Triển khai Dự án 8 “Thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025, Hội LHPN huyện Kbang đã thành lập và tổ chức ra mắt 22 Tổ TTCĐ với 159 thành viên tham gia, hoàn thành chỉ tiêu ra mắt Tổ TTCĐ.
Số lượng thành viên của Tổ TTCĐ từ 7 - 10 người gồm: Bí thư chi bộ, thôn trưởng, chi hội trưởng phụ nữ, đại diện ban công tác mặt trận, các đoàn thể ở địa phương, Người có uy tín trong cộng đồng. Đây là một trong những yếu tố thuận lợi cho việc điều hành hoạt động tổ TTCĐ cũng như tuyên truyền vận động Nhân dân đạt hiệu quả.
Hàng tháng, Ban điều hành Tổ TTCĐ tiến hành họp hoạt động trong tháng và bàn kế hoạch tháng tiếp theo. Tùy theo nội dung tuyên truyền, Ban điều hành tổ giao cho tổ trưởng, tổ phó hay thành viên. Những nội dung liên quan đến phòng, chống tội phạm, ma túy, mua bán người, phòng, chống tệ nạn xã hội, an ninh biên giới quốc gia... giao cho công an tuyên truyền; nội dung Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và Gia đình... giao cho chi hội phụ nữ, chi đoàn thanh niên hoặc trưởng thôn, tổ dân phố tuyên truyền... Tùy theo nội dung, kỹ năng, chuyên môn, năng lực sở trường của thành viên để phân công nhiệm vụ tuyên truyền phù hợp.
Bà Đinh Thị Triết, Chủ tịch Hội LHPN huyện Kbang, tỉnh Gia Lai cho biết: Hội LHPN huyện tăng cường tuyên truyền mục đích, ý nghĩa và hoạt động của Tổ TTCĐ; đẩy mạnh giao lưu, học tập và trao đổi kinh nghiệm với các Tổ TTCĐ trong toàn huyện; xây dựng mạng lưới truyền thông trên nền tảng số để chia sẻ, kết nối hoạt động của các tổ truyền thông.
Đồng thời, để nâng cao năng lực triển khai cho các mô hình thúc đẩy bình đẳng giới, Hội LHPN huyện Kbang đã tổ chức 10 lớp tập huấn nâng cao năng lực, hướng dẫn vận hành và quản lý Tổ TTCĐ cho 680 đại biểu tại 5 xã, thị trấn thực hiện Dự án 8…
Cùng với đó, tăng cường phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền các xã, thị trấn đa dạng hóa và lồng ghép các nội dung tuyên truyền nhằm giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào DTTS.
Qua đó, góp phần xoá bỏ định kiến giới, thúc đẩy bình đẳng giới, tạo điều kiện để phụ nữ có cơ hội phát triển và xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn.