bậc mầm non, ngành GD&ĐT tỉnh thực hiện chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ mẫu giáo vùng đồng bào DTTS, hỗ trợ thực hiện chương trình giáo dục mầm non vùng khó khăn, tạo chuyển biến tích cực. Học sinh bậc tiểu học, THCS dạy học 2 buổi/ngày, dạy phụ đạo, bồi dưỡng để củng cố kiến thức, nâng cao chất lượng học sinh DTTS; duy trì việc dạy tiếng Gia Rai và tiếng Ba Na cho học sinh người DTTS.
Ngành GD&ĐT tỉnh xác định cần tập trung nâng cao chất lượng giáo dục của các trường phổ thông dân tộc nội trú, coi đây là điểm then chốt để nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh vùng đồng bào DTTS.
Theo đó, ngành GD&ĐT tập trung chỉ đạo các đơn vị giáo dục tiếp tục thực hiện đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh, phù hợp với đối tượng học sinh là người DTTS; tiếp tục duy trì và phát triển các mô hình học tập có hiệu quả tại các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú như: Tổ chức cho học sinh xây dựng và thực hiện kế hoạch tự học ngoài giờ chính khóa, xây dựng góc học tập thân thiện, tổ chức tự học ban đêm có hướng dẫn của giáo viên.
Một số địa phương, đơn vị trường học ở vùng đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn về kinh tế- xã hội đã xác lập mô hình và nhiều cách làm hay như: mô hình “Nhóm bạn cùng tiến”, “Cặp lồng cơm đến trường”, “Xây dựng góc học tập tại nhà”, “Vườn rau bán trú”, “Thư viện thân thiện dựa vào cộng đồng”, “Vui học tiếng Việt”, “Bữa cơm hạnh phúc”... nhằm duy trì sĩ số học sinh, tăng tỷ lệ chuyên cần, nâng cao chất lượng giáo dục học sinh DTTS.
Chính quyền các địa phương và ngành GD&ĐT tỉnh quan tâm chỉ đạo các cơ sở giáo dục tiến hành đổi mới kiểm tra, đánh giá gắn với lộ trình thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đồng thời, tổ chức các hoạt động giáo dục đặc thù gắn với yêu cầu giáo dục lý tưởng cách mạng, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh; tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức cho học sinh về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về dân tộc, về bản sắc văn hóa và truyền thống tốt đẹp; nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền và phổ biến, giáo dục pháp luật cho học sinh; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác phổ cập giáo dục- xóa mù chữ trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng trong giáo dục phổ thông; phát huy vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng, nâng cao trách nhiệm của chính quyền, phối hợp của các tổ chức đoàn thể địa phương trong việc huy động tối đa trẻ em, học sinh DTTS trong độ tuổi ra lớp, hạn chế bỏ học, nghỉ học.
Nhờ thực hiện linh hoạt, đồng bộ nhiều giải pháp, những năm qua, trên địa bàn tỉnh đã có hàng nghìn lượt con em học sinh DTTS trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng trên cả nước. Sau khi tốt nghiệp có kiến thức nhất định, cống hiến cho xã hội, biết cách tổ chức sản xuất, phát triển kinh tế, làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội, góp phần quan trọng trong thực hiện chương trình giảm nghèo của tỉnh.
Có thể thấy, sự quan tâm sát sao của các cấp ủy đảng, chính quyền và của các ngành chức năng đối với công tác giáo dục học sinh DTTS trong thời gian qua đã từng bước nâng cao chất lượng GD&ĐT ở vùng sâu, vùng xa. Từ đó, góp phần vào công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đóng góp sự phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.