Trưng bày “Không gian dệt lụa” nhằm cung cấp thêm những tư liệu, hiện vật liên quan sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến”. Bằng thủ pháp trưng bày hiện đại, thiết kế mỹ thuật độc đáo, trưng bày giới thiệu gần 150 hình ảnh, hiện vật, tài liệu.
Trong đó, chủ đề thứ nhất là về câu chuyện làng nghề Vạn Phúc với những công đoạn làm nghề dệt lụa, từ lúc con tằm nhả tơ, cho đến se sợi, quay tơ, cùng các dụng cụ làm nghề khác.
Tại đây, khách tham quan sẽ được tận mắt chứng kiến chiếc bàn, chiếc giường, chiếc gối đơn sơ nơi vị Chủ tịch kính yêu từng làm việc, nghỉ ngơi; bộ bàn ghế nơi Bác và các đồng chí trong Ban Thường vụ Trung ương Đảng thường xuyên họp bàn và thông qua Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến…
Ngoài ra, trong dịp này, Ban Tổ chức còn phục dựng căn phòng đồng chí Hoàng Quốc Việt, Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ làm việc năm 1938. Toàn bộ trưng bày toát lên truyền thống của mảnh đất Vạn Phúc - từ một làng nghề dệt lụa, đến một làng cách mạng.
Trưng bày nhằm giáo dục lòng yêu nước, truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc, tri ân công lao của Đảng, Bác Hồ đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, thể hiện tình cảm của nhân dân Thủ đô với Bác.
Cuối năm 1946, trước tình hình thực dân Pháp liên tục gây hấn, chuẩn bị xâm lược nước ta lần thứ hai, để chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến ở và làm việc tại ngôi nhà của ông Nguyễn Văn Dương (Vạn Phúc, Hà Đông), từ ngày 3 đến 19/12/1946. Trong 2 ngày 18 và 19/12/1946, Người đã chủ trì Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương mở rộng, thống nhất phát động toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Tại ngôi nhà này, Bác Hồ đã soạn thảo Lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến”. Lời kêu gọi đã được phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam trong đêm 19/12/1946, đánh dấu chính thức thời điểm Việt Nam bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ.
Ngôi nhà năm xưa Bác dừng chân tại Vạn Phúc đã được công nhận là Di tích Lịch sử quốc gia năm 1975. Bằng tất cả tình cảm dành cho Bác Hồ, ngôi nhà của ông Nguyễn Văn Dương đã được nhân dân Thủ đô gìn giữ. Thành phố Hà Nội đã đầu tư, tu bổ, mở rộng khuôn viên di tích, phục dựng một số hạng mục công trình để trở thành điểm tham quan, học tập về tấm gương cách mạng của Bác cho nhân dân cả nước.