Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Khẩn trương ban hành chính sách đặc thù với nhân viên y tế, chăm sóc sức khỏe Nhân dân ngày càng tốt hơn

PV - 23:09, 27/02/2022

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 67 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, "nghề y là một nghề đặc biệt" và sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân ngày càng tốt hơn luôn là ưu tiên hàng đầu, là trăn trở của lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta. Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành khẩn trương nghiên cứu đề xuất ban hành chính sách đặc thù đối với nhân viên y tế, khắc phục, xử lý các bất cập, tạo môi trường thuận lợi để khám và điều trị bệnh cho Nhân dân.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: "Nghề y là một nghề đặc biệt" và sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân ngày càng tốt hơn luôn là ưu tiên hàng đầu, là trăn trở của lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta. Ảnh VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Phạm Minh Chính: "Nghề y là một nghề đặc biệt" và sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân ngày càng tốt hơn luôn là ưu tiên hàng đầu, là trăn trở của lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Tối ngày 27/2, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Lễ kỷ niệm 67 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2022) - chương trình đầy ý nghĩa tôn vinh và tri ân đội ngũ thầy thuốc, nhân viên y tế trên toàn quốc, nhất là trong bối cảnh cả nước vượt qua khó khăn, kiên cường, đoàn kết chống lại dịch bệnh COVID-19.

Cùng tham dự chương trình có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương.

Cách đây 67 năm, ngày 27/2/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho Hội nghị cán bộ y tế với những lời nhắn gửi ân cần, những chỉ đạo sâu sắc, khoa học, mang tính thời đại, định hướng chiến lược cho ngành Y tế Việt Nam phát triển. Trong thư, Bác Hồ dạy ngành Y tế phải đoàn kết, phải vừa giỏi chuyên môn vừa giàu đạo đức nghề nghiệp, xây dựng một nền y học "khoa học, dân tộc và đại chúng"; thầy thuốc phải như mẹ hiền.

67 năm qua, lời dạy của Bác đã trở thành kim chỉ nam, ánh sáng soi đường chỉ lối để các thế hệ thầy thuốc học tập, rèn luyện, phấn đấu, trưởng thành, cống hiến và đóng góp cho sự nghiệp chăm lo sức khỏe của nhân dân, phục vụ bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đất nước.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: Lời thề y đức "sâu y lý - giỏi y thuật - giàu y đức" luôn thắp sáng tư tưởng và hành động trong mỗi thầy thuốc và nhân viên y tế. Các thế hệ thầy thuốc Việt Nam đã vượt qua những năm tháng gian khổ, ác liệt của chiến tranh, có mặt trên khắp các chiến trường để chăm sóc, cứu chữa thương binh, bệnh binh, đồng bào bằng trí tuệ và lòng yêu nước cao cả. Thủ tướng nhắc đến những tên tuổi lớn của nền y học Việt Nam như Giáo sư, bác sĩ Hồ Đắc Di, Bác sĩ Vũ Đình Tụng, Giáo sư, bác sĩ Đặng Văn Ngữ, Giáo sư, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Giáo sư, bác sĩ Tôn Thất Tùng, Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Tài Thu…

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng các đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm 67 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2022). Ảnh VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng các đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm 67 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2022). Ảnh VGP/Nhật Bắc

"Chúng ta nhớ đến hàng ngàn bác sĩ, nhân viên y tế thầm lặng phục vụ trong các chiến trường gian nan và nguy hiểm, nhiều người đã anh dũng hy sinh góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước. Chúng ta nhớ đến các bác sĩ, nhân viên y tế đã phục vụ trong các cơ sở y tế còn nghèo nàn, lạc hậu sau thời kỳ chiến tranh để bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân. Dù trong thời chiến hay thời bình, sự tận hiến phục vụ đồng bào, chiến sĩ của các thầy thuốc và nhân viên y tế luôn để lại ấn tượng và sự biết ơn sâu sắc trong mỗi chúng ta", Thủ tướng phát biểu.

Cũng theo Người đứng đầu Chính phủ, nhìn lại hơn 2 năm đại dịch COVID-19 bùng phát và gây hệ lụy nghiêm trọng trên toàn cầu và nước ta, những "chiến sĩ áo trắng", "anh hùng khoác áo blouse" luôn là hình ảnh đẹp về sự hy sinh, về y đức, về sự quả cảm, về tấm lòng nhân ái... Chúng ta nhớ đến những cán bộ và nhân viên y tế hết mình phục vụ trong các cơ sở y tế, trong các khu cách ly, nhất là vào thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nhất ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Hơn 25 nghìn chuyên gia, cán bộ y tế, y bác sĩ, sinh viên các trường y dược đã không quản ngại vất vả và hiểm nguy lên đường hỗ trợ các địa phương.

"Chúng ta nhớ đến hình ảnh những nhân viên y tế trong bộ đồ bảo hộ giữa mùa Hè, ướt đẫm mồ hôi, những bàn tay nhăn nheo… Đặc biệt là những cử chỉ ân cần, vỗ về, an ủi thậm chí chăm sóc thay người nhà bệnh nhân trong lúc cứu chữa bệnh... Nhưng có lẽ điều ám ảnh, day dứt nhất đối với nhiều bác sĩ, nhân viên y tế là khi phải chứng kiến những giây phút lằn ranh giữa sự sống và cái chết… rồi cần mẫn, lặng lẽ giữ gìn những đồ đạc, kỷ vật để trao lại cho gia đình bệnh nhân khi họ ra đi mà không có người thân bên cạnh… Đó là mạch nguồn, là ánh sáng của lương tri, của lòng nhân ái, của đạo đức, của trái tim đôn hậu như Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã từng căn dặn: Người thầy thuốc chẳng những có nhiệm vụ cứu chữa bệnh tật mà còn nâng đỡ tinh thần những người ốm yếu", Thủ tướng phát biểu.

Cùng với đó là những bác sĩ và nhân viên y tế đã phục vụ chữa bệnh ở các cơ sở y tế cho Nhân dân trên mọi miền Tổ quốc với tần suất làm việc không kể ngày đêm, gánh vác công việc gấp nhiều lần lúc bình thường do nhiều đồng nghiệp phải tăng cường phục vụ phòng, chống dịch COVID-19; những bác sĩ, y tá ngày đêm túc trực, làm việc tại các cơ sở y tế vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo… với nhiều khó khăn và vất vả.

Hàng ngàn nhân viên y tế đã không quản ngại ngày đêm để thực hiện chiến dịch thần tốc tiêm chủng vaccine lớn chưa từng có trong lịch sử. Hiện nay, nước ta là một trong những nước có tỷ lệ tiêm chủng lớn nhất thế giới mặc dù việc tiếp cận vaccine rất khó khăn, dân số đông và tỷ lệ nhân viên y tế trên dân số còn thấp. Tỷ lệ tiêm chủng cao là cơ sở để nước ta tự tin đưa cuộc sống dần trở lại bình thường, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các tổ chức Đảng và chính quyền các cấp, cùng toàn thể Nhân dân luôn đánh giá cao, thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn, vất vả, hy sinh của ngành y tế, bác sĩ và nhân viên y tế. Ảnh VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các tổ chức Đảng và chính quyền các cấp, cùng toàn thể Nhân dân luôn đánh giá cao, thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn, vất vả, hy sinh của ngành y tế, bác sĩ và nhân viên y tế. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng nhấn mạnh: Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các tổ chức Đảng và chính quyền các cấp, cùng toàn thể Nhân dân luôn đánh giá cao, thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn, vất vả, hy sinh của ngành Y tế, bác sĩ và nhân viên y tế. Trong Lời kêu gọi đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài đoàn kết để chiến thắng dịch bệnh COVID-19, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã biểu dương sự nỗ lực không mệt mỏi của ngành Y tế, cùng các lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Để ứng phó với dịch bệnh, Nhân dân đã đồng lòng, chung sức với Đảng, Nhà nước và ngành y tế để đi qua nghịch cảnh và khó khăn. Hàng chục nghìn tỷ đồng đã được ủng hộ cho Quỹ Vaccine, xây dựng bệnh viện dã chiến, mua sinh phẩm, thiết bị y tế… Đồng thời, đã xuất hiện nhiều bài thơ, nhiều ca khúc sâu lắng của các nhạc sĩ, nhà thơ và Nhân dân cả nước tặng riêng thầy thuốc và nhân viên y tế trong đại dịch COVID-19.

Theo Thủ tướng, đó là những giá trị tinh thần không gì đo đếm được. Với truyền thống đoàn kết, sự nỗ lực, quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, năm 2021 đất nước ta đã đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện trên nhiều lĩnh vực; trong đó có đóng góp rất quan trọng của ngành y tế.

Đại dịch COVID-19 đã thách thức và làm bộc lộ nhiều hạn chế với tất cả hệ thống y tế trên toàn cầu, kể cả ở những nước phát triển. Nhiều quốc gia đã rút ra những bài học và có kế hoạch xây dựng hệ thống y tế chống chọi với những sự cố bất ngờ, trong đó có đại dịch. Những năm qua, ngành Y tế nước ta đã có sự phát triển toàn diện về nhiều mặt, chất lượng khám chữa bệnh, ứng dụng công nghệ, khoa học sáng tạo trong lĩnh vực y dược phát triển, một số lĩnh vực không thua kém gì các nước tiên tiến trên thế giới, được Nhân dân tin tưởng, bạn bè quốc tế ủng hộ. Tuy nhiên, dịch COVID-19 đã làm bộc lộ những bất cập đối với hệ thống y tế của nước ta. Cơ sở vật chất, nhất là hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở còn hạn chế, nhất là nguồn nhân lực; chế độ đãi ngộ với bác sĩ, cán bộ, nhân viên y tế còn chưa tương xứng; lực lượng bác sĩ và nhân viên y tế, độ phủ ở cơ sở còn thiếu.

Thủ tướng nhấn mạnh: Sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân ngày càng tốt hơn luôn là ưu tiên hàng đầu, là trăn trở của lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Chúng ta còn nhiều việc phải làm để đáp ứng hơn nữa kỳ vọng của Nhân dân. Nhân dân mong muốn các cơ sở khám chữa bệnh sạch sẽ hơn, văn minh hơn, tiện lợi hơn; giá cả khám chữa bệnh, thuốc chữa bệnh, sinh phẩm, vật tư y tế được quản lý tốt hơn, công khai, minh bạch hơn; cơ chế, chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội phù hợp và hiệu quả hơn…

Dịch bệnh cơ bản đang được kiểm soát nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp. Để thực hiện "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19", tạo nền tảng quan trọng phục hồi nhanh, phát triển kinh tế - xã hội bền vững, nhiệm vụ của ngành y tế là rất nặng nề. Theo Thủ tướng, để giảm bớt vất vả cho đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế; đồng thời bảo vệ sức khỏe cho chính mình, gia đình và cộng đồng, mỗi người dân cần nêu cao ý thức "mỗi người vì mọi người" trong việc chấp hành các quy định y tế, phòng chống dịch, tiêm chủng,… Đây là nhân tố hết sức quan trọng và quyết định; là quyền lợi, nghĩa vụ và là trách nhiệm của mỗi người dân.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Mỗi người dân Việt Nam đều muốn nói lời tri ân, lời cảm ơn, lời chia sẻ, lời thấu hiểu, sự đồng lòng đến các thầy thuốc và nhân viên y tế với sứ mệnh tự hào, cao cả "Thầy thuốc như mẹ hiền". Ảnh VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Mỗi người dân Việt Nam đều muốn nói lời tri ân, lời cảm ơn, lời chia sẻ, lời thấu hiểu, sự đồng lòng đến các thầy thuốc và nhân viên y tế với sứ mệnh tự hào, cao cả "Thầy thuốc như mẹ hiền". Ảnh VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương và kêu gọi Nhân dân cả nước tiếp tục tập trung cao độ, hiệu quả, với tinh thần trách nhiệm cao nhất cho Chiến dịch tiêm chủng, trong đó đẩy mạnh việc tiêm vaccine cho trẻ em đảm bảo an toàn, khoa học, hiệu quả để bảo vệ sức khỏe các cháu và giúp các cháu trở lại trường học an toàn.

Thủ tướng khẳng định, Chính phủ trong thẩm quyền sẽ cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Quốc hội; nhất là Nghị quyết số 20 Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, đã xác định: "Nghề y là một nghề đặc biệt. Nhân lực y tế phải đáp ứng yêu cầu chuyên môn và y đức; cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt".

Chính phủ chỉ đạo các Bộ ngành khẩn trương nghiên cứu đề xuất ban hành chính sách đặc thù đối với nhân viên y tế, như: Nâng mức phụ cấp ưu đãi nghề đối với viên chức làm việc trong các cơ sở y tế công lập; nâng cao năng lực, hiệu quả của y tế dự phòng và y tế cơ sở; đổi mới chính sách tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ để thu hút nguồn nhân lực y tế trong phòng, chống dịch và khám, chữa bệnh; khuyến khích cán bộ có trình độ chuyên môn làm việc ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn…; xử lý các bất cập liên quan đến chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, quản lý giá về khám chữa bệnh, thuốc, sinh phẩm, vật tư y tế, quản lý, quản trị các cơ sở y tế, tạo môi trường thuận lợi để khám và điều trị cho Nhân dân.

