Theo báo cáo của các địa phương, thiệt hại ban đầu do bão số 9 và mưa lũ tính đến 22h ngày 28/10 đã làm 02 người chết, 55 người mất tích, 28 người bị thương; 227 ngôi nhà bị sập, hư hỏng trên 88 nghìn ngôi nhà; 49 cơ sở giáo dục bị hư hỏng, tốc mái; 01 cầu treo tại Kon Tum và 02 cầu tại Bình Định bị cuốn trôi; sạt lở gây ách tắc giao thông tại 14 điểm ở Thừa Thiên Huế, 14 điểm ở Kon tum, 5 điểm tại Quảng Nam; Đường Hồ Chí Minh bị sạt lở, chia cắt hoàn toàn tại Km1353+5 thuộc địa phận huyện Phước Sơn (Quảng Nam)…
Công tác ứng phó với bão số 9 và mưa lũ sau bão đang được các địa phương tích cực triển khai. Theo đó, Bộ Quốc phòng đã huy động hơn 45 nghìn cán bộ, chiến sỹ và trên 4 nghìn phương tiện, thiết bị tham gia ứng phó bão số 9; Bộ TT&TT chỉ đạo các nhà mạng nhắn trên 42 triệu tin cảnh báo, hướng dẫn phòng tránh tới các thuê bao trong khu vực bị ảnh hưởng; Các địa phương chỉ đạo lực lượng công an phối hợp với ngành giao thông tổ chức phân luồng, đảm bảo an toàn giao thông; các công sở, nhà máy, xí nghiệp cho người lao động nghỉ việc ngày 28/10…
Theo cảnh báo của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, sau khi đổ bộ vào các tỉnh Quảng Nam đến Bình Định bão suy yếu thành ATNĐ và tiếp tục đi sâu vào đất liền. Sau đó suy yếu thành vùng áp thấp trên khu vực Nam Lào với sức gió mạnh nhất giảm xuống dưới cấp 6 và tan dần. Từ ngày 29/10, lũ trên các sông sẽ mở rộng ra các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ thượng lưu các sông ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình lên mức BDD2-BDD3. Nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi ngập lụt vùng trũng thấp, ven sông và các đô thị tại các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi và khu vực Tây Nguyên.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT đề nghị các địa phương cần tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, công điện số 32/CĐ-TW của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT; Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, sơ tán dân khu ngập sâu, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn; Vận hành hồ chứa phù hợp, giảm lũ cho hạ du và đảm bảo an toàn công trình; Tổng hợp thiệt hại và triển khai khắc phục hậu quả; Chủ động tổ chức đưa người dân tại các khu vực sơ tán, di dời đến nơi đảm bảo an toàn; tăng cường lực lượng trực ban, chia sẻ thông tin kịp thời về công tác chỉ đạo điều hành ứng phó khắc phục hậu quả…
“Đặc biệt, cần khẩn trương tìm kiếm 55 người mất tích tại huyện Nam Trà My (Quảng Nam); Tìm kiếm cứu nạn thuyền viên trên 2 tàu cá Bình Định; Sẵn sàng lực lượng cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu; huy động các lực lượng vệ sinh môi trường đặc biệt là trung tâm y tế,trường học” ông Nguyễn Văn Tiến nhấn mạnh.