Những chiến sĩ áo trắng đã tận tâm, tân trí, tận lực vì sức khỏe nhân dân. Ảnh VGP/Nhật Bắc
Những chiến sĩ áo trắng đã tận tâm, tân trí, tận lực vì sức khỏe nhân dân. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Đồng thời, Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung cho Chương trình phòng, chống dịch COVID-19, chú trọng bảo vệ những người dễ bị tổn thương, người có nguy cơ cao, người ở tuyến đầu chống dịch; không để khủng hoảng y tế, quá tải hệ thống y tế; tăng cường quản lý bệnh nhân từ sớm, từ xa, từ cơ sở, nhất là bệnh nhân tại nhà.

Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta cũng tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác với các biến chủng mới; triển khai thần tốc hơn nữa tiêm chủng vaccine, bảo đảm an toàn, khoa học, hợp lý, hiệu quả; tập trung nghiên cứu việc tiêm mũi thứ 4, khẩn trương nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để triển khai tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và chuyển đổi số; thúc đẩy nghiên cứu, xây dựng kịch bản ứng phó dịch bệnh, bảo đảm chủ động về thuốc điều trị; tăng cường thông tin truyền thông, nâng cao ý thức người dân; giám sát, kiểm tra, khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh, kịp thời.

"Nhân dịp kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam; một lần nữa, tôi gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến tất cả các thầy thuốc, cán bộ, nhân viên và người lao động ngành Y tế trên mọi miền Tổ quốc của chúng ta. Mỗi người dân Việt Nam đều muốn nói lời tri ân, lời cảm ơn, lời chia sẻ, lời thấu hiểu, sự đồng lòng đến các thầy thuốc và nhân viên y tế với sứ mệnh tự hào, cao cả "Thầy thuốc như mẹ hiền " để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân, góp phần xây dựng Dân tộc khỏe mạnh, Đất nước phồn vinh, hùng cường và thịnh vượng!", Người đứng đầu Chính phủ phát biểu.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu, trong suốt những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, các thế hệ thầy thuốc, các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Y tế đã không ngừng nỗ lực, vươn lên, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để xây dựng ngành Y tế Việt Nam ngày càng lớn mạnh, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Đội ngũ thầy thuốc Việt Nam đã tiếp cận, làm chủ hầu hết các kỹ thuật y học tiên tiến đồng thời chủ động, sáng tạo ra nhiều phương pháp điều trị mới. Nhiều kỹ thuật y học của Việt Nam được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao và đã được ứng dụng rộng rãi.

Đặc biệt, trong hơn 2 năm qua với sự xuất hiện và bùng phát của đại dịch COVID-19 chưa từng có trong tiền lệ qua là khoảng thời gian thử thách đầy cam go đối với ngành y tế và đội ngũ các thầy thuốc. Ngành Y tế đã nỗ lực không mệt mỏi, những chiến sĩ áo trắng với sứ mệnh vẻ vang là đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết, đã tận tâm, tận trí, tận lực và quyết liệt, chủ động, linh hoạt với các biện pháp phòng, chống dịch. Nhiều biện pháp chuyên môn chưa có trong tiền lệ trong xét nghiệm, cách ly, điều trị, tiêm chủng được triển khai với mục đích duy nhất là nhanh chóng kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh, mang lại bình an cho người dân, quyết tâm chăm lo tốt nhất cho sức khỏe của Nhân dân.

Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định: Các thế hệ thầy thuốc sẽ tiếp tục đoàn kết một lòng, không ngừng phấn đấu, rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn, tu dưỡng y đức để hoàn thành tốt sứ mệnh vinh quang mà Đảng, Nhà nước, Nhân dân giao cho trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân./.

Tin cùng chuyên mục
Nghệ An: Nỗ lực cho công tác xóa mù chữ để đồng bào thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Nghệ An: Nỗ lực cho công tác xóa mù chữ để đồng bào thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Năm 2022, Nghệ An được công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, đây là tiền đề quan trọng để địa phương tiếp tục có những bước đi vững chắc trong công tác xóa mù chữ. Tuy nhiên, với điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, địa bàn cách trở… đang là những trở ngại đối với công tác xóa mù chữ, đòi hỏi tỉnh Nghệ An có những giải pháp phù hợp.